Lời dẫn: Ngày 2019-08-09 trong hội nghị các nhà phát triển toàn cầu, bộ phận người tiêu dùng của Huawei đã chính thức giới thiệu hệ điều hành Hồng Mông (HarmonyOS).
Lời người dịch : Hồng Mông (鸿蒙) vốn là tên của một nhân vật trong thần thoại Trung Quốc, tượng trưng cho sự hỗn loạn nguyên thủy của thế giới. Tham khảo thêm tại https://en.wikipedia.org/wiki/Hong_Meng
Theo Lôi Phong, ngày 9 tháng 8 năm 2019 tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu, bộ phận người tiêu dùng Huawei đã chính thức giới thiệu ra toàn cầu hệ điều hành phân tán (分布式) dựa trên micro-kernel (微内核) hoàn toàn mới – Hồng Mông OS (HarmonyOS).
Bài 1: Phần mềm điện thoại Trung Quốc: bắt chước iPhones và tái tạo Android
Trong quá khứ mỗi khi có một hình thái đầu cuối mới xuất hiện đều kèm theo sự ra đời của hệ điều hành mới. Nói về ý đồ phát triển Hồng Mông thời đầu, CEO Dư Thành Đông bộ phận người tiêu dùng Huawei cho biết: “Cùng với thời đại trí tuệ toàn cảnh (全场景智慧时代), Huawei thấy cần thiết nâng cao năng lực cross-platform của hệ điều hành, bao gồm hỗ trợ đa thiết bị và nền tảng đồng thời đối ứng thách thức về độ trễ thấp (低时延 – low latency) và độ an toàn cao. Vì vậy đã dần hình thành Hồng Mông OS.”
Ông cho rằng, xuất phát điểm của Hồng Mông OS không như Android hay iOS, là hệ điều hành phân tán hướng toàn cảnh dựa trên micro-kernel, có thể đồng thời đáp ứng trải nghiệm toàn cảnh thông suốt, kiến trúc an toàn, hiệp đồng đa đầu cuối và phát triển một lần cho yêu cầu đa thiết bị. Hồng Mông ra đời là cho tương lai.
4 đặc tính kỹ thuật chính của Hồng Mông OS
1. Lần đầu kiến trúc phân tán dùng cho OS đầu cuối, thực hiện trải nghiệm liền mạch đa đầu cuối
“Kiến trúc OS phân tán” và “kỹ thuật tổng tuyến mềm (soft-bus) phân tán” của Hồng Mông thông qua 4 năng lực chính: Nền tảng thông tin công cộng, quản lý dữ liệu phân tán, lập kế hoạch phân tán, và mô phỏng thiết bị ngoại vi, giúp các nhà phát triển ứng dụng không phải đối mặt với độ khó thực hiện kỹ thuật cấp thấp của các ứng dụng phân tán, tạo điều kiện cho họ tập trung hơn vào các logic nghiệp vụ. Các nhà phát triển có thể phát triển ứng dụng phân tán cho đa đầu cuối như là phát triển cho một đầu cuối, giúp cho người tiêu dùng tận hưởng trải nghiệm liền mạch với đa đầu cuối trong các loại hoàn cảnh.
2. Kỹ thuật Defined Latency Engine và IPC hiệu năng cao giúp hệ thống thông suốt tự nhiên
Hồng Mông OS sử dụng 2 kỹ thuật chính Defined Latency Engine (确定时延引擎) và IPC (inter-process communication 进程间通信) hiệu năng cao để giải quyết vấn đề hiệu năng thiếu hụt của hệ thống hiện tại. Defined Latency Engine xác định độ ưu tiên và thời hạn thực thi cho mỗi nhiệm vụ, ưu tiên phân phối tài nguyên cho nhiệm vụ ưu tiên cao, giúp giảm độ trễ của ứng dụng 25.7%. Kết cấu nhỏ gọn micro-kernel của Hồng Mông giúp cho hiệu năng IPC tăng cao 5 lần so với các hệ thống hiện tại.
3. Tăng độ an toàn, tin cậy của thiết bị đầu cuối nhờ kiến trúc micro-kernel
Hồng Mông OS sử dụng thiết kế micro-kernel hoàn toàn mới và có tính bảo mật nâng cao cùng độ trễ thấp. Tư tưởng chủ đạo của thiết kế mới là đơn giản hóa công năng của nhân (kernel), các tính năng phục vụ hệ thống được thực hiện bên ngoài kernel nhiều nhất có thể. Micro-kernel chỉ cung cấp tính năng cơ bản nhất như multiple-process scheduling và multiple-process communication.
Ngoài ra Hồng Mông OS áp dụng kỹ thuật micro-kernel cho môi trường vận hành tin cậy (TEE – Trusted Execution Environment), thông qua phương pháp hình thức hóa (formalization) để tăng độ an toàn, tin cậy. Formalization ứng dụng phương pháp số học kiểm chứng từ nguồn độ chính xác và kín kẽ của hệ thống. Cách kiểm chứng truyền thống như kiểm chứng công năng, simulated attack, v.v. chỉ có thể tiến hành trong vài tình huống có hạn. Còn formalization sử dụng mô hình dữ liệu kiểm chứng tất cả các nhánh vận hành (execution path) của phần mềm.
Đáng nói là Hồng Mông OS lần đầu ứng dụng formalization vào môi trường vận hành tin cậy (TEE) đầu cuối, giúp tăng đáng kể độ an toàn, tin cậy. Đồng thời lượng mã nguồn của micro-kernel của Hồng Mông chỉ bằng 1/1000 của nhân Linux, khiến xác suất bị tấn công cũng giảm đáng kể.
4. Sử dụng IDE thống nhất giúp phát triển một lần và chia sẻ cho nhiều đầu cuối
Hồng Mông OS với IDE phát triển đa đầu cuối, biên dịch đa ngôn ngữ, kiến trúc phân tán Kit, cung cấp screen-layout-control và visual programming hỗ trợ interactive-automated-matching (交互的自动适配), kéo thả, preview. Giúp nhà phát triển thực sự đạt được “phát triển một lần, triển khai đa đầu cuối, chia sẻ hệ sinh thái đa thiết bị”.
Bộ biên dịch Phương Chu (方舟, ARK) của Huawei lần đầu tiên thay thế bộ biên dịch tĩnh của Android, giúp nhà phát triển biên dịch chỉ một lần từ ngôn ngữ cấp cao sang mã máy. Tương lai bộ biên dịch ARK sẽ hỗ trợ biên dịch đa ngôn ngữ nhằm nâng cao đáng kể hiệu suất phát triển.
So sánh với Fuchsia OS của Google
Theo Lôi Phong, Hồng Mông OS của Huawei có rất nhiều tương đồng với Fuchsia OS của Google.
Fuchsia OS là dự án mã nguồn mở tương tự AOSP (Android Open Source Project), có thể vận hành các thiết bị gia dụng thông minh, máy tính xách tay, điện thoại v.v. nhiều loại thiết bị. Thiết bị gia dụng thông minh Nest Hub của Google được coi là thiết bị thử nghiệm của hệ điều hành Fuchsia.
Nhưng hệ điều hành mới này không dựa trên nhân Linux như Android và Chrome OS của Google. Fuchsia OS dựa trên nhân (kernel) hoàn toàn mới có tên “Zircon”. Vì Fuchsia OS được phát triển bằng bộ Flutter SDK mà có thể chạy trên Android, nên phần lớn các module của Fuchsia OS cũng chạy được trên thiết bị Android.
Hiroshi Lockheimer, người phụ trách Android, từng đề cập nhiều thông tin của hệ điều hành mới trong phỏng vấn với tạp chí The Verge:
Chúng tôi đang nghiên cứu phát triển thêm nhiều công năng cho hệ điều hành mới. Có lẽ có người cho rằng đây là “Android mới” hay “Chrome OS mới”, nhưng tôi muốn nói rằng Fuchsia OS là Fuchsia OS, là tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn mới trong thế giới hệ điều hành.
Ngoài ra, Lockheimer còn nói qua về các thiết bị mà Fuchsia OS hỗ trợ, mặc dù nhiều điểm còn mơ hồ:
Ý nghĩa của hệ điều hành mới là nó hỗ trợ nhiều loại thiết bị phần cứng đa dạng. Ví dụ như thiết bị gia dụng thông minh, thiết bị đeo tay (wearable), thậm chí cả thiết bị tăng cường hiện thực hay hiện thực mô phỏng. Đối với điện thoại chúng tôi có Android; với Web chúng tôi có Chrome OS. Vì thế Fuchsia OS cũng có thể được tối ưu hóa cho loại thiết bị nào đó, đội ngũ chúng tôi đang nỗ lực theo hướng này.
Không chỉ vậy, Lockheimer trong buổi nói chuyện của Google I/O còn tiết lộ một số chi tiết. Ông cho biết, ngoài điện thoại và máy tính cá nhân, ngày càng có nhiều thiết bị IoT cần hệ điều hành. Do đó có nhiều không gian phát triển cho các hệ điều hành được chuyên môn hóa với các ưu thế khác nhau. Fuchsia OS là một trong số đó.
Kế hoạch cộng đồng phát triển và kiến thiết hệ sinh thái
Huawei cũng công bố lộ trình phát triển của Hồng Mông OS. Sản phẩm màn hình thông minh năm nay sẽ lần đầu tiên sử dụng Hông Mông OS 1.0. Trong 3 năm tới, bên cạnh hoàn thiện các kỹ thuật liên quan, Hồng Mông OS sẽ dần được ứng dụng cho các thiết bị thông minh như thiết bị wearable, màn hình thông minh, xe hơi v.v.
Sự phát triển của Hồng Mông OS phụ thuộc hệ sinh thái các ứng dụng và nhà phát triển. Để tăng tốc phát triển hệ sinh thái Hồng Mông OS, hệ điều hành mới sẽ có mã nguồn mở cho nhà phát triển toàn cầu. Huawei cũng thúc đẩy thành lập Open Source Foundation và Open Source Community.
Hiện tại Trung Quốc đã có quy mô người dùng rất lớn và hệ sinh thái ứng dụng đầy đủ. Huawei cho rằng tương lai sẽ dựa vào Trung Quốc rồi mở rộng toàn cầu để xây dựng hệ sinh thái Hồng Mông OS. Thông qua hội tụ các giá trị mới, phát triển các năng lực cốt lõi trong viễn thông, nhiếp ảnh, trí tuệ toàn cảnh (全场景), trí tuệ nhân tạo AI v.v. Cùng các partner trong hệ sinh thái toàn cầu tạo ra những ứng dụng và dịch vụ với trải nghiệm người dùng tuyệt hảo, đem lại sức sống mới cho nghành công nghiệp.
Tới đây, Dư Thành Đông tin tưởng sự ra mắt của Hồng Mông OS sẽ nâng cao vượt bậc sự phong phú đa dạng của nghành, đem lại trải nghiệm đa sắc màu trong thời đại trí tuệ toàn cảnh. Ông cũng hoan nghênh các nhà phát triển toàn cầu tích cực tham gia kiến thiết hệ sinh thái Hồng Mông OS, cùng nhau tạo ra những trải nghiệm cuộc sống thông minh.
Dự Thành Đông cũng tiết lộ Hồng Mông OS sẽ lần đầu được sử dụng cho màn hình thông minh công bố trong ngày hôm sau (ngày 10 tháng 8). Điện thoại thông minh của Huawei sẽ tiếp tục sử dụng Android, nhưng nếu không được phép sử dụng, Hồng Mông OS bất cứ lúc nào cũng có thể thay thế với lượng phát triển (mã code) vô cùng nhỏ.
Ông tuyên bố : Hồng Mông OS sẽ là hệ điều hành mã nguồn mở.
Bài gốc của Tiêu Man: https://www.leiphone.com/news/201908/GSIbV7UPJrRM6TOH.html
Đào Duy Cường (dịch giả)
Giám đốc Ban Điều hành Sản xuất FPT Software
Có 18 năm gắn bó với FPT, anh Đào Duy Cường được coi là nhà quản lý chuyên giải quyết những việc khó ở FSOFT.
Gia nhập FSOFT từ tháng 7/2000, sau nhiều năm du học ngành CNTT tại Trung Quốc, anh Cường về nước và trở thành thế hệ đầu tiên của FPT Software làm xuất khẩu phần mềm. Từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, dù công việc vô cùng bận rộn nhưng người FPT vẫn đâu đó đọc được một số bài anh viết.
Từ tháng 8/2019, theo lời kêu gọi của Editor AmaTech Nguyễn Thành Nam, anh Cường sẽ xuất hiện nhiều hơn trong vai trò dịch giả, cống hiến cho độc giả những bài dịch chất lượng về mảng công nghệ đăng tải trên các Tạp chí công nghệ uy tín của Trung Quốc. Một trong những trang báo yêu thích của anh là Lôi Phong (https://www.leiphone.com) nên dự kiến, độc giả của AmaTech sẽ được theo dõi nhiều bài dịch được anh chọn lọc từ trang này.