Nature 10 không phải là giải thưởng hay bảng xếp hạng. Ban biên tập soạn ra danh sách này để nhằm nhấn mạnh những sự kiện khoa học nổi bật, thông qua câu chuyện về những con người tham gia vào các sự kiện đó
TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS: CẢNH BÁO THẾ GIỚI
Lãnh đạo y tế cộng đồng bị thách thức từ tứ phía trong việc thống nhất thế giới chống lại Covid-19
TAG, giám đốc WHO đứng giữa tâm bão chính trị ngày 15/4. Trước đó 1 ngày, tổng thống Mỹ ngừng tài trợ cho WHO do nghi ngờ tác dụng của WHO trong việc chống dịch và các thỏa thuận với Trung Quốc.
Nhưng, thay vì phản ứng với các cáo buộc: “quản trị yếu kém” và “che đậy”, TAQ vẫn miêu tả Mỹ như một “người bạn hào phóng”, và kiên định với chủ trương của WHO là phục vụ tất cả các nước và đối tác trong đại dịch.
“Chúng tôi lo lắng về những căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc, nên ngay từ đầu chúng tôi đã kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu”. Tedros viết trong thư điện tử gửi cho Nature.
Trong gần 73 năm tồn tại WHO phụng sự như chuông báo động cảnh báo các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, thu nhập thông tin từ hàng trăm vụ bùng phát dịch, tư vấn cách hành xử cho các quốc gia, đôi khi xông thẳng ra mặt trận.
TAG trở thành giám đốc người Phi đầu tiên của WHO năm 2017, sau phản ứng yếu kém của WHO với Ebola. Là người được đào tạo bài bản về sức khỏe cộng đồng, dịch tễ học và ngoại giao, Tedros hứa hẹn sẽ xây dựng một tổ chức có thể hành động quyết liệt trong cuộc khủng hoảng sắp tới.
Ông dành được sự ủng hộ của rất nhiều các nhà nghiên cứu và thực hành sức khỏe cộng đồng nhờ sự gần gũi, chăm chỉ và cảm thông. “Ông ấy lãnh đạo bằng cách xắn tay áo vào việc,”, Lawrence Gostin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Georgetown cho biết. Khi Ebola tái xuất tại Công Gô năm 2018, Tedros đã bất chấp rủi ro đến thăm đất nước này nhiều lần. WHO đã giúp nước sở tại tiêm hơn 300,000 mũi vacxin, chặn đứng được dịch bệnh.
Nhưng Covid-19 mới thực sự thách thức năng lực của WHO đối phó với một đại dịch toàn cầu lây lan nhanh chóng. Ngày 31/12, tổ chức nhận được một số báo cáo về căn bệnh viêm phổi mới tại Vũ Hán, Trung Quốc. WHO đã yêu cầu thêm thông tin từ giới chức TQ và báo động mạng lưới của mình. Ngày 27/1, TAG lên máy bay đi gặp chủ tịch Tập ở Bắc Kinh. Ba ngày sau WHO công bố tình trạng khẩn cấp, bắt buộc các nước thành viên phải có hành động ứng phó.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng TGA quá rộng rãi trong việc ca ngợi công khai các biện pháp chống dịch của Trung Quốc và ông cần phải đòi hỏi nhiều thông tin hơn, ví dụ như về những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận. Suerie Moon, một nhà khoa học chính trị từ Geneva cho rằng: “TAG thực sự đã không cố gắng dù chỉ là một chút, kiên quyết hơn với TQ trước công chúng.”
Số khác thì cho rằng WHO quá thận trọng, chậm xác nhận việc virus có thể truyền từ người sang người ở Trung Quốc và bỏ qua sự nguy hiểm của những người không có triệu chứng. Dale Fisher, bác sĩ truyền nhiễm từ Đại học Quốc Gia Singapore thì cho rằng cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sớm hơn.
Tuy nhiên Tedros cho rằng WHO không hề chậm: “Chúng tôi đã báo động rất to và rõ ràng ngay sau khi nhận được báo cáo đầu tiên,”. Một số nhà khoa học bổ sung là ngay cả khi WHO có hành động nhanh hơn thì cũng chẳng thay đổi kết quả một cách đáng kể. Bằng chứng là ngay sau khi WHO đã tuyên bố khẩn cấp, vẫn rất nhiều nước lừng khừng không chịu hành động. Chưa kể là nếu WHO quá cứng rắn, TQ hạn chế hợp tác thì còn khó hơn nữa.
Tháng 7, nhà tài trợ lớn nhất là Mỹ, chính thức thông báo chấm dứt tài trợ cho WHO từ 2021. Tuy nhiên, tổng thống đắc cử Biden hứa sẽ hủy quyết định này sau khi nhậm chức. Nhưng ngay cả với sự tài trợ của Mỹ, WHO đang thiếu tiền trầm trọng, theo Kelley Lee, một nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Đại học Simon Frase, Vancouver, Canada.
Cuộc khủng hoảng Covid phơi bày tất cả sự dễ tổn thương của một tổ chức sống nhờ tài trợ của các quốc gia thành viên, và những thách thức mà lãnh đạo của nó phải chèo lái qua những cơn sóng gió chính trị.
TGA tuyên bố sẽ tập trung vào “Cờ tàn” của COVID-19, bảo đảm tất cả các nước đều được tiếp cận vacxin. “Tôi sẽ cúi đầu và đi đến cùng!”
VERENA MUHAUPT: NGƯỜI TUẦN TIỄU BẮC CỰC
Người phụ nữ này bảo vệ các nhà thám hiểm khỏi cái lạnh, gấu và sự cô đơn trong một cuộc thám hiểm chưa từng có ở Bắc cực.
Verena Mohaupt và một nhóm đồng nghiệp bị mắc kẹt trên một tảng băng trôi, bất chợt nhận ra một con gấu bắc cực đang khit khịt chằm chằm nhìn họ. Không có chỗ nào để trốn cả.
“Mọi thứ được kích hoạt, và quan trọng nhất là tập trung” Mohaupt kể lại, nhanh chóng kết nối với tàu mẹ, và bắn pháo hiệu. Thật may là trực trăng đến kịp, và Mohaupt không bị buộc phải nổ súng.
Canh chừng gấu là một nhiệm vụ của Mohaupt, phụ trách hậu cần của Nhiệm vụ MOSAiC kéo dài một năm, cuộc thám hiểm Bắc cực lớn nhất trong lịch sử. (MOSAiC = Multidisciplinary drifting Observatory for the Study of Arctic Climate). Dự án được khởi động cuối năm 2019, khi tàu phá băng AWI của Đức xông vào trung tâm khối băng Siberia và mắc kẹt ở đó. Suốt 1 năm sau đó, hơn 300 nhà khoa học dưới sự lãnh đạo của Markus Rex, dập dềnh cùng con tàu để thu nhập những dữ liệu chưa từng có về biến đổi khí hậu.
Trong nhiều tháng liền, các nhà thám hiểm phải làm việc trong bóng đêm, trong tiếng gầm gừ của gấu, gào thét của bão tuyết và tiếng nứt răng rắc của những tảng băng. Khi mặt trời cuối cùng xuất hiện thì băng tan, đe dọa cuốn hết thiết bị và thậm chí cả bản thân các nhà khoa học.
Để bảo đảm an toàn, Mohaupt thiết kế các khóa học sâu rộng cho mọi thành viên. Họ phải học cách nhảy xuống biển, chui khỏi mặt nước lạnh giá bằng những cái búa đập băng, thoát khỏi máy bay trực thăng rơi. Giúp các thành viên vững vàng về tâm lý khi phải xa nhà, Mohaupt mang theo kim đan len, một cây đàn phong cầm và thảm yoga, mặc dù bản thân cô đã hai lần thực hiện những nhiệm vụ 18 tháng ở Svalbard, Na Uy. Nỗi lo ngại lớn nhất của Mohaupt là cái lạnh. Ngoài việc được huấn luyện kỹ càng, mỗi thành viên lên băng đều được cô cấp thêm một phích nước chè hoặc socola nóng.
Mohaupt không hề dự định sẽ làm hậu cần cho các cuộc thám hiểm Bắc cực, nhưng thừa nhận là đã bị Bắc cực cuốn hút từ khi học biophysics tại đại học. Nền tảng giáo dục khoa học giúp cô có thể hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học. Matthew Shupe, một nhà khoa học khí quyển từ Đại học Colorado Boulder tâm sự: “mỗi khi thấy gấu, suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi là hoảng hốt, chết mịa rồi, có gấu. Và rồi, đội hậu cần đứng ra can thiệp, và cứ như là không có gì xảy ra vậy.” Allison Fong, nhà sinh học của AWI và đồng lãnh đạo nhóm Hệ sinh thái MOSAiC “Verena đúng là nhà vô địch trong việc bảo vệ chúng tôi”.
GONZALO MORATORIO: NGƯỜI SĂN VIRUS CORONA
Nhà virus học giúp Uruguay ứng phó thành công với virus Corona.
Gonzalo nhanh chóng nổi tiếng ở Uruguay vì Covid-19. Mọi người nhận ra anh trên đường phố Montevideo, mua bia cho anh trong quán bar, xin chụp ảnh với anh bên bờ biển khi anh đi trượt sóng cùng bạn bè. Và cám ơn anh.
Họ biết ơn vì Gonzalo Moratorio đã giúp Uruguay tránh được những hậu quả xấu nhất của đại dịch. Anh và các đồng nghiệp của mình tại Viện Pasteur và Đại học Cộng hòa ở Montevideo đã thiết kế test kit và chương trình xét nghiệm toàn quốc, giúp Uruguay tránh được cơn bão dịch quét qua các nước Mỹ Latin, bao gồm cả những nước có chung biên giới như Argentina và Brazil. Uruguay đến giờ vẫn là nước có số người tử vong thấp nhất: 87 người (số liệu 10/12/2020)
“Chúng tôi đã thành công trong việc câu giờ, để đợi thuốc và vacxin”
Moratorio hoàn thành chương trình postdoc tại Paris năm 2018, và đang hào hứng bắt đầu năm 2020 với kế hoạch nghiên cứu việc đột biến và giảm độc hại của virus. Nhưng những ngày đầu tháng 3, anh tham dự một cuộc họp trực tuyến của các nhà dịch tễ học trên toàn lục địa Mỹ để bàn cách đối phó với coronavirus.
Một số tỏ ra bình thản, Carlos Batthyany, viện trưởng Paster Uruguay cho rằng đại dịch sẽ không có hậu quả gì đáng sợ cả. Có thể hiểu được sự tự tin này vì đất nước 3.5 triệu dân này có hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân tốt, đã gần như tiêu diệt được những căn bệnh như zika, sốt vàng da và các bệnh truyền nhiễm khác hoành hành trong khu vực.
Nhưng Moratoria thấy nguy hiểm. Anh rời cuộc họp và bắt tay vào việc. “Khi đã quyết làm gì đó, anh chàng này có thể dời cả núi. Anh là một kiểu Don Kihote thời nay.”
Chiến lược của Moratorio là xét nghiệm rộng rãi, cách ly tất cả các ca dương tính. Anh và đồng nghiệp của mình Pilar Moreno hiểu rằng, chẳng mấy chốc mà nguồn cung cấp vật liệu xét nghiệm sẽ nhanh chóng trở nên khan hiếm toàn cầu và Uruguay phải tự chủ được.
Ngày 13/3, ca đầu tiên được phát hiện và tình trạng khẩn cấp được công bố. Chính quyền đóng cửa trường học, cơ quan, hạn chế xuất nhập cảnh và kêu gọi mọi người ở nhà. Moratorio, Moreno và đồng nghiệp đã hoàn thiện xét nghiệm PCR của mình để phát hiện SARS-CoV-2.
Vài tuần sau, họ hoàn thiện bộ kit xét nghiệm đơn giản và hiệu quả. Chỉ có 3 ống và chỉ cần đặt 1 ống vào máy PCR. Thông qua Bộ y tế, họ huấn luyện mạng lưới xét nghiệm toàn quốc. Cuối tháng 5, Uruguay đã có thể xét nghiệm 800 ca/ngày. Con số hiện tại 5000, và 30% sử dụng kết quả của Moratorio. Zulma Cucunuba chuyên gia dịch tễ học từ Học viện Hoàng gia London rất ấn tượng về tốc độ và sự phối hợp của Uruguay. “Họ đã hành động và đạt kết quả rất sớm”.
Cuộc sống ở Uruguay gần như đã trở lại bình thường. Trường học nhà hàng mở cửa. Mọi người đi làm trở lại. Nhưng Gonzalo vẫn cảnh giác: “Hy vọng là không có gì bất thường. Đã có lúc tôi rất sợ là chúng tôi không kiểm soát được con virus này.”
ADI UTARINI: TƯ LỆNH MUỖI
Nhà nghiên cứu y tế cộng đồng dẫn dắt một cuộc thử nghiệm tiên phong nhằm tiêu diệt bệnh sốt xuất huyết.
Trong khi Covid-19 quét qua thế giới, Adi Utarini tập trung cho trận chiến khác: sốt xuất huyết. Tháng 8, đội của cô báo cáo một thắng lợi vang dội có thể dẫn đến việc tiêu diệt sốt xuất huyết mà hàng năm có hơn 400 triệu người mắc, và các căn bệnh khác do muỗi truyền nhiễm. Utarini và các đồng nghiệp đã giảm được 77% số ca bệnh tại một thành phố lớn của Indonesia bằng cách thả ra môi trường những con muỗi đã bị can thiệp để mất khả năng truyền virus.
Utarini, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học Gadjah Mada (GMU) tại thành phố Yogyakarta tuyên bố: “Đây là một chiến thắng lớn, tôi thấy nhẹ cả người,”. Nhiều đồng nghiệp trên thế giới đồng ý với cô.
Đây là dự án kiểm soát ngẫu nhiên – tiêu chuẩn vàng của nghiên cứu lâm sàng, lần đầu tiên được tiến hành theo một cách tiếp cận mới. Họ cấy vi khuẩn Wolbachia lên các giống muỗi Aedes, chuyên truyền virus sốt xuất huyết, zika và chikungunya. Vi khuẩn này khống chế virus và không cho chúng lan truyền sang người. Trứng của loài muỗi mới này được phân tán khắp nơi trong các khu dân cư của thành phố. Thử nghiệm qui mô nhỏ hơn đã được tiến hành ở Úc và Việt Nam và cho kết quả khả quan. Nhưng Yogykarta là thành phố đông đúc với 400,000 dân và mật độ lây nhiễm cao hơn là thách thức lớn.
Đây cũng là bài thử liệu đội của Utarini có thể thuyết phục được cộng đồng hợp tác hay không. Họ đã dùng đủ các kỹ thuật từ thông báo trên media, vẽ tranh tường, đi gặp trực tiếp, tổ chức cuộc thi làm phim ngắn… để thông báo về công nghệ của dự án và trả lời mọi thắc mắc. Oliver Brady, một nhà mô phỏng virus và nghiên cứu sốt xuất hiết từ Trường Y tế và vệ sinh Nhiệt đới London nhận xét: “đó là thành công lớn nhất của đội Adi.”
Dự án thử nghiệm ở Yogyakarta bắt đầu từ năm 2011, nhưng gặp khó khăn khi thuyết phục chính quyền. Utarinia tham gia từ năm 2013 và nhanh chóng lấy được giấy phép từ chính quyền.
“Như một giấc mơ thành hiện thực vậy”
Đồng nghiệp đánh giá cao sự âm thầm nhưng quyết liệt của Utarini và nhất trí rằng cô là yếu tố chủ chốt giúp dự án thành công. Adi, hay cách gọi khác Giáo sư Uut, là “chất keo nối mọi việc với nhau” trong một thử nghiệm phức tạp. Scott O’Neil, giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới tại thành phố HCM, Việt Nam nhận xét: “Nhóm của Adi đã thực hiện thảnh công một thử nghiệm lớn, chứng minh được tính hữu ích của công nghệ.”
Những con muỗi Wolbachia giờ bay khắp nơi ở Yogyakarta, và các nhà nghiên cứu sốt xuất huyết lần đầu tiên cảm nhận được rằng, họ có thể quét sạch virus trong toàn thành phố, thậm chí cả nước.
“Cuối cùng trong bóng đêm đã bùng lên ngọn đuốc”, Utarini kết luận.
KATHRIN JANSEN: LÃNH ĐẠO VACCINE
Nhà quản lý đã lãnh đạo một trong những nỗ lực để phát triển thành công vaccine chống Covid-19 với tốc độ ánh sáng.
Kathrin Jansen là lãnh đạo bộ phận nghiên cứu vacxin của hãng dược Mỹ Pfizer. Khi Covid 19 lan rộng và con số người chết toàn cầu phi mã, Jensen chấp nhận rủi ro quyết sản xuất vacxin theo công nghệ “RNA thông tin” là một kỹ thuật chưa được kiểm chứng và chưa có hãng nào lấy được giấy phép sử dụng trên người. Jasen đã dẫn dắt dự án thành công trong 210 ngày, sau khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối tháng 11.
Hàng ngàn nhà khoa học trên khắp thế giới, cả trong giới hàn lâm và ngành công nghiệp, được huy động để phát triển mấy chục loại vacxin chống lại con virus mới quái ác này. Một số công ty đã thông báo kết quả khả quan.
Janse quản lý dự án 650 người của mình, thường là qua Zoom từ căn hộ ở NewYork, xử lý các vấn đề lâm sàng khi thử nghiệm vacxin, giải quyết các vấn đề hậu cần, yêu cầu giữ lạnh, và cuối cùng là tìm cách vượt qua các thủ tục pháp lý để vacxin ra được thị trường.
Cuối cùng mọi sự cũng ổn. Ngày 2/12, giới chức UK đã phê duyệt khẩn cấp để tiêm đại trà. Đây là vacxin đầu tiên được phê duyệt sau thử nghiệm giai đoạn 3.
Ugur Sahin, đồng sáng lập và là CEO của BioNTech, đối tác của Pfizer thừa nhận đóng góp to lớn của Jansen: “Bà ấy quả là không mệt mỏi, chăm chỉ, biết lắng nghe và rất dựa vào dữ liệu.”
Đồng nghiệp của Jasen ở phòng thí nghiệm Merck tại West Point, Penn, Edward Scolnik, nhận xét: “Bà ấy là một nhà khoa học không biết sợ hãi. Bà ấy có niềm tin sắt đá là có thể giải quyết bất cứ vấn đề nào phát sinh trong một dự án như thế này.”
Jansen đã chứng tỏ mình có thể chiến đấu với các mầm bệnh trong những điều kiện thách thức. Khi còn làm ở Merck, bà đã bỏ qua mọi sự ngăn cản của các đồng nghiệp, chế tạo thành công Gardasil ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Bà cũng đã từng tham gia các dự án sản xuất vắc xin bệnh than và đậu mùa ở công ty giờ đã giải thể VaxGen, trước khi tham gia Wyeth, và Pfizer khi hai công ty sát nhập. Ở đây bà đã cải tiến đáng kể vacxin phế cầu Prevnar 13, có thể xử lý từ 7 lên 13 chủng vi khuẩn, bao gồm cả viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm màng não.
Khi được biết vacxin của mình có hiệu quả lên đến 90%, Jasen ứa nước mắt, cụng ly sâm banh với chồng rồi quay lại với công việc bà đã làm trong suốt 30 năm qua: chủng ngừa thế giới chống lại các căn bệnh chết người
TRƯƠNG VĨNH TRÂN: NGƯỜI CHIA SẺ GEN
Người đầu tiên đưa RNA của coronavirus lên mạng.
Cuộc chiến khoa học toàn cầu chống covid-19 bắt đầu từ sáng 11/1/2020 ở Thượng Hải, khi nhà virus học Trương Vĩnh Trân, sau vài ngày do dự, đã quyết định đưa lên mạng bộ gen của virus đang tạo nên bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc, khá giống với virus đã tạo ra SARS năm 2003.
Linfa Wang, một nhà virus học ở Trường Y Duke thuộc Đại học quốc gia Singapoer tuyên bố: “Đó là ngày quan trọng nhất trong đại dịch này.”
Ngay lập tức các nhà khoa học nghiền ngẫm bộ gen để tách ra những protein chính, sản xuất các xét nghiệm dự báo và bắt tay vào chế tạo vacxin.
Mọi việc bắt đầu không đơn giản. Phòng thí nghiệm của Trương ở Trung tâm Sức khỏe lâm sàng ở Thượng Hải nhận được mẫu gen bệnh ngày 3/1. Cùng ngày đó, chính quyền Trung Quốc ra chỉ thị cấm các cơ sở nghiên cứu và chính quyền địa phương công bố thông tin về loại virus mới. Sau 40h, 2 giờ sáng ngày 5/1, thành viên của nhóm là Trần Nhẫn My báo cáo với Trương virus này có liên quan đến SARS. Cuối ngày hôm đó, Trương thông báo cho chính quyền thành phố Thượng Hải và đưa dữ liệu lên Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học (NCBI) của Viện Sức khỏe Hoa Kỳ.
Sau đó ông đợi NCBI xử lý và gửi lại kết quả. Mấy ngày sau Trương viết bài gửi cho Nature và đến thăm Vũ Hán, nơi ông có thể nói chuyện trực tiếp với các bác sĩ về tác động của virus. Các biên tập viên ở Nature kêu gọi ông công bố bộ gen. Ngày 11/1, khi đang chuẩn bị lên máy bay đi Bắc Kinh, suy nghĩ về tình hình đang xấu đi ở Vũ Hán, ông đã gọi cho Edward Holmes, một nhà nghiên cứu tiến hóa của virus ở Đại học Sydney, Úc: “Eddie, tôi ủy quyền cho ông công bố dữ liệu.” Holmes đưa thông tin lên website virological.org và Trương đề nghị NCBI công bố bộ gen. Holmes nói, sở dĩ Trương công bố muộn là do chính quyền ngăn cản, nhưng Trương cho rằng ông không biết về lệnh cấm này. Tuy nhiên ông thừa nhận là có thể một số quan chức y tế không thích điều đó.
Trong vòng 2 ngày, Thái Lan đã sử dụng bộ gen để phát hiện ra virus đã thâm nhập qua biên giới và các nhà khoa học Mỹ đã bắt tay vào nghiên cứu vacxin. Tuy nhiên nhóm của Trương bị chính quyền cảnh báo và tạm dừng việc nghiên cứu virus. Một số báo thì cho rằng cả nhóm bị trừng phạt, nhưng Trương đính chính: vì công việc cải tạo văn phòng di chuyển máy móc nên nhóm phải nâng cấp một số quy trình và vẫn tiếp tục làm việc với các bệnh cúm, và bắt đầu nghiên cứu lại corona virus vào cuối tháng một. Ông cũng không cho rằng chính quyền trung ương muốn kiểm soát thông tin. Chỉ là một sự thận trọng hơi quá mức của một số quan chức không đủ chuyên môn. Thực tế là năm 2003, đã có nhà khoa học Trung Quốc kết luận SARS do các vi khuẩn gây ra.
Trương đánh giá việc định danh được SARS-CoV-2 nhanh như thế thực sự là kỳ diệu. Năm 2003, phải hàng tháng sau các nhà khoa học mới xác định được SARS là nguyên nhân gây bệnh. Công nghệ giải mã gen thế hệ mới đã giúp Trương và Holmes xác định hàng ngàn RNA virus mới. Trương đã xây dựng một mạng lưới các phòng thí nghiệm khắp TQ để hy vọng dập tắt các đợt dịch trước khi chúng bùng phát.
CHANDA PRESCOD-WEINSTEIN: A FORCE IN PHYSICS
Nhà vũ trụ học nghiên cứu bản chất của chất tối, và đấu tranh với nạn phân biệt chủng tộc trong khoa học.
Năm 2020 là một năm bận rộn của Chand Precod-Weinstein dù mới là năm thứ hai với chức danh giáo sư bổ nhiệm của Đại học New Hamsphire ở Durham. Cô kiếm được hai tài trợ khoa học, tuyển một nhà nghiên cứu postdoc, bắt đầu hướng dẫn một nhóm vạch lộ trình nghiên cứu vật chất tối trong 20 năm tới. Cô cũng đã hoàn thành cuốn sách đầu tiên, đang bắt đầu viết cuốn thứ hai, viết bài hàng tháng cho tạp chí New Scientis, công bố 2 chương đầu trong cuốn sách về nghiên cứu giáo dục và hướng dẫn hai nghiên cứu sinh PhD công bố những bài báo đầu tiên.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đầu tháng Sáu, cô cùng một số nhà khoa học khác tổ chức cuộc Bãi công vì Mạng sống người Da đen, một chiến dịch online đình đám yêu cầu các tổ chức phải chống nạn phân biệt chủng tộc trong khoa học. Ý tưởng được hình thành từ trao đổi của cô với Brian Nord, một nhà vật lý tại Phòng thí nghiệm Gia tốc Fermi ở Batavia, Illinois. Cũng quãng đó, Britanny Kamai, một nhà vật lý khác từ UC Santa Cruz cũng gửi thư cho Chanda chia sẻ kế hoạch kêu gọi đình công để thúc đẩy thay đổi. Mọi người tham gia ngày càng đông và 2 đội đã hợp sức lăng xê chiến dich.
“Tôi đã quá mệt mỏi vì phải chứng kiến những thực tế trong cộng đồng các nhà vật lý” Prescod-Weinsten phát biểu.
Ý tưởng được ủng hộ ngoài sức tưởng tượng. Rachelle Burk, nhà hóa học phân tích ở Đại học Mỹ tại Washington DC viết: “Tôi chưa từng chứng kiến điều gì tương tự trong suốt cuộc đời tôi. Đây là thời điểm thay đổi cách suy nghĩ của nhiều nhà khoa học. Một số đồng nghiệp của tôi đã nhận thức được họ có phần trách nhiệm trong sự bất công về sắc tộc trong STEM”
Sau khi xem bộ phim tài liệu “Lược sử thời gian” năm 1991 về Stephen Hawking do Errol Morris đạo diễn, Chanda đã quyết định mình phải trở thành nhà vật lý. Cô học vật lý tại Đại học Harvard, thiên văn tại Đại học Californua ở Santa Cruz, và làm tiến sĩ tại Đại học Waterloo ở Canada, sau đó làm việc tại MIT ở Cambridge. Hiện cô là thành viên của Khoa vật lý và thiên văn của Đại học New Hampshire, trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên giữ chức giáo sư bổ nhiệm trong vũ trụ học và lý thuyết hạt ở Mỹ.
Phạm vi nghiên cứu của Prescod-Weinstein bao gồm cả vật lý thiên văn và lý thuyết hạt. Cô quan tâm đến việc làm thế nào axions có thể ảnh hưởng đến việc hình thành các thiên hà và các cấu trúc khác. “Mối quan tâm của tôi vượt qua vấn đề về vật chất tối đến vấn đề liệu các hạt đó có tồn tại và nếu có chúng hành xử thế nào”
Khi nghiên cứu về Vũ trụ thời sơ khai, rồi vật chất tối và các hạt giả tưởng như axions, cô luôn thấy mình là nhà khoa học da đen duy nhất trong nhóm. Vì thế thường xuyên phải đấu tranh để biện minh cho chỗ đứng của mình. Cô nhận ra mình phải lên tiếng: “Hậu quả của việc im lặng là không thể sống được.”
Lời kêu gọi bãi công tháng Sáu được phát động sau những cái chết của Taylor, George Floyd, Ahmaud Arbery và nhiều người nữa sau khi va chạm với cảnh sát! Cùng ngày 10/6 hôm đó, rất nhiều nhóm với hàng trăm ngàn thành viên đã tham gia bãi công. Trong đó có Liên đoàn Địa Vật lý Mỹ, Hội Vật lý và Hội Hóa học Mỹ. Các nhà xuất bản cũng tham gia, trong đó có Hiệp hội khoa học phát triển Mỹ, nơi xuất bản tạp chí Science.
Prescod-Weinstein tâm sự: “Cách mạng đã không xảy ra hôm nay, nhưng tôi hy vọng chúng tôi đã gieo được hạt giống để mọi người cũng nghĩ cách thay đổi để cứu mạng sống của người da đen”
LÝ LAM QUYÊN: KIẾN TRÚC SƯ PHONG TỎA
Nhà dịch tễ học này đã tư vấn chính phủ phong tỏa Vũ Hán để kiểm soát Covid-19
Ngày 18/1, chính quyền trung ương TQ cử Lý Lam Quyên và các chuyên gia đến Vũ Hán để đánh giá tình hình. Mấy ngày sau, nhà dịch tễ học 73 tuổi từ Đại học Triết Giang ở Hàng Châu đề xuất phong tỏa Vũ Hán thành phố 11 triệu dân ngay lập tức để “ngăn ngừa sự lây lan sang các thành phố khác dẫn đến mất kiểm soát như Vũ Hán, ảnh hưởng nặng nề đến xã hội và kinh tế Trung Quốc”
Chung Nam Sơn, một chuyên gia về hô hấp của Đại học Y Quảng Châu, đang chỉ huy một nhóm ở Vũ Hán cũng khẳng định virus đã lây lan giữa người với người.
Những cảnh báo của Lý và Chung đã buộc chính quyền phải hành động khẩn cấp.
Ngày 23/1, tất cả các phương tiện giao thông ra và vào Vũ Hán bị cấm. Tất cả dân chúng bị buộc phải ở nhà. Các kế hoạch di chuyển dịp Tết Nguyên đán ngày 25/1 bị hủy bỏ. Tại thời điểm đó, nhiều người cho rằng đó là phản ứng thái quá. Lệnh phong tỏa kéo dài 76 ngày và được thực thi nghiêm ngặt. Một số cư dân không được chăm sóc y tế đã phàn nàn là họ bị bỏ rơi đến chết.
Nhưng chiến dịch đã có hiệu quả. Nhà dịch tễ học Raina MacIntyre từ Đại học New South Wales ở Sydney, Úc phát biểu: “Đây rõ ràng là biện pháp hiệu quả để khống chế dịch, ngăn ngừa một thảm họa ở Trung Quốc.” Các nhà mô hình hóa dịch bệnh cho rằng lệnh phong tỏa đã làm chậm sự lây lan từ 3-5 ngày, tạo điều kiện cho các vùng khác có thời gian để chuẩn bị. Những ca lây nhiễm bên ngoài giảm đến 80% sau vài tuần.
Phong tỏa thành phố 11 triệu dân để ngăn chặn lây lan là sự kiện chưa từng có trong lịch sử, giáo sư Ben Cowling từ Đại học Hong Kong khẳng định.
Lý ở lại Vũ Hán để cùng mọi người chống dịch và trở thành biểu tượng được nhà nước ủng hộ của một bác sĩ quên mình trong khủng hoảng. Bà thường được chụp ảnh trong bộ đồ y tế và được gọi là “Bà Lý”. Theo báo chí, Lý sinh ra trong một gia đình nghèo ở Triết Giang và trở thành “bác sĩ chân đất”, người truyền bá các biện pháp ban đầu trong phòng và chữa bệnh. Bà được tuyển dụng vào Đại học Y của tỉnh và chuyên về viêm gan. Năm 2003, với tư cách giám đốc sở Y tế Triết Giang, Lý đã ra lệnh cách ly hàng ngàn người nghi bị nhiễm SARS, một quyết định lúc đó gây tranh cãi nhưng sau này được xác nhận là cốt tử trong việc ngăn chặn lây lan.
Uy tín của bà đã khiến các nhà chính trị phải lắng nghe. Câu chuyện của Lý trái ngược với số phận của 1 bác sĩ khác ở Vũ Hán: Lý Văn Lượng. Ông này đã chia sẻ sự lo lắng về căn bệnh mới với các đồng nghiệp của mình từ cuối tháng 12 nhưng bị cảnh sát cảnh báo về việc lan truyền tin đồn vô căn cứ. Ông bị nhiễm virus và chết ngày 7/2. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ trích chính quyền TQ trong việc bịt mồm những người như Lý và do dự trong cung cấp đầy đủ thông tin về quy mô của dịch bệnh.
Trung Quốc đã hành động quyết liệt, nhưng nhiều nước khác đã do dự. “Nhiều nước có vẻ như đã quên những quy tắc căn bản của kiểm soát dịch bệnh, hoặc tin những nhà tư vấn thiếu kinh nghiệm, chỉ biết dò dẫm và học từng bước.” McIntyre kết luận.
JACINDA ARDERN: LÃNH ĐẠO TRONG CƠN KHỦNG HOẢNG
Thủ tướng New Zeland được ca ngợi về những bước đi hiệu quả trong đại dịch.
Ngày 14/3, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bước lên diễn đàn chuẩn bị một thông điệp khó khăn cho nhân dân, khi cả nước mới chỉ có 6 ca nhiễm căn bệnh mới. “Tôi sẽ không xin lỗi, chúng ta cần phải chấp nhận khó khăn, chúng ta phải hành động sớm để bảo vệ sức khỏe của người dân.” Chính phủ yêu cầu cách ly 2 tuần với tất cả các du khách đến NZ, cấm các con tàu du lịch, và hạn chế đi lại đến các nước láng giềng. Chưa đầy 2 tuần sau, lệnh phong tỏa toàn quốc được ban hành.
Trong thời đại lo lắng và hoảng sợ, Ardern đã gây chú ý bằng sự cảm thông và những hành động quyết liệt. Bà đã thống nhất được đất nước 5 triệu dân thực thi những biện pháp chưa có tiền lệ và trở thành một trường hợp thành công hiếm hoi, với chỉ 2000 ca nhiễm và 25 người chết. Không nhiều nước làm được như vậy. Số ca tử vong ở Mỹ cao hơn 170 lần, sau khi đã điều chỉnh tỷ lệ dân số.
Nhiều chuyên gia cho rằng NZ có lợi thế về sự biệt lập và diện tích nhỏ. Nhưng kể cả với những yếu tố đó, chuyên gia quản trị Michaela Kerrisey từ Trường Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Harvard cho rằng không nhiều lãnh đạo có thể định hướng khéo léo như vậy trong khi thông tin từ giới khoa học còn chưa chắc chắn. Nhiều nhà lãnh đạo đã trở thành nạn nhân của xu hướng buông xuôi tự nhiên và trì hoãn hành động, còn Ardern thì khác.
Hàng ngày, bà xuất hiện cùng với bộ trưởng Y tế Ashley Bloomfield, bình tĩnh cung cấp thông tin cho dân chúng và giải thích các hành động của chính phủ một cách rõ ràng. Độ cảm thông và trung thực trong các thông điệp của bà thật đáng kinh ngạc. Bà nắm vững các chi tiết khoa học như các biện pháp di truyền được dùng để theo dõi dịch bệnh, sự tiến hóa của virus, bởi thế có khả năng truyền đạt những vấn đề phức tạp và thay đổi một cách thuyết phục, theo nhà hóa sinh Juliet Gerrard, cố vấn khoa học của thủ tướng.
Chính quyền cũng bị phê phán khi không kiểm soát nhân viên và du khách tại những điểm cách ly dẫn đến việc phong tỏa Auckland lần 2 vào hồi tháng Tám. Kinh tế của NZ cũng bị lún sâu vào khủng hoảng và thất nghiệp gia tăng mạnh mẽ trong tháng Chín.
Tuy nhiên đại đa số dân NZ ủng hộ lãnh đạo của mình, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ lên đến 80%. Tháng mười, bà tái đắc cử với chính quyền đa số.
Chính phủ của Ardern đã cam kết dành 20% GDP cho nỗ lực chống Covid-19. Nhưng bà còn phải đối mặt với việc tái thiết nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch mà vẫn giữ được sự an toàn cho New Zealand.
ANTHONY FAUCI: NGƯỜI BẢO VỆ KHOA HỌC
Bác sĩ trở thành lương tâm của nước Mỹ trong đại dịch.
Trong suốt 40 năm làm việc như một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Anthony Fauci được ca ngợi như anh hùng và sỉ vả như kẻ giết người. Người hâm mộ ông tạo những tấm thiệp bóng chày và búp bê mang hình ông, còn kẻ khác thì dọa giết và quấy rối các con ông.
Với tư cách giám đốc Viện Quốc gia về Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm (NIAID) tại Bethesda, Maryland, Fauci đã hướng dẫn 6 đời tổng thống và một đất nước tràn ngập lo âu đi qua nỗi sợ về khủng bố sinh học, và dịch bệnh như HIV, Ebola, Zika. Bây giờ, vai trò cố vấn cho chính phủ và truyền thông cho dân chúng đã biến ông thành Bác sĩ quốc dân. Ông hướng dẫn cho chính phủ hành động, đôi khi đi ngược ý muốn của tổng thống Trump và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 và HIV tại cơ sở của mình. Ông làm việc 7 ngày một tuần, 18 tiếng một ngày. “Nhìn thấy bệnh nhân giúp tôi cảm nhận rõ hơn về căn bệnh”, ông nói.
Sự trầm trọng của đại dịch cùng với việc chính trị hóa các hành động ứng phó đã buộc Fauci phải đi xa hơn trách nhiệm của mình, theo đánh giá của nhà dịch tế học Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Chính sách tại Đại học Minnersota ở Minneapolis. “Ông là phần quan trọng giúp dân chúng hiểu được ý nghĩa của khoa học và chúng ta, bao gồm các lãnh đạo được dân bầu, có thể làm được gì.”
Nhiều khi cố gắng của ông vấp phải sự chống đối, nhưng Fauci cũng không lạ gì.
Tại đỉnh điểm của đại dịch AIDS năm 1988, nhà soạn kịch Larry Kramer đã gọi Fauci là “kẻ giết người” và “một thằng ngu” trên trang bìa của tạp chí San Francisco Examiner. Kramer và một số nhà hoạt động AIDS cho rằng thử nghiệm lâm sàng của NIAID trên các loại thuốc là quá chậm và hàng ngàn người đang chết. Khi cả nhóm đến biểu tình trước văn phòng ông, Fauci đã mời một số vào nói chuyện. Sau một thời gian, ông xây dựng mối quan hệ với họ và thay đổi cách mà những người nhiễm AIDS được nhận thuốc thử nghiệm. Đây là một cách tiếp cận cách mạng, để những người bệnh được lên tiếng với các nhà khoa học đang tìm cách chữa cho họ.
Ấm áp nhưng hơi ngố, với phương ngữ Brooklin, Fauci thường dễ dàng làm việc với các nhà chính trị. Tổng thống Mỹ Bush cha đã ca ngợi ông là anh hùng. Ông cũng thiết kế cho tổng thống Bush con kế hoạch PEPFAR nhằm mục tiêu chữa trị toàn cầu cho bệnh nhân HIV. Nhưng năm nay, ông gặp vấn đề khi đương đầu với Donald Trump và các cộng sự của tổng thống có xu hướng hạ thấp nguy cơ của dịch bệnh để tái khởi động nền kinh tế. Trump đã đe dọa sa thải ông. Cựu cố vấn tổng thống Steve Bannon thì tuyên bố muốn thấy đầu của Fauci cắm trước Nhà Trắng. Fauci hiện đang được vệ binh liên bang bảo vệ.
Nhưng nhiều nhà khoa học cũng tỏ ra thất vọng với những màn trình diễn công chúng của Fauci. Mặc dù đôi khi mâu thuẫn với Trump nhưng Fauci không công khai đối đầu tổng thống, và thường đứng bên cạnh Trump trong các buổi họp báo khi tổng thống liên tục cố tình hạ thấp sự trầm trọng của đại dịch.
Chỉ khi các buổi họp báo kiểu vậy kết thúc hồi tháng 4, Fauci mới tỏ ra lớn tiếng hơn. Fauci tròn 80 tuổi tháng 12 này. Nhưng ông chưa có ý định nghỉ hưu. Ông đã đồng ý ở lại NIAIA và làm cố vấn y tế cho tổng thống đắc cử Joe Biden. Osterholm cho rằng Fauci sẽ còn có vai trò tích cực trước ống kinh camera, nhưng Mark Harrington từ Treatment Action Group think tank thì rất mong đợi đến ngày Fauci có thể một lần nữa tập trung vào những mối lo khác như HIV và viêm gan C. “Ông ấy cần được tạo điều kiện để thực hiện công việc chính của mình. Đó là một việc rất quan trọng.”
Link bài gốc: https://www.nature.com/immersive/d41586-020-03435-6/index.html
Nguyễn Thành Nam (dịch giả)
Founder FUNiX là một trong 13 công thần sáng lập ra Tập đoàn FPT. Với chiến công lớn trong việc khai phá và phát triển xuất khẩu phần mềm cho Tập đoàn, anh Nam từng giữ chức CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của FPT Software, kế đến là CEO FPT.
Nhắc đến “Nam già”, người ta nghĩ ngay tới vị thủ lĩnh phong trào của FPT, đồng thời là nhân vật biểu trưng cho văn hóa STCo FPT. Suy nghĩ khác người, nhiều mơ mộng, dí dỏm một cách thông thái và đặc biệt rất sáng tạo, anh Nam là dị nhân hàng đầu ở FPT. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm và quản lý, hiện anh Nam vẫn được tín nhiệm ở vai trò Cố vấn sáng tạo FPT.