Token economy thực chất là dùng phần thưởng vật chất để khuyến khích hành vi. Tất nhiên ai thưởng và thưởng bao nhiêu là tuỳ hứng. Toàn bộ hoạt động này đều được ghi lại và lưu trữ công khai trên mạng xã hội.
Trước đây người ta áp dụng để dụ thú trong rạp xiếc, dỗ trẻ em ở nhà trẻ và giáo dục người tâm thần trong bệnh viện. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ giám sát và blockchain, token economy giúp điều chỉnh hành vi con người ở phạm vi lớn hơn. Ví dụ có dự án crypto có tên là Karma (Nghiệp) dùng token để thưởng cho mọi hành vi tốt của con người được nhìn thấy ngoài đời thực như dắt trẻ em, giúp cụ già qua đường hay cảnh sát giao thông chỉ xem giấy tờ, xem hình lãnh tụ rồi nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không phạt… Tất nhiên ai thưởng và thưởng bao nhiêu là tuỳ hứng. Có hành vi được nhiều người thưởng, có hành vi chỉ được một người thưởng nhưng thưởng nhiều. Tất nhiên toàn bộ hoạt động này đều được ghi lại và lưu trữ công khai trên mạng xã hội. Ở bình diện quản lý cộng đồng, token economy cũng được chính quyền áp dụng để quản lý công dân như hệ thống chấm điểm công dân dựa trên thông tin từ camera giám sát, xử lý dữ liệu thông minh ở Quý Châu Trung Quốc…
Có hai câu hỏi mà các chuyên gia thiết kế token economy thường tự hỏi là: Làm thế nào để token economy có thể thay đổi hành vi trên bình diện toàn xã hội? Và Làm thế nào để nó phục vụ lợi ích của số đông?
Để thay đổi được hành vi trên bình diện xã hội, token economy phải khuyến khích được 3 loại hoạt động: Thực hiện hành vi, chia sẻ thông tin về hành vi và phản ứng với thông tin. Đây là chuỗi hoạt động kiểu con gà – quả trứng. Mỗi loại hoạt động trong nhóm này lại là tác nhân thúc đẩy hoặc ức chế (nếu kém) 2 loại hoạt động kia. Để tăng trưởng người dùng, một hệ thống token economy cần có cơ chế khuyến khích phù hợp và cân bằng để thúc đẩy cả ba loại hoạt động một cách tương ứng. Ngoài việc dựa trên các chuẩn mực xã hội truyền thống, hệ thống token economy cần phải khuyến khích được các cuộc tranh luận về các giá trị mới và cổ vũ những người tạo xu hướng… Do vậy, một bộ tiêu chí chấm điểm token phải vừa bám sát các giá trị xã hội căn bản nhưng cũng phải luôn cởi mở tạo cơ hội cho các giá trị mới nảy mầm. Bên cạnh đó, mức độ hấp dẫn của token economy còn phụ thuộc vào giá trị của phần thưởng token. Không gì thuận tiện bằng việc gắn hệ token economy với các kênh truyền thông trực tuyến. Mỗi token sẽ được đổi thành lợi ích truyền thông, vốn gần như không giới hạn và ngược lại chính nhờ khả năng mở rộng của token economy mà ảnh hưởng của mạng lưới truyền thông trực tuyến lại phát triển (Đây có lẽ mới là con bài tẩy của mạng xã hội mới ra mắt). Ở góc độ khác, khi triển khai rộng rãi token economy chắc chắn sẽ có nhiều tranh cãi về cơ chế tính điểm token. Nếu một hệ thống token economy tập trung không sớm công khai cách tính điểm token sẽ sớm bị ngập trong những phản đối và sự bất mãn. Những phản ứng này lâu dần sẽ có thể huỷ hoại hệ thống. Ở khía cạnh này, public blockchain với mã nguồn công khai là nền tảng tuyệt vời để giảm thiểu những tranh cãi về lợi ích token. Còn nhiều kỹ thuật và thủ thuật khác nữa mà các chuyên gia thiết kế có thể áp dụng để giúp hệ thống token economy phát triển lan toả ra toàn xã hội. Nhưng lan toả đó có thực sự bền vững hay không lại phụ thuộc vào khả năng đem lại lợi ích cho số đông của một hệ thống token economy.
Nhưng… số đông là số đông nào? Vì có tới 3 số đông, hay thường gọi là nhóm lợi ích chính chi phối một xã hội mà trong nhiều trường hợp lợi ích trái ngược nhau. Nhóm cầm quyền thực ra không đông lắm nhưng họ lại có quyền áp đặt luật lệ. Nhóm nhiều tiền cũng chỉ không quá 5% nhưng họ lại mua được nhiều thứ ảnh hưởng đến hệ thống. Nhóm bình dân đông nhất, không mạnh, không nhiều tiền, nhưng lại là nhóm “khách hàng” chính. Để token economy thoả mãn tuyệt đối cả ba nhóm là điều không thể. Tuỳ từng thời điểm, token economy sẽ phải cân bằng lợi ích của các nhóm để tồn tại và phát triển. Bài toán này thực ra rất đau đầu. Đến cả các ông lớn như Google, Facbook cũng chưa có cách giải tối ưu. Tuy nhiên, public blockchain có thể là lời giải hay. Nếu một hệ thống token economy dựa trên public blockchain để tạo ra cơ chế thưởng phạt token công khai, minh bạch và không thể bị thao túng bởi bất cứ bên nào sẽ có nhiều cơ hội là lựa chọn của các bên. Trong quá trình nghiên cứu token economy, tác giả đã thử phác hoạ mô hình xã hội token economy lý tưởng có tên gọi là Utopium như sau.
Utopium là xã hội ứng dụng hệ thống giám sát, chấm điểm công dân và hợp đồng thông minh, hệ thống xử lý dữ liệu ứng dụng AI và blockchain như sau:
- Bất cứ ai cũng có thể quyết định có tham gia hay không vào bất cứ lúc nào. Thời gian tham gia của công dân sẽ là một yếu tố tính điểm để phân chia thu nhập. Mỗi người có 1 thời gian không tham gia mà không bị trừ điểm, ngoài thời gian đó sẽ bị trừ điểm. Có các khu vực không giám sát kiểu khu nghỉ dưỡng có tính phí dành riêng cho các công dân không tham gia.
- Hệ tiêu chí chấm điểm token sẽ được đánh giá và sửa đổi khi có đủ lượng công dân yêu cầu.
- Mỗi công dân có thể chọn các hình thức ghi nhận hoạt động khác nhau bao gồm: Ghi âm, ghi hình, ghi lại nội dung bởi các bên thứ ba…
- Mọi công dân được quyền tham gia thảo luận và đánh giá các vấn đề xã hội. Những người được số đông đánh giá cao sẽ được gắn thứ hạng chuyên gia trong mỗi lĩnh vực của đời sống. Thứ hạng chuyên gia của người đánh giá sẽ quyết định trọng số của đánh giá của người đó ở các vấn đề liên quan. Việc phân loại, gắn thứ hạng và xác định chủ đề liên quan sẽ được thực hiện bởi phần mềm ML hoặc AI với các thuật toán công khai.
- Luật pháp và quy định được đưa ra bàn luận công khai và bắt buộc các công dân có quyền lợi liên quan phải tham gia đánh giá. Các điều luật được số đông (có tính trọng số) đánh giá tốt sẽ được đưa vào áp dụng. Các điều luật không đủ phiếu nhưng cần thiết sẽ được áp dụng với điều kiện có sự xem xét của các chuyên gia trong từng trường hợp.
- Dịch vụ công sẽ được thực hiện online và được chấm điểm bởi các bên sử dụng dịch vụ (có tính trọng số) và những người cung cấp dịch vụ được nhận thu nhập theo kết quả công việc.
- Hệ thống phân tích thống kê, học máy và AI sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng công dân dựa trên đóng góp được ghi nhận của họ vào sự phát triển của xã hội. Cơ chế khuyến khích tiến bộ sẽ được áp dụng để thúc đẩy mỗi công dân cải thiện bản thân tốt hơn qua thời gian.
- Một số hoạt động cần xác thực sẽ được cung cấp bởi các bên chuyên làm dịch vụ xác thực có cam kết trước pháp luật. Các bên này có tài khoản riêng có thể đưa dữ liệu trực tiếp vào các hợp đồng thông minh.
- Chính phủ sẽ cung cấp các dịch vụ giám sát và bảo mật cao hơn cho công dân. Những hoạt động cần sự giám sát hoặc bảo mật cao hơn sẽ được đăng ký vào các hệ thống này….
- Mỗi năm chính phủ sẽ dành ngân sách để chia tiền cho công dân dựa trên số điểm họ thu được dưới dạng tiền mật mã (Cryptocurrency) thông qua hợp đồng thông minh được công khai mã nguồn.
Mặc dù cho đến nay, cả hai dự án Karma và chấm điểm công dân ở Quý Châu đều chưa thành công nhưng không thể phủ nhận tiềm năng của token economy đối với quá trình phát triển một xã hội văn minh sau này. Với token economy và các công nghệ hiện đại, liệu con người có thể thiết kế được một mô hình xã hội tốt hơn, khuyến khích con người hướng thiện, giảm bớt những thói hư tật xấu và những lãng phí đi kèm được không? Liệu có khi nào Utopium trở thành tôn giáo mới không?
Những câu hỏi này cùng với các bổ sung về xã hội Utopium này xin được để ngỏ đón nhận những ý kiến thảo luận từ độc giả.
Đặng Việt Hùng (dịch giả)
Founder & CEO của Five Fishes Holding
Là người yêu công nghệ và doanh nhân khởi nghiệp. Luôn tìm cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đã có nhiều sáng chế về y tế và công nghệ trong đó có 1 giải pháp hữu ích đã được cấp bằng. Anh Hùng cũng được biết đến là người sẵn sàng đầu tư đưa các ý tưởng mới vào cuộc sống và đang tiếp tục học hỏi để làm việc này hiệu quả hơn.