Học tập dựa trên hiện tượng (Phenomenon Based Learning)

Lời dẫn: Tại hội thảo về Computational Thinking Education do FUNiX tổ chức hôm 15/11, các bạn Đài Loan có nhắc đến phenomenon based learning là phương pháp giáo dục có tính cách mạng xuất phát từ Phần Lan và ngày càng phổ biến. Có lẽ đây là một bước tiến của các phương pháp như problem based, project based, v.v. Các trường quốc tế ở Việt Nam cũng đang sử dụng phương pháp này để dạy các nội dung (không gọi là môn học) như Global Perspectives. Xét thấy chưa có tài liệu tiếng Việt nào mô tả đủ kỹ, nên tôi dịch bài này để giới thiệu cho những ai quan tâm.

Trong giảng dạy dựa trên hiện tượng, việc cùng tìm hiểu hiện tượng bắt đầu từ việc đặt câu hỏi hoặc nêu vấn đề.

Trong phương pháp học và dạy dựa trên hiện tượng (PhenoBL – Phenomenon Based Learning), điểm khởi đầu cho việc học là các hiện tượng thực tế và toàn diện (không bị cắt xén, đơn giản hóa). Các hiện tượng này được tìm hiểu như những thực thể hoàn chỉnh, trong bối cảnh thực của chúng, và những thông tin và kỹ năng liên quan đến chúng sẽ được học bằng cách liên kết nhiều môn học khác nhau. Hiện tượng là các chủ đề tổng thể như con người, Liên minh châu Âu, phương tiện truyền thông và công nghệ, nước hay năng lượng. Cách khởi đầu này khác với cách làm của trường học truyền thống, chia thành các môn học, trong đó những thứ được tìm hiểu thường được chia thành các phần tương đối nhỏ và tách rời (xóa bỏ bối cảnh).

Cấu trúc chương trình giảng dạy theo kiểu dựa trên hiện tượng cũng tạo ra cơ hội tốt hơn để tích hợp các môn học và chuyên đề khác nhau, cũng như sử dụng có hệ thống các phương pháp sư phạm hữu ích, như học bằng hỏi (inquiry-based), học tập dựa trên vấn đề (problem-based), học tập dự án (project) và sổ theo dõi học tập (portfolio). Cách tiếp cận dựa trên hiện tượng cũng là chìa khóa trong việc sử dụng linh hoạt các môi trường học tập khác nhau (ví dụ: trong việc đa dạng hóa và làm phong phú thêm việc học trong khi sử dụng môi trường eLearning).

Học và hiểu sâu (deep learning) là mục tiêu của phương pháp học tập dựa trên hiện tượng

Học tập dựa trên hiện tượng bắt đầu từ việc cùng quan sát các hiện tượng của thế giới thực một cách toàn diện và chân thực trong cộng đồng học tập. Việc quan sát không giới hạn ở một quan điểm duy nhất; thay vào đó, các hiện tượng được nghiên cứu một cách toàn diện từ các quan điểm khác nhau, vượt qua ranh giới giữa các môn học một cách tự nhiên và tích hợp các môn và chuyên đề khác nhau.

Trong giảng dạy dựa trên hiện tượng, việc cùng tìm hiểu hiện tượng bắt đầu từ việc đặt câu hỏi hoặc nêu vấn đề (ví dụ: Tại sao một chiếc máy bay lại bay được và không rơi?). Khi phát huy tốt nhất, học tập dựa trên hiện tượng là học tập dựa trên vấn đề (problem based), khi người học cùng nhau xây dựng câu trả lời cho các câu hỏi hoặc vấn đề đặt ra liên quan đến một hiện tượng mà họ quan tâm. Các vấn đề và câu hỏi được đặt ra cùng nhau bởi chính những người học – là những điều mà họ thực sự quan tâm.

Cách tiếp cận dựa trên hiện tượng là học tập kiểu thả neo (anchored learning), khi các thắc mắc được hỏi và vấn đề cần học được gắn (neo) một cách tự nhiên vào các hiện tượng trong thế giới thực, và thông tin và kỹ năng cần học có thể được áp dụng trực tiếp xuyên ranh giới giữa các môn học và bên ngoài lớp học, trong các tình huống khi thông tin và kỹ năng được sử dụng (chuyển giao tự nhiên).

Trong quá trình học tập, thông tin mới luôn được dùng cho hiện tượng hoặc giải quyết vấn đề, điều đó có nghĩa là các lý thuyết và thông tin có giá trị sử dụng ngay lập tức như một bằng chứng trong tình huống học tập. Để tiếp thu thông tin mới và học sâu, điều rất quan trọng là người học áp dụng thông tin trong tình huống học tập. Thông tin chỉ học được ở cấp độ đọc hoặc lý thuyết (ví dụ ghi nhớ công thức vật lý và quy tắc tính toán mà không có bối cảnh thực tế hoặc các vấn đề liên quan) thường vẫn là hời hợt và rời rạc cho người học, thiếu mất sự hiểu biết toàn diện về thông tin (và hiện tượng thế giới thực đằng sau nó) hoặc nội hóa (internalise) được ý nghĩa của nó.

Cách tiếp cận dựa trên hiện tượng có thể làm tăng đáng kể tính xác thực (authenticity) của việc học. Lúc này, tính xác thực đạt đến đỉnh điểm vì quá trình nhận thức (quá trình suy nghĩ) của người học là thực tế – quá trình nhận thức của người học trong tình huống học tập trùng với quá trình nhận thức cần có trong tình huống thực tế, khi có nhu cầu sử dụng thông tin / kỹ năng. Tính xác thực là một yêu cầu quan trọng cho việc chuyển giao và ứng dụng thông tin vào thực tế. Thông thường, người ta nói rằng “bạn không thể học lái xe chỉ bằng cách sử dụng bút và giấy”, hoặc “các bài kiểm tra điền vào chỗ trống chỉ dạy ta cách trả lời các bài kiểm tra điền vào chỗ trống – không có bài kiểm tra nào trong cuộc sống hay công việc thực, chỉ có những tình huống giao tiếp thực sự mà ta phải áp dụng thông tin và truyền tải thông điệp một cách toàn diện và dễ hiểu cho người khác”. Trong học tập xác thực (authentic learning), mục đích là đem các thực tiễn và quy trình thực tế của cuộc sống làm việc vào các tình huống học tập theo cách có cấu trúc và có tính sư phạm, và khi áp dụng, cho phép người học tham gia vào cách làm việc mang tính chuyên gia thực sự trong lĩnh vực liên quan (so sánh với cộng đồng nghề).

Các lý thuyết học tập và mô hình sư phạm đằng sau phương pháp học tập dựa trên hiện tượng

Điểm khởi đầu của phương pháp dạy học dựa trên hiện tượng là chủ nghĩa kiến ​​tạo (constructivism), trong đó người học được coi là người chủ động xây dựng kiến ​​thức và thông tin được xem là được xây dựng như là kết quả của việc giải quyết vấn đề, được ghép từ “những mảnh nhỏ” thành một tổng thể phù hợp với tình huống tại thời điểm đó. Khi học tập dựa trên hiện tượng xảy ra trong một môi trường hợp tác (ví dụ, người học làm việc theo nhóm), nó hỗ trợ các lý thuyết học tập socio-constructivist và sociocultural, khi thông tin không chỉ được xem như một yếu tố bên trong của một cá nhân mà được hình thành trong bối cảnh xã hội. Vấn đề trung tâm trong các lý thuyết học tập văn hóa xã hội (sociocultural) bao gồm các tạo tác (artifact) văn hóa (ví dụ: hệ thống các biểu tượng như ngôn ngữ, quy tắc tính toán toán học và các loại công cụ tư duy khác nhau) – không phải người học nào cũng cần phát minh lại bánh xe, họ có thể sử dụng thông tin và công cụ được truyền tải bởi các nền văn hóa.

Trong chương trình giảng dạy, cách tiếp cận dựa trên hiện tượng hỗ trợ các phương pháp như học tập dựa trên học hỏi, học tập dựa trên vấn đề hay dự án, và sổ theo dõi học tập (portfolio learning) trong các cơ sở giáo dục cũng như việc thực hiện vào thực tế.

Các ưu điểm (motivational factors)

  • Việc học bắt đầu bằng mục tiêu hiểu các hiện tượng của thế giới thực
  • Người học thấy được giá trị ứng dụng của các lý thuyết và thông tin trong tình huống học tập
  • Tự người học có thể đưa ra mối quan tâm và nêu vấn đề làm điểm bắt đầu của quá trình học tập
  • Giảng dạy dựa trên hiện tượng coi người học là trung tâm, người học chủ động sáng tạo và hành động
  • Những lý thuyết cần học được gắn neo vào các tình huống thực tiễn và hiện tượng
  • Các phương pháp, nguồn và công cụ có tính xác thực (authentic) được sử dụng trong tình huống học tập
  • Học tập là một hoạt động có chủ ý, hướng mục tiêu; các học viên biết các mục tiêu học tập
  • Hoc tập xảy ra trong bối cảnh thực và toàn diện (holistic), (có tính bối cảnh, ngược lại so với các nhiệm vụ học tập đơn lẻ, bị tách khỏi thực tế và mất liên kết)
  • Quá trình học tập là một quá trình hoàn chỉnh và liên tục của việc hướng mục tiêu (complete goal-oriented continuum)

Bài gốc trên Phenomenal Education, : http://www.phenomenaleducation.info/phenomenon-based-learning.html

Do Đại học trực tuyến FUNiX và Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức ngày 15/11, Hội thảo giáo dục phổ thông môn Tin học nhằm hỗ trợ cho việc triển khai “Chương trình giáo dục phổ thông môn tin học” do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành vào ngày 26/12/2018. Tại đây, các chuyên gia trong nước và những nhà giáo dục hàng đầu đến từ Đài Loan đã luận bàn về sự cần thiết cho học sinh tiếp cận sớm với công nghệ thông tin (CNTT) từ bậc phổ thông, những phương pháp mà một số nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài đang áp dụng và những đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông môn tin học ở Việt Nam trong thời gian tới.

DỊCH GIẢ PHAN PHƯƠNG ĐẠT

Trưởng ban Cố vấn Câu lạc bộ Tài năng Lập trình FPT Software

Là một trong những “Cậu bé Vàng” của nền toán học Việt Nam, hai năm liên tiếp đoạt hai huy chương Olympic Toán quốc tế và được ba đời Thủ tướng tặng bằng khen, anh Phan Phương Đạt nổi tiếng từ thời còn rất trẻ. Gần 20 năm làm việc tại FPT trên nhiều cương vị quan trọng như Giám đốc nhân sự FPT, Phó Tổng Giám đốc FPT Software, Hiệu phó Đại học FPT,…, anh Đạt đã áp dụng kỹ năng, tư duy toán học vào việc giải đáp nhiều bài toán khó trong thực tiễn. Tinh thần phản biện cao, hóm hỉnh nhưng sâu sắc, anh Phan Phương Đạt là một người đặc biệt thích viết và dịch. Anh có một Blog riêng, nơi quy tụ những chủ đề anh quan tâm và muốn chia sẻ cho cộng đồng: https://phanphuongdat.com/

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *