Lời dẫn: Thiết bị nhận diện khuôn mặt ở sân bay Đại Hưng, từ nghiên cứu đến thành phẩm và ứng dụng, phải trải qua quá trình từ tiêu chuẩn công nghiệp đến tiêu chuẩn thương mại.
“Phương án xuất hành thông minh ở sân bay Đại Hưng có 3 cái nhất:
- Sân bay đầu tiên ở Đại Lục thực hiện nhận diện khuôn mặt để check-in, vào phòng chờ, ra máy bay…
- Sân bay đầu tiên trực tiếp dùng kính AR nhận biết hành khách và hành lý.
- Sân bay đầu tiên ứng dụng thẻ mực điện tử RFID theo dõi hành lý.”
Hoàng Lâm, Phó trưởng nhóm phục vụ của Hàng không Phương Đông TQ ở sân bay Bắc Kinh mới, cho biết khi giải thích về phương án thông minh “từ 0 đến 1” trong dự án xuất hành thông minh “5G+AI” ở sân bay Đại Hưng.
Đáng chú ý là sân bay Đại Hưng thông minh đến mức không cần vé bay.
Có 4 đại gia không thể không nhắc đến trong phương án sân bay thông minh này: Hãng hàng không Phương Đông TQ chịu trách nhiệm thiết kế và thực thi tổng thể, Huawei với phương án 5G, nhà mạng viễn thông Liên Thông, và nhà cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt Vân Thung (Cloudwalk).
Vân Thung tân binh về AI mới thành lập vài năm nhưng đã cung cấp giải pháp nhận diện khuôn mặt cho hơn 80 sân bay, phối hợp với Hàng không Phương Đông TQ, Huawei và Liên Thông thực hiện các dự án. Đồng thời cũng đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực tài chính và an ninh. Có thể nói Vân Thung là công ty startup có năng lực rất to lớn về AI.
“Công nghệ Đen” OneID của Vân Thung – 3 cái “Nhất” dạo khắp sân bay
Ngay từ khi sân bay Đại Hưng còn đang xây dựng, tờ Guardian đã gọi nó là “kỳ quan thứ 7 của tân thế giới”. Trong đó đặc biệt nhất là sân bay không cần vé bay.
Tại sao không cần vé bay? Có thể tóm gọn trong “3 cái Nhất”:
Thứ nhất, “một khuôn mặt dạo khắp sân bay”. Mặc dù hiện có nhiều công ty cung cấp giải pháp nhận diện khuôn mặt cho sân bay, nhưng giải pháp của Vân Thung có khác biệt ở “tích hợp”. Từ lúc mua vé máy bay, đến check-in, vào phòng chờ, cửa ra máy bay, hay shuttle bus đều có thể quét mặt thực hiện toàn chu trình lên máy bay.
Thứ hai, “một lưới mạng trải nghiệm thông minh”. Lưới mạng 5G do Liên Thông vận hành và Huawei cung cấp. Đồng thời bao gồm mạng lưới thông tin thông minh của Hàng không Phương Đông TQ.
Thứ ba, “một viên chip giám sát hành lý”. Mỗi hành lý có thẻ mực điện tử với chip RFID, giúp vận hành giám sát hành lý trong toàn bộ chu trình.
Đầu tiên khi bước vào sảnh sân bay hành khách sẽ thấy hàng loạt máy check-in có trang bị camera nhận diện khuôn mặt. Chỉ cần tới trước một máy, thao tác trên màn hình cảm ứng, tiến hành quét mặt, là hành khách đã hoàn thành in thẻ ra máy bay, ký gửi hành lý, mà không cần xuất trình giấy tờ hay vé máy bay.
Khi hành khách bước qua cửa phòng chờ có đặt “màn hình thông minh”, hành khách chỉ cần quét mặt trước màn hình sẽ được tự động nhận diện và hiển thị các thông tin quan trọng – một là thời gian di chuyển từ vị trí hiện tại đến cửa ra máy bay, hai là giờ đóng cửa của cửa ra máy bay. Màn hình có thể hướng dẫn hành khách nhanh chóng tìm ra vị trí cửa ra máy bay, giúp nâng cao đáng kể trải nghiệm và hiệu suất phục vụ của sân bay.
Không chỉ vậy, Vân Thung còn lắp đặt 6 camera trên mỗi shuttle bus của sân bay, đảm bảo ở chặng cuối này hành khách không nhầm bus nhầm chuyến bay.
Vân Thung còn trang bị cho nhân viên sân bay kính AR, giúp nhanh chóng nhận biết thông tin hành khách.
Sử dụng kính AR, nhân viên có thể nhận diện khuôn mặt hành khách cùng các thông tin chuyến bay liên quan, và hướng dẫn cho hành khách. Có 3 bối cảnh chính sử dụng kính AR : một là khi sắp đến giờ ra máy bay, nhân viên tiếp nhận thông tin qua điện thoại và kịp thời đi tìm nhận diện hành khách chưa ra máy bay; hai là khi lên máy bay, nhân viên có thể nhận biết số ghế của hành khách để hướng dẫn; ba là dùng kính AR để phân luồng giám sát hành lý.
Thực nghiệm tại hiện trường cho thấy kính AR nhận biết được rõ ràng thông tin chuyến bay của bất kỳ 2 hành khách nào trong tầm nhìn, đồng thời hiển thị thông tin hành khách trên điện thoại di động. Để giảm trọng lượng kính AR, Vân Thung đưa phần lớn tính toán sang điện thoại di động, kính AR chỉ thực hiện truyền tải và hiển thị.
Đáng chú ý là nếu không có mạng 5G băng thông rộng và độ trễ thấp thì “một khuôn mặt dạo khắp sân bay” khó mà thực hiện được.
Tại hiện trường khu vực demo xuất hiện nhiều logo “Real.5G”. Nhân viên đo tốc độ sử dụng tín hiệu 5G của Liên Thông thường xuyên đạt tới 1.2G/giây.
Vân Thung sử dụng camera giám sát 5G để theo dõi hành lý, và gửi thông tin video qua mạng 5G tới hệ thống đám mây đầu cuối để giám sát.
Được biết nửa đầu năm sau (2020), sân bay Đại Hưng sẽ tiên phong sử dụng CPE trong phòng chờ ưu tiên, chuyển hóa 5G thành tín hiệu wifi, giúp điện thoại 4G của hành khách cũng có thể trải nghiệm.
Đối với “một viên chip giám sát hành lý”, thẻ hành lý mực điện tử vĩnh cửu được chế tạo sử dụng công nghệ phát xạ RFID. Chỉ cần áp thẻ mực điện tử vào điện thoại di động vài giây là có thể truyền tải thông tin hành lý và chuyến bay vào thẻ mực điện tử, giúp hành khách bất kỳ lúc nào cũng xem được trên điện thoại hành lý của mình đang ở đâu.
Phương án nhận diện khuôn mặt hoàn chỉnh và khép kín được tạo nên thế nào?
“Những thiết bị nhận diện khuôn mặt từ nghiên cứu phát triển đến thành phẩm và ứng dụng, đều phải trải qua quá trình từ cấp công nghiệp sang cấp thương mại”. Tổng giám đốc nghiệp vụ sân bay của Vân Thung Thạch Văn Bân cho biết.
Cụ thể như làm sao nhận diện khi máy bay đỗ xa? Ảnh hưởng của ánh sáng xử lý thế nào? Rồi làm sao nhận diện khi hành khách nghiêng mặt? Và những vấn đề phổ biến của nhận diện khuôn mặt nói chung.
Ngoài ra còn có các khó khăn khác. Ví dụ máy nhận diện cần có pin, nhưng khi hoạt động ở gần máy bay phải đảm bảo an toàn hàng không, không thể sử dụng pin lithium, phải xử lý làm sao? Hay thiết bị nhận diện phải có hình thù thế nào, thực tế cần tính bao nhiêu tình huống, thích hợp bao nhiêu nhóm người?
Ngay như thiết bị cần đặt ở bậc thang số mấy trên thang chuyền, Vân Thung và Hàng không Phương Đông đã phải thảo luận vô số lần.
Thách thức lớn hơn là sự kết hợp AI có tạo nên vòng nghiệp vụ khép kín.
Có nhiều công ty tham gia ứng dụng giải pháp nhận diện khuôn mặt cho sân bay thông minh, nhưng chủ yếu được ứng dụng phân tán, và tập trung vào lĩnh vực khá thuần nhất là kiểm tra an ninh.
Chưa có nhiều ứng dụng quy mô lớn của hệ thống nhận diện khuôn mặt ở cửa ra vào terminal, cửa ra máy bay v.v. Do đó khó khăn lớn nhất là quá trình “từ 0 đến 1” cho các bối cảnh thông minh.
“Trước đó chưa có dự án để tham khảo, khiến chúng tôi rất đau khổ trong giai đoạn đầu thiết kế, nhưng đó cũng là trải nghiệm rất phấn khích. Các nhân viên kỹ thuật của Vân Thung và chúng tôi (Hàng không Phương Đông) cùng nhau mỗi ngày thảo luận 10-12 giờ, tiến hành brainstorming kín. Cuối cùng tạo ra được 3 loại ứng dụng lớn như trên, cùng 11 bối cảnh tạo nên phương án hoàn chỉnh. Vì điều này mà chúng tôi đánh mất vô số tế bào não.” Hoàng Lâm vừa cười vừa nói.
Để kết hợp các kỹ thuật đơn lẻ và đưa AI vào từng liên kết trong sân bay, Vân Thung không ngừng vượt qua các thách thức về kỹ thuật AI
Dựa vào kỹ thuật AI và nền tảng người-máy hiệp đồng, Vân Thung đã giảm thời gian thuật toán nhận diện lõi từ 20 giây xuống 1 giây, tăng mạnh tốc độ kiểm tra nhận diện.
Thuật toán lõi có thể nhận biết và đối chiếu các thông tin của hành khách như thẻ căn cước, các thông tin cá nhân lưu trong chíp của thẻ căn cước, và khuôn mặt hành khách. Song song với nâng cao tốc độ nhận diện, độ chính xác cũng đạt tới 99.9%, cao hơn nhiều so với mức độ 75% khi nhận diện bằng mắt người. Trong thực tế ứng dụng, các sân bay đều từng bắt được hành khách sử dụng thẻ căn cước giả.
Từ đó, Vân Thung đã lần lượt triển khai hàng loạt bối cảnh ứng dụng như sắp đặt kiểm tra an ninh động ở sân bay, phục vụ chính xác ở phòng chờ VIP, hiển thị thông tin chuyến bay thông minh, quét mặt lên máy bay, tìm người chính xác, bản đồ nhiệt mật độ hành khách, v.v.
Hơn 80 sân bay, và 4 bước lớn của Vân Thung cho hệ sinh thái AI
Ngoài sân bay Đại Hưng, Vân Thung cũng đã triển khai phương án nhận diện khuôn mặt cho hơn 80 sân bay lớn trên toàn quốc.
Người sáng lập Vân Thung Ôn Hạo cho biết, cần 4 bước thực hiện hệ sinh thái AI :
Bước đầu tiên là nhận diện khuôn mặt.
Lựa chọn các lĩnh vực ngân hàng, an ninh, và sân bay là bước 2 và 3 của Vân Thung.
Về ngân hàng, Vân Thung hiện có hơn 400 ngân hàng tham gia hợp tác, với hơn 200 triệu giao dịch mỗi ngày. Về an ninh, có 5 nền tảng hợp tác với Bộ Công An, triển khai nhận diện khuôn mặt tới 29 tỉnh thành với chiến công hơn 3 vạn vụ án.
Bước 4 là thành lập nền tảng ngành, như bộ não sân bay, từ đó có thể đưa ra nhiều bối cảnh ứng dụng chưa từng có ở các sân bay.
Với nền tảng nghiệp vụ sân bay, thứ nhất là kết nối dữ liệu, thành lập cơ sở dữ liệu.
Thứ hai là tối ưu các mô hình dữ liệu lớn. Ví dụ với dữ liệu kiểm tra an ninh, dữ liệu chuyến bay, dữ liệu cửa ra máy bay v.v.
Thứ ba là liên kết các dữ liệu mới, thành lập các nghiệp vụ mới, như bảo hiểm hàng không, quy hoạch nhà ga bãi đỗ v.v.
Trong tương lai Vân Thung mong muốn kết nối các khâu “từ lý luận đến chíp đến mô hình, rồi tới phần mềm, phần cứng, hệ thống”, cùng nhiều doanh nghiệp khác xây dựng hệ sinh thái AI.
Link bài gốc : https://www.leiphone.com/news/201909/LqooRFIsZKWM11nT.html
Đào Duy Cường (dịch giả)
Giám đốc Ban Điều hành Sản xuất FPT Software có 18 năm gắn bó với FPT, được coi là nhà quản lý chuyên giải quyết những việc khó ở FSOFT.
Gia nhập FSOFT từ tháng 7/2000, sau nhiều năm du học ngành CNTT tại Trung Quốc, anh Cường về nước và trở thành thế hệ đầu tiên của FPT Software làm xuất khẩu phần mềm. Từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, dù công việc vô cùng bận rộn nhưng người FPT vẫn đâu đó đọc được một số bài anh viết.
Từ tháng 8/2019, theo lời kêu gọi của Editor AmaTech Nguyễn Thành Nam, anh Cường bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong vai trò dịch giả, cống hiến cho độc giả những bài dịch chất lượng về mảng công nghệ đăng tải trên các Tạp chí công nghệ uy tín của Trung Quốc.