Phần mềm điện thoại Trung Quốc: bắt chước iPhones và tái tạo Android

Lời dẫn: Liệu HongMeng OS của Huawei có thể thay thế Android tạo nên một hệ sinh thái công nghệ mới là câu hỏi đang rất được quan tâm hiện nay. Bài này là bài thứ nhất trong serie 2 bài về các hệ điều hành của Trung Quốc. Trong bài này tác giả Sam Byford của báo Verge sẽ cho chúng ta một bức tranh chung về sự phát triển của các hệ điều hành mobile chính của Trung Quốc. Bài thứ hai trong serie sẽ giới thiệu HongMeng OS.

Bài 2: Huawei chính thức ra mắt Hồng Mông OS: Hệ thống đa đầu cuối hoàn toàn mới, phù hợp cho điện thoại thông minh

2018 sẽ là năm mà người tiêu dùng phương Tây không thể bỏ qua những tiến bộ vượt bậc về phần cứng của các điện thoại Trung Quốc được nữa. Từ những bộ camera hiện đại nhất, những bộ sạc siêu tốc đến fingerprint scanner gắn trực tiếp trên màn hình (in-display), hay muôn vàn những sáng tạo trong việc mở rộng tối đa màn hình. Trong một năm mà những Apple, Samsung hay Google chỉ đưa ra được những cải tiến nhỏ, các mẫu điện thoại Trung Quốc như Oppo Find X, Huwei P20 Pro hay Vivo Next quả thật có rất nhiều đặc tính hấp dẫn với những “dân chơi”.  

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa chúng là những mẫu điện thoại tiện lợi dễ dùng. Rất nhiều người dùng Android lâu năm ở Phương Tây, kể cả những phóng viên của The Verge, thường gặp một trở ngại lớn khi sử dụng những điện thoại này: đó là làm sao quen với phần mềm. Với người dùng phương Tây, phần mềm điện thoại Trung Quốc có thể rất lòe loẹt, nặng nề và không giống bất cứ mẫu điện thoại nào bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ nếu có một điều gì làm người dùng có thể quyết định quay lưng với mẫu điện thoại Huawei Mate 20 Pro- ngoài những lý do chính trị- thì đó chính là phần mềm.

Trong hơn một năm vừa qua, tôi đã dùng thử hầu hết các mẫu điện thoại chính của Trung Quốc, đã đến thăm đất nước này rất nhiều lần, gặp gỡ vài chục nhân vật quan trọng của các hãng sản xuất điện thoại chính. Sau trải nghiệm này, tôi vẫn nghĩ là các hãng điện thoại Trung Quốc sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong lĩnh vực phần mềm, ví dụ không ai giải thích được tại sao tất cả mọi người đều phải copy y đúc cái camera app của iPhone. Nhưng tôi đã học được rất nhiều về những nguyên tắc thiết kế của khá nhiều hãng điện thoại và phát hiện ra rằng đằng sau bức tranh bề ngoài có vẻ hỗn loạn luôn có một trật tự nào đó.

Thâm Quyến, Trung Quốc.

Trước tiên chúng ta hãy cùng quay lại mùa hè năm 2013. Trong mùa hè này không có mẫu điện thoại mới nào đã làm độc giả cũng như các biên tập viên của The Verge phấn khích hơn là hai mẫu Google Play Editions của Samsung galaxy S4 và HTC One. Đây là các phiên bản unlocked của hai mẫu điện thoại này được bán trên Play Store của Google, với tính năng đặc biệt nhất là tính đơn giản. Chúng chạy trên các phiên bản Android nguyên mẫu hoàn toàn không có thêm bất cứ một phần mềm đặc thù nào của nhà sản xuất.

Những người hâm mộ gọi phiên bản này là “stock Android”, nghĩa là Android y như Google thiết kế. Nhưng thật ra tính hấp dẫn của Android vốn nằm ở chỗ nó cho phép các nhà sản xuất và các hãng viễn thông có thể tùy chỉnh theo ý muốn, vì Google nghĩ điều này sẽ giúp Android đánh bại Windows Phone của Microsoft. Nhưng chính khả năng này cũng dẫn đến việc các nhà sản xuất sẽ thêm quá nhiều những lớp phần mềm đặc thù (skins) như TouchWiz của Samsung hay Sense của HTC. Chúng làm cho những điện thoại tốt nhất cũng chậm đi rất nhiều với rất nhiều những tính năng hay đồ họa không cần thiết. Chính vì thế mà hai phiên bản Google Editions này thực sự là kết hợp lý tưởng với những tín đồ Android: phần cứng mạnh, phần mềm đơn giản.    

SỬ DỤNG GOOGLE APPS KHÔNG PHẢI LÀ MỘT LỰA CHỌN Ở TRUNG QUỐC

Tình hình ngày nay đã khác. Các nhà sản xuất như Samsung đã tự kiềm chế hơn nhiều. Không còn các phiên bản Google Editions nữa. Khái niệm “stock Android” cũng trở nên mờ hơn. Các điện thoại sản xuất bởi chính Google như Pixel có nhiều phần mềm mà các phiên bản tối giản Android One không có. Và phiên bản open source AOSP của Android về cơ bản chỉ có những thành phần tối thiểu, với rất ít hỗ trợ cho các API và apps sẵn có[i]. Tất cả các nhà sản xuất thiết bị Android đều phải mua bản quyền Google Play services[ii], bao gồm cả các ứng dụng của Google như Play Store, trình duyệt Chrome, Maps, Search etc. để đảm bảo các tính năng cơ bản cho thiết bị của mình.

Vấn đề với các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc là tất cả các dịch vụ cộng thêm này đều bị chặn ở Trung Quốc, cho nên về cơ bản họ không có lựa chọn. Chiến lược hợp lý với họ là sử dụng AOSP như là một cơ sở để đảm bảo tính tương thích với Android, sau đó phát triển thêm các tính năng, dịch vụ, app store riêng cho thị trường Trung Quốc. Sau đó mới tính đến thị trường toàn cầu.

Nói một cách khác, các điện thoại Android của Trung Quốc không chỉ chạy các “skins” như TouchWiz của Samsung, mà chúng như các hệ điều hành mới có hỗ trợ ứng dụng Android. Và công ty đầu tiên thực hiện ý tưởng này là Xiaomi.

Một cửa hàng của Xiaomi ở Bắc Kinh.

Đến bất cứ một siêu thị tầm trung ở một thành phố tầm trung nào của Trung Quốc – tầm trung của Trung Quốc cũng ngang ngửa với mega city với phần còn lại của thế giới- có khả năng lớn là bạn sẽ thấy một cửa hàng Mi Home. Biển hiệu sáng nhìn có vẻ như bắt chước Apple, nhưng thật ra chúng nhìn giống các cửa hàng Nhật Bản Muji hơn. Xiaomi đầu tư cho rất nhiều start-up sản xuất vô khối thiết bị đơn giản, rẻ tiền có thể hoạt động chung trong hệ sinh thái Mi Home của công ty, cũng như các sản phẩm đại chúng hơn như va-ly hay sạc pin. 

Hệ thống bán lẻ của Xiaomi rất dễ làm người ta quên rằng Xiaomi khởi đầu là một công ty phần mềm. Phiên bản Android của Xiaomi MIUI (đọc là “me-you-eye”) lần đầu tiên được phát hành năm 2010, khi mà thị trường Trung Quốc còn rất ít phần mềm điện thoại thông minh có chất lượng. MIUI nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong thị trường các bản ROM (thị trường các phiên bản Android “tự chế”), ngay cả ở ngoài Trung Quốc. Biên tập viên Dan Seifert của The Verge nhớ lại đã từng cài trên điện thoại HTC Droid Incredible như một cách để giảm khoảng cách so với iOS lúc đó đang là đỉnh cao. Hơn một năm sau, điện thoại Xiaomi đầu tiên mới ra đời.

“THIẾT KẾ PHẦN CỨNG LÀ VỀ KHÔNG GIAN, THIẾT KẾ PHẦN MỀM LÀ VỀ THỜI GIAN”

“Vision của MIUI cũng giống như của Xiaomi, là làm sao cho người dùng tận hưởng các niềm vui của công nghệ”, một nhà thiết kế chính của Xiaomi với cái tên tiếng Anh Robin chia sẻ với tôi tại buổi ra mắt điện thoại Mi Mix 2 ở Bắc Kinh. Robin làm thiết kế cho cả phần mềm lẫn phần cứng và đã tham gia dự án cải tiến MIUI cho điện thoại Mi Mix với màn hình dài hơn và không có viền.

“Tôi nghĩ với điện thoại, thiết kế phần cứng và phần mềm khác hẳn nhau” Robin nói. “Khi chúng tôi thiết kế một màn hình, chúng tôi luôn suy nghĩ làm sao để tăng diện tích nhưng lại giảm thể tích, ví dụ làm sao để giảm độ dày 0.1mm. Phần cứng có nghĩa là không gian. Nhưng thiết kế phần mềm là về thời gian, như các bạn có thể thấy rõ qua thiết kế giao diện hay thiết kế các thao tác như bật màn hình hay unlock thiết bị nhanh nhất có thể”.

MIUI rất hiệu quả về mặt thời gian. Bật một điện thoại Xiaomi, bạn sẽ thấy một thiết kế gọn gàng, các animations hợp lý, rất ít những phần thừa thãi mà bạn thường thấy trong một phiên bản gần như làm mới hoàn toàn của Android. Trong một khía cạnh nào đó, MIUI là một hệ điều hành khá tiêu biểu cho style Trung Quốc với màu sắc đơn giản, không có app drawer, và dùng chủ yếu shortcuts. Các nhà thiết kế của MIUI khá tự hào về những tính năng được nhiều người ưa thích như cái calculator với chức năng đổi tiền, hoặc một cái phonebook được cộng đồng hóa.

Các designers của Xiaomi (từ trái sang phải): Gary, Robin, và Wang Qian.

“Điều làm cho MIUI đặc biệt là nó hướng đến người dùng ngay từ ngày đầu tiên”, Gary, giám đốc thiết kế của MIUI nói: “Chúng tôi có forum dành riêng cho Xiaomi fans, nơi họ có thể trao đổi các khó khăn, đưa ra yêu cầu, đề xuất với team phát triển và thiết kế sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi luôn cởi mở tiếp thu và đưa các đề xuất hay vào thực tế”.

Một số tính năng này rất sáng tạo và hữu ích, mặc dù người dùng ngoài Trung Quốc có thể không hiểu hết. Một ví dụ là Smart App Launcher, một tính năng mới của MIUI 9. Nó có thể tự động mở một app dựa trên nội dung của screen, ví dụ mở Maps nếu người dùng đang nói về một địa điểm, hoặc tìm kiếm thông tin tác giả khi người đọc đang đọc một bài báo. Nó khá giống chức năng Now on Tap của Google Assistant, nhưng khi kết nối chặt chẽ với các ứng dụng phổ cập như WeChat hay DianPing, nó có thể giúp người dùng Trung Quốc, vốn là những người sử dụng điện thoại trong cuộc sống nhiều bậc nhất thế giới, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. 

MIUI, TỰ THÂN NÓ LÀ MỘT HỆ ĐIỀU HÀNH ĐẦY ĐỦ, MẠCH LẠC

Xiaomi nói rằng họ không phân biệt người dùng trong hay ngoài Trung Quốc, nhưng một số chức năng của họ chắc chắn hướng đến thị trường nội địa, thị trường lớn nhất của họ. Khi vào Ấn Độ, họ cũng đã rất thành công với nhiều chức năng riêng cho thị trường này. MIUI 10 có nhiều tính năng tích hợp với các dịch vụ phổ biến ở Ấn Độ. Người dùng có thể sử dụng Paytm qua QR codes trong ứng dụng camera. Trang mua sắm Flipkart có thể được mở từ các link đặt hàng trong các tin nhắn SMS.   

Dù có thích MIUI hay không, bạn cũng không thể phủ nhận nó là một hệ điều hành tốt, có tư tưởng thiết kế rõ ràng, xứng đáng được công nhận. Bạn có thể thích phiên bản Android của Google như trên điện thoại Pixel hơn, nhưng đấy cũng chỉ là một cách nhìn. Chưa kể với người dùng Trung Quốc thì góc nhìn ấy không quá quan trọng, vì đa số họ còn chưa bao giờ nhìn thấy Play Store trên đời.

Funtouch OS 4.0 chạy trên Vivo Nex.

Không phải mọi nhà sản xuất Trung Quốc đều làm theo cách của Xiaomi. Vivo có hệ điều hành riêng gọi là Funtouch OS, hiện đang ở phiên bản thứ 4. Hơn hầu hết các hệ điều hành Trung Quốc khác, Funtouch OS có rất nhiều điểm giống với iOS của Apple mà không thể giải thích đơn giản là tình cờ hoặc là chỉ là những chi tiết thiết kế hiển nhiên. Từ cách hiển thị các thông báo, màn hình điều khiển khi vuốt lên hay danh sách của các widget bên phải màn hình có thể cuộn được, đều rất quen thuộc với người dùng iPhone, mặc dù phần cứng Vivo Nex thì khác hẳn.

Thật ra đây không phải là ý tưởng tồi, khi mà iPhone có hàng trăm triệu người dùng ở Trung Quốc. Như nhà báo Ben Thompson của Stratechery có viết năm ngoái, chuyển đổi từ iPhone sang điện thoại khác với người dùng phương Tây là một vấn đề rất lớn, với biết bao contacts trong iMessage và rất nhiều các ứng dụng để làm các công việc quen thuộc. Nhưng người dùng Trung Quốc vốn có WeChat vừa dùng để chat, vừa là một hệ sinh thái lớn có thể dùng cho rất nhiều hoạt động hàng ngày, vốn gần như là một hệ điều hành riêng. Vì vậy người dùng iPhones Trung Quốc có thể chuyển đổi từ iPhone dễ dàng hơn nhiều so với người dùng Phương Tây.

BẮT CHƯỚC iPHONE LÀ MỘT CHIẾN LƯỢC KHÔNG TỒI Ở TRUNG QUỐC

Trong bối cảnh này thì việc bắt chước giao diện của iPhones- đặc biệt là trong một đất nước mà luật bản quyền còn chưa chặt, và khi mà cả thế giới cũng khá mệt mỏi với những kiện tụng bất tận giữa Apple và Samsung- cũng khá là dễ hiểu. Funtouch OS được phát triển nhiều năm sau MIUI, khi mà WeChat trở thành rất phổ biến. Thực ra mà nói, riêng về chuyện bắt chước, tôi cũng chưa chắc là chuyện này có tệ hơn việc Instagram đã làm với Snapchat, hay là Fortnite với PUBG.

Funtouch OS cũng có những tính năng riêng của nó, nhưng không giống như MIUI, Vivo không cố thay đổi những phần lõi, phần hoạt động cơ bản của điện thoại, mà họ tập trung hơn vào khai thác, làm nổi bật những tính năng phần cứng: một selfie camera tự pop-up, một cảm biến vân tay trên màn hình (in-display), một chức năng chat picture-in-picture cho games… (Giá mà Vivo có chức năng tìm kiếm trong phần settings để người dùng có thể dễ dàng tìm thấy chức năng mình cần). Một giám đốc sản phẩm của Vivo chia sẻ: “Chúng tôi không sáng tạo chỉ để sáng tạo, mà lúc nào cũng để phục vụ tốt nhất yêu cầu người dùng”. Nếu những yêu cầu đấy là “có một giao diện quen thuộc, đầy đủ ứng dụng, có thể dùng WeChat, lướt net, nghe nhạc và chụp ảnh” thì tôi nghĩ họ đã thành công.    

Nói về chụp ảnh, các ứng dụng camera của Trung Quốc vốn nổi tiếng với những chức năng xử lý ảnh tiên tiến, đặc biệt là với selfies. Rất nhiều điện thoại có các chức năng như làm sáng mặt, mịn da. Tôi có hỏi Wang Qian của Xiaomi, người đang phát triển phần mềm chụp ảnh, liệu họ có nghĩ đến khách hàng ngoài Trung Quốc khi phát triển các chức năng như vậy không. “Về mặt tâm lý, quan trọng nhất với người dùng Trung Quốc là nhìn sáng sủa, pha một chút hồng với trắng”, cô nói. “Tuy nhiên chúng tôi cũng hiểu rằng các khách hàng bên ngoài, nhất là các khách hàng châu Âu, Mỹ và Ấn Độ thích những hiệu ứng tự nhiên hơn. Ưu tiên đầu của chúng tôi là khách hàng Trung Quốc và châu Á. Sau đó sẽ thay đổi cho các thị trường khác. Chúng tôi đang nghiên cứu về quần áo, nước da cũng như các khía cạnh khác của người dùng ở châu Âu và Mỹ”.

Các ứng dụng camera (từ trái sang phải): ColorOS của Oppo, MIUI của Xiaomi và Hệ điều hành Funtouch của Vivo.

Với ứng dụng camera trên các điện thoại Trung Quốc, thực sự ngạc nhiên là có một sự giống nhau đến kinh ngạc -giống lẫn nhau và giống với iPhones. Ứng dụng camera của iOS 7 có lẽ là ứng dụng có ảnh hưởng nhất về mặt thiết kế trong thập kỷ qua. Chỉ cần nhìn bức ảnh ở trên với các ứng dụng camera của Oppo, Xiaomi và Vivo là đủ hiểu. Chỉ có Huawei là thành công trong việc thiết kế và phát triển một ứng dụng theo phong cách riêng và nó thực sự là rất tốt. 

“Thành công mà Vivo đạt được cho đến nay là kết quả của những nỗ lực nhằm hiểu rõ khách hàng, và giao diện ứng dụng camera của chúng tôi được thiết kế để đáp ứng các thói quen của khách hàng”, người giám đốc sản phẩm của Vivo nói. “Khách hàng có thể quẹt ngang để truy cập vào các chế độ chụp ảnh khác nhau, như thói quen của họ vẫn thế. Các kết quả test của chúng tôi cũng cho thấy đây là cách hiệu quả nhất và thân thiện với người dùng nhất”. 

Các tuyên bố này cho chúng ta thấy với các nhà thiết kế Trung Quốc thì làm sao hấp dẫn người dùng iPhone là một mục tiêu quan trọng. “Tôi chắc rằng rất nhiều công ty cố gắng bắt chước Apple và tạo ra giao diện giống như của iOS,” Pete Lau, CEO của hãng điện thoại OnePlus nói. “Và họ làm thế với mục tiêu làm sao hấp dẫn người dùng iPhone chuyển qua điện thoại của họ một cách dễ dàng”.

“Tôi nghĩ Apple là bậc thầy trong ngành công nghiệp này, họ đã tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, tạo được sự kết nối với người dùng,” Robin của Xiaomi nói. “Với Xiaomi cũng vậy. Chúng tôi thiết kế điện thoại và hệ điều hành sao cho người ta thực sự có thể sử dụng chúng. Nhìn từ khía cạnh đấy, hệ điều hành ko chỉ là hệ điều hành. Nó là công cụ kết nối với con người, phục vụ con người. Sự khác biệt giữa chúng tôi và một số hệ thống khác là trong khi họ chỉ tập trung bắt chước Apple thì chúng tôi luôn tìm cách đổi mới ngay từ ngày đầu tiên. Chúng tôi có vô số các themes tùy chỉnh phục vụ đủ yêu cầu của các người dùng khác nhau.”

Hệ điều hành EMUI của Huawei sao chép giao diện chia sẻ của iOS thay vì tận dụng hệ thống mạnh hơn của Android

Có một công ty Trung Quốc nổi bật nhất về phần mềm và cũng là công ty với số lượng fan hâm mộ đông nhất ở Mỹ, đó là OnePlus. Họ đã xây dựng tên tuổi với những chiếc điện thoại có giá cả phải chăng nhưng với chất lượng và tốc độ ngang ngửa với điện thoại Google với nhiều chức năng rất thông minh.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một sự thoải mái khi trải nghiệm”, CEO Pete Lau nói với tôi tại trụ sở Thẩm Quyến của OnePlus. “Nghĩa là cố gắng để tạo một trải nghiệm trực quan, đơn giản, nhẹ nhàng và trôi chảy nhất có thể, chứ không phải là cố gắng thêm chức năng này chức năng kia chỉ cho có, hay để lăng xê. Nghĩa là cho người sử dụng một trải nghiệm thật tự nhiên như họ mong đợi”. 

OnePlus định vị như một start-up, nhưng quan hệ khá gần với Oppo, có các nhà đầu tư cũng như chuỗi cung ứng chung. Thăm trụ sở OnePlus bạn cũng có thể thấy một số mạng wifi vẫn có tên Oppo. Nhưng về mặt thiết kế phần mềm thì hai công ty khác nhau một trời một vực. Điện thoại Oppo có hệ điều hành ColorOS, khá giống với FunOS của Vivo nhưng tập trung nhiều hơn vào các chức năng cho siêu người dùng (super-user) như multitasking (và nó cũng có chức năng search trong phần Settings, không giống Vivo).

OXYGEN OS LÀ MỘT NỖ LỰC TỐI GIẢN

Nhưng hệ điều hành OxygenOS của OnePlus thực sự là một tấm gương về sự tiết chế. Tính năng nổi trội nhất là tốc độ. Các tối ưu phần mềm giúp cho điện thoại OnePlus, ngoài điện thoại Pixel của Google, là điện thoại Android duy nhất có thể sánh được với iPhone về độ nhạy và độ mượt. Tôi có hỏi các kỹ sư của OnePlus vì sao được như vậy thì họ có nhắc đến một yếu tố quan trọng là chiến lược phát hành sản phẩm của công ty. OnePlus chỉ phát hành điện thoại mới 2 lần một năm, thường là sẽ ngừng các dòng trước khi phát hành mẫu mới, và các điện thoại mới đều sử dụng các chip Qualcomm mạnh nhất vào thời điểm phát hành. Điều đó cho phép các kỹ sư khai thác tối đa các tính năng của các phần cứng mạnh nhất mà không cần phải quá lo về việc support các dòng chậm hơn. Tự do này, cộng với một cách làm animation và thiết kế thao tác giao diện đặc biệt giúp điện thoại OnePlus cho người dùng một cảm giác tốc độ rất nhanh.  

Ngoài hệ điều hành Oxygen OS, OnePlus còn phát hành một phiên bản cho thị trường Trung Quốc gọi là Hydrogen OS với giao diện tương tự nhưng có nhiều chức năng và dịch vụ riêng cho thị trường Trung Quốc thay thế các chức năng tương tự của Google. Và mặc dù với một triết lý khá lạ so với các điện thoại khác, OnePlus tin rằng người dùng Trung Quốc của họ đang hài lòng. “”Dễ dùng” là từ mà tôi nghe được khá nhiều từ khách hàng địa phương khi so sánh chúng tôi với các điện thoại khác”, Pete Lau nói, và cho rằng gu của người dùng Trung Quốc có thể đang thay đổi theo hướng mà OnePlus đang theo. 

“Quan sát người dùng Trung Quốc, đây sẽ là một câu hỏi thú vị. Tôi cho rằng gu của người dùng đang thay đổi, họ mong muốn có một trải nghiệm nhanh và mượt. Xu hướng đang chuyển dần từ nhiều chức năng hấp dẫn, nhiều màu sắc, nhiều khác biệt hay thừa thãi, sang tối giản hơn. Giai đoạn chuyển đổi này sẽ cần thời gian, tất nhiên”.

Pete Lau – Giám đốc điều hành nePlus, đã quay và xem trên một chiếc OnePlus 6.

Không thể tiên đoán được là liệu phần mềm điện thoại Trung Quốc liệu sẽ thay đổi, nếu có thì là khi nào và lớn hay không. Nhưng Pete Lau có lý khi cho rằng sẽ cần nhiều thời gian. Có thể sẽ là một dịch chuyển tự nhiên đến xu hướng giao diện tối giản hơn. Có thể là các nước đi của Google sẽ dẫn đến thay đổi hẳn vai trò của Android ở thị trường. Cũng có thể là với sự phổ cập của WeChat thì những câu hỏi trên cũng không còn mấy ý nghĩa nữa. 

Nhưng hôm nay có thể khẳng định rằng không phải tất cả phần mềm điện thoại Trung Quốc đều dở. Và khi được coi là “dở” theo góc nhìn phương Tây, thì nó thường cũng có lý do riêng, rất khác với những Android skins của quá khứ. Đúng là nhiều điện thoại Trung Quốc có những quyết định sai lầm về giao diện, ví dụ như Huawei, và đúng là cũng dễ dàng để chế diễu một số thiết kế giống y đúc như iOS. Tuy nhiên cần phải hiểu là những chiếc điện thoại này được tạo ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác với những điện thoại Android ngoài Trung Quốc. 

Thị trường điện thoại Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, năng động và táo bạo, không giống bất cứ thứ gì chúng ta đã biết. Nếu bạn muốn theo kịp với những tiến bộ kinh ngạc của phần cứng của những chiếc điện thoại này, bạn rất nên bỏ công sức để hiểu về phần mềm của chúng.

Ảnh: Sam Byford / The Verge


[i] Hệ sinh thái Android về cơ bản như sau: Google phát hành một phiên bản open source gọi là AOSP bao gồm các chức năng tối thiểu. Bản thân Google sẽ phát triển các phiên bản thương mại riêng: dùng riêng cho chính điện thoại Pixel của Google (cũng gọi là Stock Android), bán cho các hãng điện thoại khác với những phiên bản riêng như Android One hay Android Go. Các hãng sản xuất cũng có thể dựa trên AOSP để phát triển các phiên bản riêng.

[ii] Các điện thoại mới của Huawei không có bản quyền này, nên Mate 30 và Mate 30 pro mới phát hành tháng 9/2019 không có Google Apps cũng như Store.

Bài gốc của  Sam Byford: https://www.theverge.com/2018/10/17/17988564/chinese-phone-software-android-iphone-copy-ui

Nguyễn Thành Lâm

Nguyễn Thành Lâm (Dịch giả)

Nguyên TGĐ FPT Software, Giám đốc FUNiX HCM

Từng được đào tạo bài bản tại CHLB Đức trong cả hai lĩnh vực CNTT và Kinh tế, anh Nguyễn Thành Lâm đã trải qua 17 năm kinh nghiệm hoạt động trong đa dạng lĩnh vực của FPT Software như: Sản xuất, bán hàng, quản lý nhân sự, quản lý chất lượng, tài chính, giải pháp công nghệ,… ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2017, anh Lâm chính thức về đầu quân cho FUNiX với vai trò người đại diện của tổ chức ở TP. HCM. Nói về bước ngoặt này, anh cho biết: “Tôi luôn nghĩ giáo dục là công việc có thể mang lại nhiều giá trị nhất cho xã hội đối với một con người. Một đất nước mà mỗi công dân đều có điều kiện học hỏi và thực sự học hỏi là đất nước giàu, một tổ chức mà mỗi thành viên đều học hỏi là tổ chức mạnh, một cá nhân luôn học hỏi là cá nhân hạnh phúc.”

Bài tiếp: “Huawei chính thức ra mắt Hồng Mông OS: Hệ thống đa đầu cuối hoàn toàn mới, phù hợp cho điện thoại thông minh“- Dịch giả Đào Duy Cường – Giám đốc Ban Điều hành Sản xuất FPT Software

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *