Chống tham nhũng quá hiệu quả, Mr. Không-Tin-Thằng-Nào-Hết đã bị mất việc

Hệ thống này tham chiếu chéo dữ liệu lớn để đánh giá công việc và cuộc sống cá nhân của hàng triệu nhân viên chính phủ. Mặc dù chỉ được áp dụng giới hạn ở 30 quận và thành phố, nhưng nó đã giúp phát hiện được 8.721 quan chức tham nhũng.

Bạn sẽ làm gì nếu có máy bắt kẻ trộm? Nếu bạn là một quan chức Trung Quốc tham nhũng bạn sẽ muốn loại bỏ nó.

Một hệ thống trí tuệ nhân tạo mới được thiết kế để bắt các quan chức Trung Quốc tham nhũng đang đối mặt với sự phản đối. Ảnh: Reuters

Sự phản đối của các quan chức chính phủ đối với một thí nghiệm dữ liệu lớn đột phá chỉ là một trong nhiều thách thức chính phủ Trung Quốc phải đối mặt khi bắt đầu sử dụng công nghệ mới để điều hành bộ máy quan chức khổng lồ của mình. Theo truyền thông nhà nước, năm 2016, chính phủ Trung Quốc có hơn 50 triệu người trong biên chế. Nhưng theo các nhà phân tích, con số này là hơn 64 triệu, chỉ ít hơn một chút so với dân số Anh.

Để hệ thống khổng lồ này hoạt động trơn tru trong thời đại thông tin, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng nhiều loại công nghệ tinh vi. Chẳng hạn như Bộ ngoại giao đang sử dụng máy học để hỗ trợ đánh giá rủi ro và ra quyết định cho các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã phát triển một hệ thống nhận dạng khuôn mặt trên toàn quốc bằng camera giám sát có khả năng nhận dạng bất kỳ người nào, bất cứ nơi đâu, suốt cả ngày, chỉ trong vòng vài giây. Ở Quý Châu, một hệ thống như vậy trên nền tảng đám mây giúp theo dõi chuyển động của mỗi cảnh sát và truyền trực tiếp các báo cáo tình trạng của họ.

Các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc như ZTE đã giành được hợp đồng của chính phủ phát triển công nghệ blockchain để ngăn chặn việc sửa đổi dữ liệu chính phủ của các cá nhân hoặc tổ chức trái phép.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy đưa các sáng tạo khoa học và công nghệ như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) áp dụng vào quá trình cải cách chính phủ.

Nhưng thách thức thực sự lại là khả năng hiện thực hoá tầm nhìn đó. Một trong những ví dụ điển hình là quá trình áp dụng một hệ thống trí tuệ nhân tạo chống tham nhũng được các nhà khoa học đặt tên là “Không-Tin-Thằng-Nào-Hết”.

Được phối hợp phát triển và triển khai bởi Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và các tổ chức kiểm soát nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc để theo dõi, đánh giá hoặc can thiệp vào công việc và đời sống cá nhân của công chức, hệ thống này có thể truy cập vào hơn 150 cơ sở dữ liệu mật trong chính quyền trung ương và địa phương để tham khảo chéo. Theo những người tham gia chương trình thì khả năng này cho phép hệ thống vẽ các bản đồ quan hệ xã hội phức tạp, nhiều lớp để phân tích hành vi của các nhân viên chính phủ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy đổi mới công nghệ trong cải cách chính phủ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo một nhà nghiên cứu, hệ thống này đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các điểm đáng ngờ trong chương trình chuyển nhượng tài sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua lại đất và phá hủy nhà.

Tuy nhiên, hệ thống cũng có những điểm yếu. “Nó có thể nhanh chóng chỉ ra một quan chức tham nhũng, nhưng lại không giải thích rõ được quá trình nó thực hiện để đi đến kết luận như vậy” một nhà nghiên cứu cho biết. “Mặc dù nó đúng trong hầu hết các trường hợp, nhưng vẫn cần phải có người cùng làm việc chặt chẽ với nó.” (DG: Ghế của ông “người” này không biết giá bao nhiêu nhỉ?)

Chẳng hạn, hệ thống có thể phát hiện sự gia tăng bất thường trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng, hoặc nó sẽ phát hiện xem có giao dịch mua xe mới hoặc tham gia đấu thầu hợp đồng chính phủ dưới tên của một quan chức hoặc một trong những gia đình hoặc bạn bè của anh ta.

Khi những nghi ngờ của được xác lập, nó sẽ tính toán khả năng của hành động tham nhũng. Nếu kết quả vượt quá mốc điểm quy định, nó sẽ cảnh báo cho cơ quan chức năng.

Một nhà khoa học máy tính giấu tên tham gia chương trình nói rằng ở giai đoạn đó, cấp trên có thể liên lạc với người bị kiểm tra và có thể giúp anh ta tránh “đi xuống vực không có đường trở lại nếu tiếp tục với những sai lầm lớn hơn”. Thí nghiệm áp dụng “Không-Tin-Thằng-Nào-Hết” chỉ được giới hạn ở 30 quận và thành phố, chỉ chiếm 1% tổng diện tích hành chính của đất nước. Các chính quyền địa phương có liên quan, bao gồm quận tự trị Mayang Miao ở tỉnh Hồ Nam, nằm ở các khu vực tương đối nghèo và biệt lập cách xa các trung tâm quyền lực chính trị của Trung Quốc. ((DG: Ông nào đưa cái này về trung ương thì chắc chắn là người của Trung  Tân).

Một nhà nghiên cứu khác tham gia vào chương trình này cho biết ý tưởng hạn chế này là để “tránh kích hoạt sự phản đối quy mô lớn của các quan chức”, đặc biệt là những người quyền lực nhất, trong việc sử dụng bot trong quản trị.

Kể từ năm 2012, “Không-Tin-Thằng-Nào-Hết” đã phát hiện được 8.721 nhân viên chính phủ tham gia vào các hành vi sai trái như tham ô, lạm quyền, lạm dụng các quỹ của chính phủ và gia đình trị. Một số người đã bị kết án tù, nhưng hầu hết được phép giữ công việc của họ sau khi bị cảnh cáo hoặc hình phạt nhẹ.

Tuy vậy, một số chính quyền – bao gồm quận Mayang, thành phố Huaihua và quận Li ở Hồ Nam – đã ngừng áp dụng hệ thống. theo các nhà nghiên cứu, một trong số họ cho rằng “Chính quyền có thể không cảm thấy thoải mái với công nghệ mới”.

Không ai trong số các chính quyền địa phương trả lời yêu cầu bình luận. Zhang Yi, một quan chức tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Ninh Tường, tỉnh Hồ Nam, cho biết cơ quan của ông là một trong số ít nơi vẫn sử dụng hệ thống này.

“Thật không dễ dàng…chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn”, ông nhấn mạnh rằng mục địch chính của chương trình không phải để trừng phạt các quan chức mà để “cứu họ” khi ở “giai đoạn đầu tham nhũng”. “Chúng tôi chỉ sử dụng kết quả của máy như là một nguồn tham khảo” Zhang nói, “Chúng tôi cần kiểm tra và xác minh tính hợp lệ của nó. Máy không thể nhấc điện thoại và gọi cho người có vấn đề. Quyết định cuối cùng luôn do con người đưa ra”. Từ khi Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ước tính có hơn 1,4 triệu đảng viên và nhân viên chính phủ đã bị kỷ luật, bao gồm các quan chức cấp cao như cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang và cựu lãnh chúa Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Một quan chức kỷ luật đảng ở quận Xiushui, Jiangxi, người tham gia dự án “Không-Tin-Thằng-Nào-Hết” cho biết không có quan chức chính phủ nào tình nguyện cung cấp dữ liệu cần thiết. “Tuy nhiên, họ thường tuân thủ với một chút áp lực”, vị quan chức đó nói, và anh ta yêu cầu được không nêu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề. Các quan chức kỷ luật cần giúp các nhà khoa học đào tạo cỗ máy với kinh nghiệm và kiến ​​thức tích lũy được từ các trường hợp trước đó. Ví dụ, các quan chức kỷ luật đã dành nhiều giờ gắn thẻ thủ công các hiện tượng bất thường trong các loại tập dữ liệu khác nhau để dạy cho máy biết những gì cần tìm.

Một số quan chức có thể bịa đặt dữ liệu, nhưng máy có thể so sánh thông tin từ các nguồn khác nhau và gắn cờ đánh dấu sự khác biệt. Nhà nghiên cứu cho biết, nó thậm chí có thể gọi các hình ảnh vệ tinh, ví dụ, để điều tra xem liệu tiền chính phủ tài trợ để xây dựng một con đường trong một ngôi làng có phải đã chui vào túi của một quan chức hay không. Hệ thống vẫn đang chạy ở Xiushui, nhưng số phận của nó không chắc chắn. Một số quan chức đã đặt câu hỏi về quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu nhạy cảm của máy vì không có luật cũng như quy định nào cho phép máy tính hoặc robot được làm như vậy (DG: Tội này đáng tru di tam tộc),

Không có gì ngạc nhiên khi hệ thống này đang bị ngừng hoạt động bởi các quận và thành phố đã đăng ký áp dụng và những người vẫn đang sử dụng nó đang phải đối mặt với áp lực rất lớn. Các nhà nghiên cứu thấy rất ít hoặc gần như không có hy vọng hệ thống được đưa ra áp dụng trên toàn quốc.

Mặc dù “Không-Tin-Thằng-Nào-Hết” không có tương lai sáng sủa, nhưng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã đột phá trong các lĩnh vực khác khi chính phủ quyết tâm áp dụng công nghệ tiên tiến vào lợi thế của mình. Chẳng hạn như, các thư ký AI đã được tuyển dụng ở một số tòa án để đọc các hồ sơ vụ án và giúp các thẩm phán xử lý các vụ kiện với tốc độ và độ chính xác cao hơn. Tháng trước, , theo Tân Hoa Xã, một tòa án ở Thượng Hải đã trở thành nơi đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng trợ lý AI tại phiên điều trần công khai. Chiếc máy có tên hiệu là 206, có khả năng ghi lại các cuộc hội thoại, hiển thị bằng chứng như cảnh quay camera giám sát khi được các luật sư đề cập và so sánh lời khai để giúp các thẩm phán phát hiện ra sự khác biệt, báo cáo cho biết. Một thẩm phán đã nhận định rằng nó sẽ làm giảm thiểu khả năng toà đưa ra các phán quyết sai.

Dịch giả: Chống tham nhũng rất khó. Nhất là ở các nước mà nhóm cầm quyền không có đối trọng quyền lực. Để làm việc khó như thế không chỉ giỏi mà phải khéo nữa. Mr. Không-Tin-Thằng- Nào tuy giỏi nhưng bị đuổi việc là đúng vì tên như thế lãnh đạo nghe đã thấy nhột ai mà chịu được!

Lược dịch từ:

https://www.scmp.com/news/china/science/article/2184857/chinas-corruption-busting-ai-system-zero-trust-being-turned-being

Đặng Việt Hùng (dịch giả)

Founder & CEO của Five Fishes Holding

Là người yêu công nghệ và doanh nhân khởi nghiệp. Luôn tìm cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đã có nhiều sáng chế về y tế và công nghệ trong đó có 1 giải pháp hữu ích đã được cấp bằng. Anh Hùng cũng được biết đến là người sẵn sàng đầu tư đưa các ý tưởng mới vào cuộc sống và đang tiếp tục học hỏi để làm việc này hiệu quả hơn.



Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *