Cuộc nói chuyện giữa Đất và Trời

Là lời của cô MC xinh đẹp nói về cuộc trao đổi 40’ giữa Jack Ma và Elon Musk tại Đại hội Trí tuệ Nhân tạo Thượng Hải, 29/8/2019.

Hai con người ở hai thái cực. Một đốt tiền tấn mơ mộng. Một cặm cụi nhặt tiền lẻ. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung đang càng ngày càng căng thẳng, còn thế giới thì thật mong manh.

Jack Ma và Elon Musk nói chuyện tại Đại hội Trí tuệ Nhân tạo Thượng Hải ngày 29/8/2019.

Jack Ma (JM): Để tao nghĩ xem chủ đề gì nhỉ. Có AI (trí tuệ nhân tạo) không. Có à. Hay quá. AI nhé.

Elon Musk (EM): Nhất trí, tao nghe đâu đó, AI có nghĩa là tình yêu. Nghe cũng giông giống nhỉ.

JM: Tao ghét dịch AI thành trí tuệ nhân tạo. Tao sẽ dịch nó thành Trí tuệ Alibaba (tên công ty của Jack Ma-ND)

EM: Cũng có thể cuối cùng sẽ như thế. Nhưng tao thì lo rằng chúng ta đang đánh giá thấp chúng nó (tức là lũ AI ấy). Các nhà nghiên cứu AI có lẽ đang phạm 1 sai lầm lớn. Họ nghĩ là họ thông minh và không thể tưởng tượng là có cái gì đó thông minh hơn họ. Nhưng thực tế là AI sẽ thông minh hơn ta nhiều. Ta nghĩ về chúng, cũng như khỉ nghĩ về người ngoài hành tinh vậy.

Thực tế là tao cũng không biết là sẽ phải làm gì khi rơi vào tình huống như vậy. Có lẽ chúng cũng sẽ hiền từ (aka không thịt chúng ta nấu cao). Nhưng có một câu thành ngữ đại loại thế này: nếu không thể đánh được chúng, thì tốt hết nên đi theo chúng. Đấy là ý tưởng về neuralink (một sản phẩm mà Elon Musk cho rằng có thể nối não với máy tính để con người cạnh tranh với AI). Tao cho rằng sẽ có nhiều công ty tham gia nâng cao băng thông cho não để chúng ta có thể sánh bước cùng với bọn AI.

Con người thực ra đã là một loại cyborg (tập hợp các chất hữu cơ và các phần cơ khí). Chúng ta không thể sống thiếu smartphone. Quên cái điện thoại chẳng khác gì mất cánh tay cả.

Nhưng băng thông giao tiếp giữa não và điện thoại vẫn quá thấp. Input bằng 10 ngón thì nhanh hơn gõ bằng 2 ngón. Video đã là cách mạng. Nhưng vẫn chẳng là gì. So với năng lực xử lý của máy tính thì mấy thứ uốn lưỡi như của ta đây khác gì tiếng bép bép của cá voi đâu.

JM: Tao không phải là dân công nghệ. Nên tao nghĩ về cuộc sống. Theo tao AI sẽ mở một chương mới trong lịch sử, khi loài người có thể hiểu mình rõ hơn hiểu về thế giới bên ngoài. Tất nhiên dự đoán tương lai là điều khó. 99.00% dự đoán là sai. Nhưng 80% thống kê cũng là sai nốt. Nên ý tao là cứ chiến thôi.

Tao hạnh phúc khi AI (trí tuệ Alibaba) có thể giúp con người bản chất của mình tốt hơn. Nên thay vì lo lắng vì AI thì chúng ta nên tự tin vào bản thân mình hơn. Điều gì chúng ta chưa có giải pháp, thế hệ tương lai sẽ có giải pháp. Nếu AI là cái gì đó khủng khiếp thì loài người sẽ đủ thông minh để xử lý nó.

Theo tao, những người lo sợ về AI là những người “thông minh sách vở”. Còn bọn tao, những loại “khôn lỏi đường phố” thì chẳng sợ, thậm chí còn thấy rất hay. Bọn tao sẽ thay đổi để ôm AI vào lòng.

EM: Tao không biết có phải là lời trăng trối không. Nhưng nhịp độ phát triển của công nghệ thật điên rồ. Ví dụ như game đi. Gần 50 năm trước, chúng ta chơi Pong, chỉ là 2 hình chữ nhật xếp thành hình vuông. Còn bây giờ, nhé, thế giới ảo chẳng khác gì thật, hàng triệu người chơi một lúc.

Tao cũng không biết là nếu công nghệ có phát triển chậm lại thì có cứu được văn minh nhân loại hay không? Tính từ khi chúng ta còn viết được cái gì lưu lại, chứ không phải là mấy bức tranh trong hang, thì văn minh cũng mới có được hơn 7000 năm chứ mấy. Mà cứ cho là được 1 triệu năm đi thì cũng là tích tắc với lịch sử trái đất 13.8 tỷ năm. Cứ như là văn minh nhân loại chơi đu quay ấy.

Cần nói lại cho rõ tao là người lạc quan bẩm sinh. Tao không dọa địa ngục sắp đến. Tao chỉ nhận xét khách quan là nhịp độ thay đổi công nghệ quá nhanh, đã vượt qua khả năng hiểu biết của con người. Tao cũng không biết đó là tốt hay xấu nữa. Mấy tháng trước đây, tao đột nhiên nghĩ rằng, con người sinh học thực ra là một kiểu bootloader (một phần mềm rất bé để khởi động máy tính) cho một loại trí tuệ số siêu việt! (chắc là AI-ND).

JM: Ok, nói về cái gì đó vui hơn đi. Tao biết là mày muốn lên sao Hỏa.

EM: Đúng rồi, tao vừa mới từ đó về

JM: Thực tế là tao quan tâm đến Trái Đất hơn. Không hiểu là có cái gì hấp dẫn mày trên Sao Hỏa vậy?

EM: Tao cho là thế này. Loài người cần hành động để “ý thức của con người” có thể vẫn tồn tại trong tương lai. Chúng ta không thể ngồi im vì cho rằng đã thấy người ngoài hành tinh đe dọa đâu. Mày biết nghịch lý Fermi chứ (nghịch lý về việc xác suất tồn tại người ngoài hành tinh trong Ngân Hà là rất cao, nhưng chúng ta vẫn không có bất cứ một bằng chứng nào – ND). Bọn nó hỏi tao đã đến Khu 51 chưa (khu đặc biệt bí mật của không quân Mỹ, được coi là lưu giữ đĩa bay của người ngoài hành tinh). Hehe, SpaceX của tao còn có cả Khu 59. Nên vẫn phải làm gì đó.

Một trong những hành động đó là phải biến cuộc sống hiện tại thành cuộc sống đa hành tinh. Không phải là vì tao nghĩ Trái đất sắp tèo đến nơi. Mà là lần đầu tiên trong lịch sử 4.5 tỷ năm tồn tại của Trái đất, chúng ta có cơ hội mang sự sống sang hành tinh khác. Thực tế là dù chúng ta có cố gắng đến đâu đi nữa, thì vẫn có 1 xác suất là Trái đất sẽ tác động làm cho nền văn minh bị phá hủy hoặc hư hỏng không thể sửa được nữa. Tao cũng không biết là cơ hội đó sẽ tồn tại lâu không. Tốt hết là cứ nên hành động ngay càng sớm càng tốt. Để không hối hận là đã không cứu “ý thức con người” khi còn có thể.

JM: Đúng là quá khó để có thể bảo đảm tương lai lâu dài cho trái đất. Nhưng có thể làm gì đó để bảo đảm tương lai 100 năm chẳng hạn. Tao rất ngưỡng mộ lòng dũng cảm lên Sao Hỏa của mày, nhưng tao cũng ngưỡng mộ những người đang cải tạo Trái đất này. Đưa 1 triệu người lên Sao Hỏa thật là vĩ đại. Nhưng làm thế nào để nuôi 7.4 tỷ người dưới này.

Tao không khoái Sao Hỏa vì tao nghĩ lên đó không khó, cũng như lên đỉnh núi cao. Tao sợ là lên đó rồi mình sẽ không thể quay lại được. Vì sao tao ghét leo lên Hymalaya. Có thể là sắp chết là tao sẽ lên đó ngó xem có cái gì. Tao muốn dành nhiều thời gian ở đây hơn. Chúng ta chỉ có 100 năm để sống. Chúng ta không thể giải quyết mọi vấn đề của tương lai. Nhưng chúng ta có trách nhiệm với tương lai.

Tao vẫn cho là AI sẽ giúp con người hiểu bản thân mình rõ hơn. Hai trăm năm gần đây chúng ta cố gắng hiểu thế giới bên ngoài. Nên tao thấy kích động khi nghĩ rằng AI sẽ giúp cho người hiểu người hơn trên Trái đất này.

Tao nghe nói ngoài việc đi ra ngoài vũ trụ, mày cũng định đào sâu vào trái đất. Tao rất ngưỡng mộ. Loài người cần những anh hùng như mày. Nhưng cũng cần nhiều anh hùng như tao, làm việc như điên trên trái đất.

EM: Rõ rồi, tao là người yêu Trái đất. Khi tao nói cần biến con người thành một loài đa hành tinh, tao nghĩ chỉ cần dành 1% nguồn lực cho việc này. Kiểu như chi tiêu bao nhiêu % cho sức khỏe, bao nhiêu % cho son môi ấy. Tao là người yêu thẩm mỹ. Nên chi 0.5% hoặc 1% GDP cho cuộc sống liên hành tinh là một đầu tư thông minh, tao nghĩ thế.

Ngoài ra mày biết thừa là tao đầu tư nhiều thế nào cho pin mặt trời và xe hơi điện. Tao thấy máu bừng bừng khi xây dựng siêu nhà máy ở Thượng Hải. Đội Tesla Tàu làm tao thực sự ấn tượng. Mày biết đấy, tao đã thấy nhiều cái điên rồ trong đời, nhưng phải ngả mũ trước tốc độ làm việc ở đây.

Tao thực sự nghĩ rằng Trung Quốc có tương lai to lớn. Một số công ty tên lửa của chúng mày cũng đang tiến bộ thần tốc. Nể đấy. Bàn việc khác đi. Việc làm chẳng hạn. Việc làm là cuộc sống. Mày nghĩ là AI sẽ tạo ra việc mới hay làm cho bớt việc đi?

JM: Tao thì đang nghĩ là tại sao chúng ta cần nhiều việc làm thế. Haha, tao nghĩ thế đấy. 200 năm nay loài người cứ lo lắng mất việc làm mỗi khi có 1 công nghệ gì đó mới. Trong khi đó cách mạng công nghiệp tạo ra vô khối việc làm mới. Thứ nữa là sắp tới có lẽ chúng ta sẽ sống lâu hơn. Những tiến bộ trong khoa học cuộc sống có thể làm chúng ta sống được 100 hay 120 năm. Có thể là cũng không hay lắm vì Ông của Ông tao có khi vẫn đang làm việc.

Quay lại suy nghĩ của tao. Tại sao phải cần nhiều việc làm. Chúng ta có thể làm 4h một ngày 3 ngày 1 tuần. Nhờ có điện năng chúng ta đã tiết kiệm được thời gian để đi karaoke, hội hè etc. Nhờ có AI, ta sẽ có nhiều thời gian hơn để sung sướng. Ví dụ tao đã đi được 300 thành phố. Ông già tao chắc đi được 30. Còn ông nội tao chắc không quá 3. Còn cháu tao chắc 3000.

Hay như robot làm việc ở Tesla cho mày đi chém gió loanh quanh. Vậy nên theo tao không phải tạo ra nhiều việc làm, mà là làm cho mọi người hạnh phúc hơn, được “làm người” hơn.

Thứ ba, thử nghĩ mà xem. Thời nông nghiệp con người sống 30-35 năm. Thời công nghiệp tầm 70 năm. Thời AI tầm 100 năm. Chúng ta không muốn đẻ con. Mà lại muốn nhiều việc làm. Thế có mâu thuẫn không? Mày có vui không nếu ông nội mày bảo sáng mai muốn đi làm.

EM: Chúng ta sẽ có việc làm, tao nghĩ thế, nếu tìm được cách kết hợp con người với máy móc. Cần phải làm được cái neuro-link, nếu không loài người sẽ bị bỏ lại. Mà phải làm nhanh. Tao sợ là chúng ta không còn nhiều thời gian.

JM: Không còn nhiều thời gian để làm gì?

EM: Để giải bài toán neuro-link. Quá nhiều công nghệ và công nghệ. Kiểu như một cái bản đồ đầy rẫy các tòa nhà công nghệ. Nếu chúng ta không leo lên cái ngọn tháp cao thì sẽ không thấy được mối liên kết topo của các công nghệ đó.

JM: Tao không bao giờ lo lắng về những vấn đề tao không giải được. Cứ để người khác giải. Nếu không ai giải được, thì cứ kệ nó đi. Đời tao là thế. Hay nói về giáo dục đi.

Tao rất quan tâm đến việc những tri thức và kỹ năng nào cần cho tương lai. Mày có lời khuyên gì cho bọn trẻ đang muốn xây dựng sự nghiệp trong ngành AI. Tao thì không có.

Kiến thức và cái cách mà chúng ta dạy bọn trẻ được thiết kế từ thời cách mạng công nghiệp. Chúng ta tin chắc rằng máy sẽ giỏi hơn người. Vậy làm thế nào để người sẽ thông minh hơn, khôn ngoan hơn. Không cần phải nhớ, phải tính toán nữa. Nhưng phải sáng tạo, phải xây dựng. Tao muốn dạy bọn trẻ nghệ thuật, vẽ tranh, nhảy múa… Làm cho con người được sống như con người.

Không lo lắng về máy móc nữa. Cần phải hiểu 1 điều rằng người không thể chế tạo ra người được. Thậm chí không thể chế tạo được con muỗi. Máy tính chỉ có chips, còn người có trái tim. Và sự khôn ngoan đến từ trái tim. Bởi thế trong 10-20 năm nữa, các chính phủ phải cải cách hệ thống giáo dục để bọn trẻ có thể sống trong 1 xã hội chỉ làm việc 4 tiếng một ngày, 3 ngày một tuần.

EM: Thế nào nhỉ, mặc dù chúng ta thường dự đoán sai về tương lai, chúng ta vẫn phải thử và tìm cách để dự đoán đúng hơn. Về giáo dục cũng vậy thôi.

Bởi thế để nghĩ về giáo dục, cần dự đoán về tương lai. Với neurolink, mày cần gì, mày chỉ cần tải về não là xong. Chẳng hạn muốn lái máy bay. À, mà không được, máy bay nó sẽ tự bay. Mày muốn bất kỳ kỹ năng gì, mày có thể về tức thì. Hệ thống giáo dục hiện tại đang làm việc ở dải băng thông quá hẹp, quá chậm. Các bài giảng thì thật tệ hại. Tóm lại là cần phải dự báo tương lai. Ít nhất là phải thử.

JM: Đồng ý, chúng ta phải thử. Tao chưa bao giờ lo lắng về các sai lầm. Sai lầm có lẽ là tài sản quí nhất của loài người. Kiểu như mọi người nghĩ AI là thảm họa. Tao thì cho đó có thể là 1 sai lầm. Và nếu là 1 sai lầm thì loài người sẽ tìm được cách sửa nó. Và vì thế chúng ta cần giáo dục.

Quay về Trung Quốc, hiện nay mỗi năm có 18 triệu đứa trẻ ra đời. Quá ít. Tài nguyên lớn nhất của loài người không phải là bờ biển, dầu mỏ hay điện, mà là “trí tuệ con người – human brain”. Chúng ta cần phải làm cho trí tuệ đó thêm sáng tạo. Còn máy móc chỉ là đồ chơi chứ không phải kiểm soát con người.

Tao chưa bao giờ nghĩ là máy móc có thể kiểm soát được con người. Chúng ta có đủ người thông minh để không chế ra loài nào đó thông minh hơn mình.

EM: Tao rất không đồng ý với quan điểm này.

SM: Không sao cả.

EM: Ý tao là việc đầu tiên chúng ta phải giả thiết là chúng ta ngu và độc ác, và chúng ta có thể tạo ra cái gi đó thông minh hơn mình.

Đúng là chúng ta đã bớt ngu đi nếu so với thời còn chạy trốn mãnh thú hoặc cuống lên đi tìm thức ăn. Nhưng chúng ta chưa phải ở nấc thang cuối cùng của tiến hóa. Sai lầm lớn nhất ở những người thông minh mà tao thấy là họ cho là họ thông minh.

SM: Vậy hãy cho họ thấy những gì mà con người làm ra thông minh hơn con người đi

EM: Ngay bây giờ máy tính đã thông minh hơn con người trong rất nhiều lĩnh vực rồi. Cách đây 22 năm, Deep Blue (tên 1 máy tính của IBM) đánh bại Kasparov (vô địch cờ vua thế giới) trong môn cờ vua. Hay mới đây Alpha Go của Google đả bại Lee Sedol trong môn cờ vây, được coi là đỉnh cao của trí tuệ con người. Cái điện thoại trong túi quần mày giờ cũng có thể chơi lại được nhà vô địch thế giới. Con người trở nên vô vọng, như đánh nhau với thần Zeus vậy. Con người đang bị dồn vào những góc càng ngày càng nhỏ hơn, nơi họ có thể tự hào là thông minh hơn máy.

JM: Quan điểm của tao thế này. Người chế ra máy. Mày đã thấy máy nào chế ra người chưa? Thứ hai là về mục đích. Đi đánh cờ với máy để làm gì. Khác gì hồi xưa có người ngu đi chạy thi với ô tô đâu. Tao sẽ rất vui lòng xem 2 cái máy đánh cờ đánh nhau. Nhưng quả thật là ngớ ngẩn khi xem Lee đấu với AlphaGo. Hãy làm cái gì mà mình giỏi thôi.

EM: Ok, đấy chỉ là ví dụ thôi. Để xem tương lai sẽ thế nào.

JM: Đúng thế, máy tính là một công cụ tuyệt vời và tao tin là con người sẽ còn tạo ra nhiều công cụ tuyệt vời hơn thế.

EM: Để tao nói quan điểm của tao. Sự tiến hóa của AI là giải được các bài toán với số độ tự do càng ngày càng lớn. Ví dụ như trò Checker có 6 độ tự do, còn cờ vua có thể có đến 92 độ tự do.

Cuộc sống có số độ tự do rất lớn. Nhưng AI đang tiến bộ nhanh một cách đáng kinh ngạc. Và sẽ đến ngày nó có thể mô phỏng lại suy nghĩ của con người trong mọi tình huống.

Tao nhắc lại mày chút, thử ví cuộc sống với một video game. Cảnh đẹp tuyệt vời. Cốt chuyện hấp dẫn. Mà tốc độ thì thôi rồi, quá chậm. Phải mất đến 20 năm mới dạy dỗ làm cho con người có ý thức được một chút.

Tao cũng lo lắng về tỷ lệ sinh đẻ. Suy đoán về sự bùng nổ dân số là xưa rồi. Giờ nỗi lo hiện hữu là sự sụp dổ về dân số. Vấn đề lớn nhất của 20 năm sắp tới là sự sụp đổ về dân số. Rất dễ để có thể nhìn 20 năm về phía trước, vì có thể coi 20 năm là giai đoạn khởi động của những người sinh ra hôm nay.

JM: Tao hoàn toàn nhất trí là dân số sẽ là vấn đề rất lớn. Nghe kỳ kỳ, Trung quốc đang có 1.4 tỷ dân mà. Nhưng 20 năm nữa, chúng ta sẽ thấy các vấn đề do sự sự sụp đổ dân số.

EM: Sự sụp đổ đang càng ngày càng nhanh. Một vài người phản bác là có thể di dân, nhưng di dân từ đâu?

JM: Hay chuyển người từ Sao Hỏa về J

EM: Haha, Sao Hỏa chỉ có mấy con robot thôi.

JM: Tao đã nói mỗi năm Trung Quốc có 18 triệu trẻ, hơn 1% một chút. Bởi thế cần phải bỏ công nhiều hơn để tạo ra các điều kiện sống tốt cho con người. Ở công ty tao luôn kêu gọi trí tuệ Alibaba. Khi người ta yêu thường người ta không có logic, yêu chẳng biết vì sao. Nhưng khi người ta ghét thì người ta thường biết là tại sao. Khi tao muốn làm việc gì xấu, tao luôn có logic. Mà mày biết đấy, cái gì logic thì máy sẽ làm tốt hơn người. Tao sẽ dạy cho máy logic của người xấu và máy sẽ đi bắt tất cả bọn người xấu dễ dàng!

EM: AI là tình yêu mà.

JM: Hoàn toàn chính xác. Đó là vì sao tao nghĩ thế giới AI sẽ mang đến tình yêu. Tao đã từng nghĩ người thành công là có IQ rồi EQ cao. Nhưng muốn tồn tại trong thế giới AI, cần phải có LQ, Q của tình yêu cao.

EM: Tình yêu là câu trả lời, chắc thế mà có vô khối bài hát về nó.

JM: Chọn chủ đề cuối cùng đi. Mày có muốn nói chuyện về ô tô của mày không?

EM: Để tao chọn chủ đề Cuộc sống.

JM: Ok, cuộc sống. Mày nghĩ con người sẽ sống được bao lâu với AI giúp cải thiện môi trường một cách bền vững?

EM: Đầu tiên, tao nghĩ là con người sẽ giải được bài toán môi trường bền vững. Đó không phải là 1 dự đoán ngạo mạn. Mà là vì chúng ta đang hành động, và đang có đà. Và Trung Quốc đang dẫn dắt thế giới. Tao không rõ là thế giới có biết là Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc xây dựng môi trường bền vững không. Tao sợ là không. Hơn 1 nửa số xe điện xuất xưởng trong năm qua là ở Trung Quốc. Quá ấn tượng.

Nếu chúng ta giải quyết được bài toán neurolink thì tuổi không quá quan trọng nữa. Ta có thể lưu lại một trạng thái tuổi nào đó, rồi đợi lúc thuận tiện lại phục hồi. Kiểu như trong trò chơi ấy.

Chúng ta cũng có thể tác động đến tuổi sinh học bằng cách thay đổi DNA. Như làm cho quả táo biết bay. Kiểu như tập yoga và ăn uống healthy rồi chỉ sống cả 3 hoặc 4 tuần. Ý tao là môi trường chỉ là yếu tố nhỏ trong việc kéo dài cuộc sống.

Vấn đề là con người có chấp nhận thay đổi đồng hồ DNA không? Tao cũng không biết là có nên đi theo hướng đó không nữa. Thực lòng tao nghĩ chết cũng là một điều tốt. Bọn vật lý có câu nói gì đó: các nhà vật lý không thay đổi quan điểm. Họ chỉ chết. Có lẽ cũng nên chết thật.

JM: Tất nhiên là tao nghĩ AI có thể giúp giữ môi trường bền vững. AI giúp con người hiểu mình hơn, và khi con người biết về mình hơn, họ sẽ khôn ngoan hơn. Mày biết sự khác nhau giữa người thông minh và người khôn ngoan là gì không?

Người thông minh biết mình muốn gì, còn người khôn ngoan biết mình không muốn gì.

Bay vào vũ trụ rất hay, nhưng tao muốn ở lại Trái đất này. Dọn sạch rác ở đại dương chắc chắn là khó hơn là bay lên Sao Hỏa. Nhưng AI sẽ giúp ta.

Thứ nữa, loài người sẽ sống lâu hơn, tốt hơn, nhưng có hạnh phúc hơn. Hầu như tất cả các bệnh tật đều do thái độ hành xử của ta mà ra. Muốn hạnh phúc hơn, chúng ta phải thấy giá trị, ý nghĩa cuộc sống và biết ước mơ. Đừng yêu công nghệ. Không phải công nghệ, mà là ước mơ đằng sau công nghệ đó mới thay đổi thế giới.

Vậy nên tao hy vọng là có thể làm được gì đó để giúp 7.5 tỷ người sống khỏe mạnh hơn. Và chúng ta có thể làm việc cùng nhau. Tao thích sản phẩm của mày, con Tesla ấy. Sạch sẽ, không ồn ào. Công nghệ quá đỉnh. Tao vui thấy mày mở nhà máy ở Thượng Hải.

Hãy cùng nhau tin vào con người. Tin vào thế hệ trẻ. Hãy cùng nhau sống trách nhiệm với hôm nay, nhưng cũng đừng lấy đi các giải pháp của ngày mai. Loài người vĩ đại vì sai lầm và học từ sai lầm.

Thật là vĩ đại khi được chết.

EM: Haha, có lẽ mày đúng. Hãy chiến đấu cho ánh sáng của ý thức.

Nguyễn Thành Nam

Nguyễn Thành Nam (dịch giả)

Founder FUNiX, cố vấn sáng tạo FPT

Là một trong 13 công thần sáng lập Tập đoàn FPT, với chiến công lớn trong việc khai phá và phát triển xuất khẩu phần mềm cho Tập đoàn, anh Nam từng giữ chức CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của FPT Software, kế đến là CEO FPT, Phó Chủ tịch ĐH FPT. Nhắc đến “Nam già”, người ta nghĩ ngay tới vị thủ lĩnh phong trào của FPT, đồng thời là nhân vật biểu trưng cho văn hóa STCo FPT. Suy nghĩ khác người, nhiều mơ mộng, dí dỏm một cách thông thái và đặc biệt rất sáng tạo, anh Nam là dị nhân hàng đầu ở FPT.

Gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm và quản lý, anh Nam được biết đến là người đặc biệt lãng mạn, thích hát ca, yêu viết lách. Ngoài vai trò editor, AmaTech sẽ là nơi đăng tải đầy đủ các câu chuyện công nghệ, với góc nhìn đa chiều, độc đáo của anh.

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

1 Nhận xét

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *