Điện thoại di động Hồng Mông từ bỏ Android, khơi mào cuộc chiến tự chủ hệ điều hành quốc nội!

Lời dẫn: Đây là sự kiện cột mốc trọng đại trong quá trình hướng tới tự chủ, độc lập hệ thống điều hành của Huawei.

Lời người dịch (ND): Hồng Mông (鸿蒙) vốn là tên của một nhân vật trong thần thoại Trung Quốc, tượng trưng cho sự hỗn loạn nguyên thủy của thế giới. Tham khảo thêm tại https://en.wikipedia.org/wiki/Hong_Meng

Điện thoại Hồng Mông cuối cùng đã ra mắt!

Ngày 2/6/2021, trong lễ công bố hoành tráng toàn cảnh sản phẩm mới và Harmony OS 2, Huawei đã công bố hàng loạt mẫu điện thoại thông minh mới xuất xưởng cài sẵn Hồng Mông OS: seri mới Mate 40, Mate X2 và Nova 8 Pro. Đồng thời seri mới Huawei P50 cũng được ra mắt.

Về seri P50, Dư Thành Đông (余承东) cho biết: đây là sản phẩm vĩ đại đáng được kỳ vọng.

Ngoài những sản phẩm mới ở trên, Huawei cũng tuyên bố: các mẫu mã cũ của seri Mate 40, Mate 30, P40 v.v. sẽ lần lượt nâng cấp Hồng Mông OS. Mẫu mã cũ bao gồm cả Mate 9 từ nhiều năm trước. Như vậy toàn bộ điện thoại thông minh Huawei sẽ từ bỏ Android để sử dụng Hồng Mông, giúp Hồng Mông OS trở thành hệ điều hành nội đầu tiên trang bị cho điện thoại thông minh.

Sự ra đời của điện thoại di động Hồng Mông cũng có nghĩa Hồng Mông OS đã khép kín vòng quan trọng nhất trên bản đồ thiết bị đầu cuối IoT của Huawei.

Đương nhiên, bên cạnh điện thoại thông minh, sản phẩm mới của Huawei như MatePad, đồng hồ thông minh, màn hình thông minh, v.v. đều được trang bị Hồng Mông OS. Có thể nói, trừ laptop thì Hồng Mông OS đã bao quát toàn bộ hệ sản phẩm IoT của Huawei.

Đối với Huawei, đây là sự kiện cột mốc quan trọng trên hành trình hướng tới tự chủ, độc lập hệ điều hành.

Hồng Mông lên “sàn”

8 giờ tối ngày 2/6, Huawei chính thức khai mạc lễ công bố hệ điều hành Hồng Mông và toàn cảnh sản phẩm mới.

Mở đầu, CEO Dư Thành Đông bộ phận người tiêu dùng Huawei giới thiệu giải pháp toàn cảnh cuộc sống thông minh “1+8+N”, bao gồm 5 lĩnh vực lớn: ngôi nhà thông minh, văn phòng thông minh, du lịch thông minh, sức khỏe thể thao, âm nhạc giải trí.

(ND: chiến lược “1 + 8 + N” của Huawei: 1 = điện thoại thông minh; 8 = máy tính bàn, máy tính bảng, TV thông minh, thiết bị âm thanh, kính thông minh, đồng hồ thông minh, xe hơi, tai nghe; N = thiết bị IoT)

Dư Thành Đông cho biết, hệ điều hành trước đây khá là manh mún. Điện thoại, đồng hồ, máy tính bảng v.v. đều có hệ điều hành riêng. Thiết bị thông minh gặp khó khăn trong kết nối, điều khiển cũng như trải nghiệm rời rạc. Từ thời đại PC sang điện thoại thông minh, rồi tới IoT, thách thức lớn nhất là thực hiện trải nghiệm thông minh, thông suốt giữa nhiều thiết bị.

Trong bối cảnh đó, Huawei cho ra đời hệ điều hành Harmony OS 2.

Theo báo cáo, kỹ thuật tổng tuyến mềm (ND: soft-bus) phân tán của Hồng Mông OS giúp người dùng liên kết các phần cứng khác nhau tùy theo nhu cầu, tùy ý tổ hợp thành các siêu đầu cuối.

Dựa trên trung tâm điều hành nhiệm vụ hoàn toàn mới, người dùng có thể hoán đổi ứng dụng giữa các thiết bị, thực hiện “người ở đâu, phục vụ ở đó”. Khi tổ hợp thành siêu đầu cuối, người dùng có thể trên bất cứ thiết bị nào theo dõi được các nhiệm vụ ở các thiết bị khác.

Ngoài các thiết bị của Huawei, HarmonyOS Connect (được nâng cấp từ HUAWEI HiLink) còn cho phép điện thoại và các thiết bị gia dụng thông minh kết nối một chạm. Theo tin chính thức, các hãng sản xuất điện gia dụng thông minh như Midea (美的), Haier (海尔), Joyoung (九阳) đều có thể gia nhập hệ sinh thái Hồng Mông.

Về phương diện trải nhiệm máy bàn, Hồng Mông OS sử dụng thiết kế thẻ, hỗ trợ tùy chỉnh cá nhân hóa, thay đổi kích thước, tùy ý ẩn hiện. Người dùng vuốt biểu tượng App lên có thể tạo thành thẻ vạn năng, hiển thị thông tin phong phú, cập nhật thời gian thực trên màn hình, giảm thời gian tải xuống của App.

Theo trưởng bộ phận phần mềm nghiệp vụ người tiêu dùng Vương Thành Lục (王成录), thẻ là cấu thành nhỏ nhất không phân tách trong trung tâm phục vụ (ND: Service Center), có thể dễ dàng truy cập, tùy ý chia sẻ, không cần tải về và cài đặt, giúp nhanh chóng có được các tiện ích như đọc tin tức v.v.

Về tính năng, Harmony OS 2 cải thiện đáng kể độ mượt so với EMUI (ND: giao diện người dùng tùy chỉnh Huawei phát triển trên Android). Harmony OS 2 tối ưu khả năng hoạt động của ứng dụng nền, giúp ứng dụng duy trì kết nối. Đồng thời sử dụng ứng dụng MoreApps (再多应用) để khôi phục trạng thái, giúp người dùng xem tiếp thông tin dang dở từ lần trước.

Vương Thành Lục cho biết, nhờ những kỹ thuật tiên phong như kết hợp GPU và CPU liên hợp thực hiện scheduling (调度, ND: lên lịch) và rendering (渲染, ND: kết xuất đồ họa), phân tách rendering với xử lý nghiệp vụ v.v., Huawei Mate 40 Pro trang bị Hồng Mông OS có thời gian chơi game hạng nặng lâu hơn so với iPhone 12 Pro Max chạy iOS 14.4.

Về bảo mật, Harmony OS 2 sử dụng xác thực hiệp đồng đa thiết bị, phải thông qua 2 lớp bảo mật – nhận diện khuôn mặt trên điện thoại và liên kết đồng hồ thông minh – mới có thể mở khóa.

Đồng thời, Harmony OS 2 phân loại dữ liệu người dùng để quản lý, phân cấp bảo hộ thiết bị, giám sát cài đặt bảo mật của siêu đầu cuối : thiết bị đáp ứng các yêu cầu bảo mật mới được tiếp cận dữ liệu tương ứng.

Từ 2/6/2021, Huawei bắt đầu bản nâng cấp beta cho nhóm sản phẩm đầu tiên Mate 40, Mate 30, P40, Mate X2, MatePad Pro. Các dòng sản phẩm điện thoại, máy tính bảng, màn hình thông minh khác của Huawei sẽ được lần lượt nâng cấp từ tháng 6 trở đi.

Ngoài việc công bố hệ điều hành Harmony OS 2, Huawei cũng giới thiệu nhiều dòng sản phẩm mới trang bị Harmony OS 2, bao gồm HUAWEI Mate 40 đời mới, Mate X2 đời mới, HUAWEI WATCH 3, HUAWEI MatePad Pro v.v.

Thực tế thì sự ra mắt của điện thoại di động Hồng Mông đã được dự báo cũng như lên kế hoạch từ trước. Vài ngày trước lễ công bố sản phẩm, Harmony OS 2 đã được thử nghiệm nội bộ trên một bộ phận điện thoại Huawei. Và ngày 25/5 trên kênh Weibo chính thức, Huawei đã công bố đổi tên EMUI thành HarmonyOS.

Theo kế hoạch từ khi ra mắt hệ điều hành Hồng Mông năm 2019, Huawei đã lần lượt trang bj cho màn hình thông minh, thiết bị đeo tay. Và theo kế hoạch khi Huawei công bố mã nguồn mở thì 2021 là năm Hồng Mông OS được trang bị cho điện thoại thông minh.

Điện thoại không phải là toàn bộ của Hồng Mông OS

Hồng Mông OS lần đầu ra mắt ngày 9/8/2019 tại Huawei Developer Conference (HDC). Ngày 10/9/2020 cũng tại HDC, Huawei tiếp tục giới thiệu bản Harmony OS 2.0 Beta đến các nhà phát triển ứng dụng.

Đồng thời với công bố bản Harmony OS 2.0, trưởng bộ phận phần mềm nghiệp vụ người tiêu dùng Huawei Vương Thành Lục cũng công bố toàn bộ bộ công cụ nền tảng của Hồng Mông OS, bao gồm bộ khung ứng dụng (application framework), 13000 API, công cụ phát triển HUAWEI DevEco, bộ biên dịch Phương Chu (方舟, ARK) và ứng dụng phân tán.

Đáng chú ý, từ ngày công bố Huawei luôn khẳng định Hồng Mông OS không phải cạnh tranh với Android hay iOS, mà là là hệ điều hành phân tán hướng toàn cảnh hoàn toàn mới dựa trên micro-kernel (ND: lõi vi mô). Cũng có nghĩa là, mặc dù điện thoại thông minh là một kênh quan trọng của Hồng Mông OS, nhưng không phải là toàn bộ.

Thực tế thì mục tiêu của Huawei lớn hơn nhiều, hướng tới IoT.

Ngay từ đầu, Dư Thành Đông cho biết, sự ra đời của Hồng Mông OS là vì trong thời đại trí tuệ toàn cảnh (全场景智慧时代), Huawei nhận thấy phải nâng cao năng lực đa nền tảng (cross-platform) của hệ điều hành, bao gồm năng lực hỗ trợ toàn cảnh (~ toàn diện, đa kênh), đa thiết bị, đa nền tảng, cũng như năng lực đối ứng thách thức về độ trễ thấp và tính bảo mật cao.

Ông Vương Thành Lục thẳng thắn hơn, Hồng Mông OS là thiết kế cho IoT, là cầu nối giữa nhà phát triển và hệ sinh thái IoT. “Trung Quốc có hệ thống mạng tốt nhất, ngành chế tạo IoT mạnh nhất, thị trường ứng dụng lớn nhất, vì vậy tiềm lực phát triển hệ sinh thái IoT vô cùng lớn”, ông Vương nhấn mạnh.

Huawei đang nỗ lực trong nhiều hướng nhằm tạo dựng hệ sinh thái IoT dựa trên Hồng Mông.

Trong đó, về hệ sinh thái phần mềm ứng dụng, theo báo cáo Tân Hoa Xã, Huawei đang hợp tác với 200 nhà phát triển App hàng đầu thế giới cùng phát triển các ứng dụng đa đầu cuối.

Về hệ sinh thái thiết bị phần cứng, Huawei cũng đang tiến hành hợp tác với nhiều nhà sản xuất phần cứng. Theo ước lượng của Huawei, cuối năm 2021 sẽ có khoảng 300 triệu thiết bị cài đặt hệ điều hành Hồng Mông, trong đó riêng Huawei có 200 triệu điện thoại di động và hơn 30 triệu máy tính bảng, đồng hồ, màn hình thông minh, loa v.v. Các thiết bị hợp tác với các đối tác khác sẽ đạt tới 100 triệu.

Ngoài ra, ông Vương tháng trước còn cho biết Hồng Mông sẽ thành hệ thống mã nguồn mở, và mở các khóa học về phát triển liên quan Hồng Mông ở 15 trường đại học. Theo tìm hiểu, các khóa học này đã bắt đầu trong nhiều trường nổi tiếng như Đại học Thanh Hoa, Đại học Vũ Hán.

Với điện thoại thông minh trang bị Hồng Mông OS, hạ tầng toàn bộ hệ sinh thái Hồng Mông của Huawei cũng sắp hoàn thiện. Huawei đang từng bước thực hiện hệ điều hành IoT cho hệ sinh thái trí tuệ toàn cảnh.

Cuộc chiến đột phá vòng vây giữa các đại gia

Đáng chú ý là chỉ 8 ngày trước, Google đã chính thức ra mắt hệ điều hành Fuchsia OS.

Fuchsia OS và Hồng Mông OS về tư tưởng có nhiều tương đồng : hướng tới Internet vạn vật IoT, có thể vận hành trên thiết bị gia dụng thông minh, laptop, điện thoại v.v. Tuy nhiên Fuchsia OS có lợi thế về hệ sinh thái tự nhiên với đại đa số mô-đun có thể chạy trên Android.

Ngoài đối thủ đáng gờm Fuchsia OS, Hồng Mông OS còn phải “đả quái thăng cấp” cạnh tranh kịch liệt với các hệ điều hành di động và IoT hiện có.

Đầu tiên là các hệ điều hành di động.

Hiện tại trừ Huawei ra, các hãng điện thoại quốc nội đa số dùng hệ điều hành tự phát triển dựa trên nền Android, bao gồm XiaoMi MIUI, Origin OS của vivo, color OS của OPPO, v.v. Không chỉ thế, danh sách đối tác Android 12 mà Google công bố đã không còn Huawei, nhưng vẫn còn các hãng điện thoại quốc nội khác.

Muốn các hãng điện thoại quốc nội “phế Android, chọn Hồng Mông”, từ góc độ thương mại thì có vẻ thiếu thực tế.

Mặc dù trước đó Meizu phao tin sẽ dung nạp Hồng Mông, nhưng tại lễ công bố ngày 31/5, Meizu Watch vẫn trang bị hệ thống Flyme for Watch phát triển trên nền tảng Android. Dung nạp ở đây chỉ là điện thoại thông minh có thể tương thích trang bị Hồng Mông OS, chứ chưa phải thực sự tham gia hệ sinh thái Hồng Mông.

Theo các chuyên gia trong ngành, mặc dù Huawei chịu chế tài của Mỹ, nhưng vẫn là đối thủ đáng gờm trong thị trường điện thoại thông minh. Muốn các hãng điện thoại chuyển từ “đối thủ” sang “đối tác”, vứt bỏ hệ điều hành di động trên nền Android đã rất trưởng thành của đội nhà, chuyển sang sử dụng hệ điều hành Hồng Mông vừa ra mắt, khỏi cần nói khó khăn thế nào.

Trước mắt Hồng Mông OS chỉ trang bị cho điện thoại Huawei, thế nhưng thị phần điện thoại Huawei đã giảm dựng đứng. Theo dữ liệu xuất xưởng điện thoại thông minh Q1-2021 của IDC và Canalys, Huawei đã tuột khỏi Top5, xếp vào “Others”. Đối với thực tế này, Dư Thành Đông cũng từng chia sẻ với bạn bè, phân khúc điện thoại cao cấp của Huawei đã nhường cho Apple, còn trung và thấp cấp thì nhường cho XiaoMi OV.

Ngoài ra, tính theo quy mô hệ sinh thái thì Android có khoảng 20 triệu nhà phát triển, iOS khoảng 24 triệu, còn Hồng Mông OS chỉ mới vài triệu. Không khó nhận thấy, từ góc độ hệ sinh thái hệ thống di động, Hồng Mông OS còn cả chặng đường dài phía trước.

Quay sang lĩnh vực IoT.

Trong lĩnh vực Internet vạn vật, nhiều hãng quốc nội đã có hệ điều hành IoT tự phát triển. Như AliOS Things của Alibaba, TencentOS tiny của Tencent, Vela của XiaoMi v.v., hình thành cục diện quần hùng cát cứ (群雄割据).

Đương nhiên, cuộc chạy đua vũ trang (军备竞赛) hệ điều hành IoT không chỉ có các hãng quốc nội, còn có cả các đại gia Microsoft (Windows 10 IoT), Amazon (FreeRTOS), Arm (mbed OS) v.v.  

Vì vậy, Hồng Mông muốn mở mang bờ cõi (开疆拓土) trong lãnh địa IoT, bắt buộc phải đột phá vòng vây. Mặc dù hệ điều hành Hồng Mông đã tích hợp hệ điều hành IoT Lite OS của Huawei công bố từ 2015, nhưng miếng bánh IoT quá lớn với rất nhiều bên xâu xé, Huawei muốn đột phá vòng vây tuyệt đối không phải việc dễ.

Theo tiết lộ của Huawei, hệ sinh thái Hồng Mông hiện đã phát triển hơn 1000 đối tác phần cứng thông minh, hơn 50 đối tác với giải pháp chip và mô-đun, bao quát các lĩnh vực đồ gia dụng, du lịch, giáo dục, công sở, thể thao sức khỏe, chính phủ và doanh nghiệp, âm nhạc giải trí v.v.

Tuy nhiên, so với không gian phát triển của IoT thì thành tích hiện tại của Huawei Hồng Mông vẫn còn rất khiêm tốn. Cuộc chiến cạnh tranh chia bánh với các đối thủ tầm cỡ, mở rộng hệ sinh thái đối tác của Huawei hứa hẹn là một cuộc chiến khốc liệt “quần hùng xâu xé” (群兽环伺).

Hệ thống tự chủ hóa quốc nội trỗi dậy

Trang bị cho điện thoại thông minh là mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Hồng Mông.

Sau tất cả thì điện thoại di động là trung tâm của hệ sinh thái toàn cảnh (~ toàn diện, đa kênh), cũng là cấu thành hạt nhân của hệ sinh thái đầu cuối IoT. Đồng thời Hồng Mông OS trang bị cho điện thoại di động cũng là khởi đầu giúp điện thoại Huawei thực sự thoát khỏi Android.

Chỉ có điều hoàn thiện hệ điều hành Hồng Mông chỉ là một bước quan trọng của độc lập tự chủ. Thiết lập hệ sinh thái của hệ điều hành mới là nhân tố quyết định Hồng Mông có tiếp tục lớn mạnh không. Đối với Huawei thì tình hình hiện tại không lạc quan lắm, nhiệm vụ nặng nề của Hồng Mông OS vẫn còn chặng đường dài phía trước.

Huawei lúc này giống như người leo núi với “hai chân chơi vơi, hai tay nắm chặt”, chỉ dựa vào sức mạnh tự thân khó mà tăng tốc lên đỉnh. Cục diện này cũng cho thấy Hồng Mông OS rất khó vượt lên trong ngắn hạn.

Thế nhưng nhìn toàn cảnh tương lai rộng lớn của thị trường IoT, theo báo cáo GSMA, dự kiến 2025 tổng quy mô liên kết IoT toàn cầu sẽ đạt 24,6 tỉ. Cho dù điện thoại di động gặp khó, Hồng Mông OS hướng tới toàn cảnh thiết bị IoT nên cũng không thể định đoạt tương lai chỉ trong một lần gõ búa.

Hơn nữa, nhìn từ góc độ khác, trong tình hình quốc tế còn nhiều bất ổn, sự xuất hiện và hoàn thiện của Hồng Mông OS như một liều tăng lực cho sự độc lập tự chủ của hệ điều hành quốc nội, giúp các hãng Trung Quốc có thêm tiếng nói trong cạnh tranh quốc tế.

Có thể nói, sự phát triển của Hồng Mông OS đến hiện tại đúng như ý nghĩa nội tại của từ này (ND: Hồng Mông), là sự mơ hồ của tình trạng hỗn mang nhưng cũng tràn đầy hy vọng.

Cuối cùng, trong văn hóa Trung Quốc, Hồng Mông phát triển đến giai đoạn nhất định sẽ trở thành “khai thiên lập địa” (开天辟地). Theo một nghĩa nào đó, trong tình hình quốc tế khốc liệt hiện tại, cũng tượng trưng cho kỳ vọng thiết tha của người Trung Quốc đối với hệ điều hành độc lập tự chủ quốc nội. Kỳ vọng này cũng được hòa nhập vào Hồng Mông OS.

Khiến Hồng Mông OS như một viên đạn, tiếp tục bay xa.

Bài gốc của Tiêu Man ngày 2/6/2021: https://www.leiphone.com/category/iot/mM9UG9oeMaWjphqQ.html

Tin liên quan Hồng Mông:

Kinh ngạc, choáng váng! iOS 15 nâng cấp khủng, Mac và iPad tích hợp liền mạch, Apple “bắt vị” Hồng Mông

(Tiêu Man, 8/6/2021, https://www.leiphone.com/category/industrynews/e1S76jfvQ9nXsNGf.html )

Chỉ 5 ngày sau lễ công bố Harmony OS 2.0, Apple cũng ra tay.

Ngày 7/6/2021 theo giờ Mỹ, tại WWDC, mặc dù không công bố phần cứng nào, Apple lẳng lặng đi một nước cờ lớn – giới thiệu bản nâng cấp khủng của iOS, macOS, iPadOS, và watchOS.

Từ góc độ hệ điều hành, Apple và Huawei có sự tương đồng dù khoảng cách khá xa.

………

Dưới góc nhìn của Lôi Phong, dựa trên nền tảng các hệ thống iOS, macOS, iPadOS, watchOS, Apple đã xây dựng cầu nối phần mềm giúp các hệ thống kết nối và hiệp đồng với nhau, giúp người dùng tận hưởng trải nghiệm đồng nhất về ứng dụng và hệ điều hành giữa các thiết bị khác nhau.

Thử so sánh sẽ nhận thấy: nỗ lực thực hiện hiệp đồng và trải nghiệm đa thiết bị của Apple dù cách làm khác nhưng cùng kết quả như Harmony OS 2.0 mới công bố của Huawei, bản chất là hướng tới thời đại IoT đang đến.

Tất nhiên cũng có nhiều khác biệt. Ví dụ Apple càng đóng, Huawei càng mở. Apple tập trung cải tiến hệ sinh thái tự thân đã có, Huawei tạo dựng hệ sinh thái mới. Huawei nhấn mạnh 1 + 8 + N, Apple dựa trên 5 hệ thống lớn đang có tập trung tìm kiếm hợp tác với bên ngoài.

Nhưng không nghi ngờ gì, Apple khổng lồ cũng đối mặt với hiện thực: trải qua thời kỳ huy hoàng của mạng di động, Apple cũng phải nỗ lực xây dựng hệ sinh thái phần cứng và phần mềm tích hợp hơn, hiệp đồng hơn, thân thiện hơn, nhằm đón đầu các thách thức mới của thời đại IoT.

Tin đồn hệ điều hành Hồng Mông thuộc sở hữu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, tổ chức OpenAtom phản bác

(6/6/2021, https://www.leiphone.com/category/industrynews/EqGSh4XlvQYxxO8j.html )

Gần đây trên mạng xuất hiện tin đồn lan nhanh “Hồng Mông không còn thuộc Huawei, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin chính thức tiếp quản”, “Huawei tặng miễn phí hệ điều hành Hồng Mông cho Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin”. Ngày 6/6 theo báo Thanh niên Trung Quốc, tổ chức OpenAtom cho biết dự án OpenHarmony do các ủy viên tham gia quản lý, các đơn vị liên tiếp đầu tư và cống hiến cho dự án mã nguồn mở, và các sự vụ quan trọng do các đại biểu bỏ phiếu quyết định, mỗi đơn vị một phiếu.

OpenAtom cũng cho biết, tháng 9/2020 đã tiếp nhận mã nguồn cơ sở của hệ điều hành thiết bị đầu cuối thông minh do Huawei quyên tặng. Theo quy định đã đặt tên dự án mã nguồn mở này là OpenAtom OpenHarmony (gọi tắt là OpenHarmony).

Tháng 12/2020, OpenAtom đã thành lập Nhóm Ủy viên dự án OpenHarmony, bao gồm đại diện từ 7 đơn vị Pateo (博泰), Huawei, JD.COM (京东), Hoperun (润和), ECARX (亿咖通), Chinasoft International (中软国际), và Viện Phần mềm Viện Khoa học Trung Quốc, nhằm quản lý dự án mã nguồn mở OpenHarmony.

Sau 3 ngày công bố Hồng Mông OS, 3 đại ngân hàng lần lượt tham gia hệ sinh thái Hồng Mông

Ngày 6/6 Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Trung Tín, Ngân hàng Phát triển Quảng Đông đã lần lượt công bố gia nhập hệ sinh thái Hồng Mông mới ra mắt, toàn lực hỗ trợ hệ điều hành quốc nội, cụ thể bao gồm 3 mảng lớn: tương thích APP, chuyên trang Hồng Mông Online, phát hành dịch vụ nguyên tử (ND: atomized service).

Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Phố Đông, Ngân hàng Thượng Hải cũng bắt đầu hỗ trợ Hồng Mông OS, và đã mời khách hàng trải nghiệm thử ứng dụng. Hiện tại, Ngân hàng Trung Quốc có 140 triệu khách hàng di động, Ngân hàng Trung Tín có hơn 100 triệu, Ngân hàng Phát triển Quảng Đông có hơn 90 triệu khách hàng thẻ tín dụng, có nghĩa là khoảng 300 triệu khách hàng đã tham gia sử dụng hệ điều hành Hồng Mông mới. (theo Tuần báo Thời Đại)

DỊCH GIẢ ĐÀO DUY CƯỜNG

Giám đốc Ban Điều hành Sản xuất FPT Software

Gia nhập FSOFT từ tháng 7/2000, sau nhiều năm du học ngành CNTT tại Trung Quốc, anh Cường về nước và trở thành thế hệ đầu tiên của FPT Software làm xuất khẩu phần mềm. Từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, anh Cường được coi là nhà quản lý chuyên giải quyết những việc khó ở FSOFT. Dù công việc vô cùng bận rộn nhưng người FPT vẫn đâu đó đọc được một số bài anh viết.

Từ tháng 8/2019, theo lời kêu gọi của Editor Nguyễn Thành Nam, sau thời gian dài chỉ tập trung vào quản lý, anh Cường sẽ xuất hiện nhiều hơn trong vai trò dịch giả, cống hiến cho độc giả những bài dịch chất lượng về mảng công nghệ đăng tải trên các Tạp chí công nghệ uy tín của Trung Quốc. Một trong những trang báo yêu thích của anh là Lôi Phong (https://www.leiphone.com) nên dự kiến, độc giả của AmaTech sẽ được theo dõi nhiều bài dịch được anh chọn lọc từ trang này.

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *