Đã đến lúc vứt mẹ trường học đi!

. Happiest days of their lives. Credit: Maurice Ambler/Picture Post/Hulton Archive/Getty

Bài viết này thể hiện quan điểm của một nhà báo Anh về nền giáo dục phổ thông của Anh, niềm mơ ước của nhiều phụ huynh Việt Nam, đăng trên unherd.com (một website lập ra để cân bằng với các phương tiện thông tin đại chúng bị cho là đã trở nên một chiều). Tác giả viết khi có thời gian thực sự cảm nhận nền giáo dục của con mình trong đại dịch.

Bạn có thể không đồng ý với những quan điểm đó, nhưng theo tôi, dành thời gian để ngẫm nghĩ về cảm xúc của con cái mình tốt hơn là xả xtress lên mạng xã hội. Tôi thì đặc biệt thích ý tưởng cho học sinh đi làm sớm! Cha ông chúng ta trưởng thành từ 13 tuổi. Còn bây giờ 22 tuổi mới vào đời!

Nhiều thế kỷ qua, nước Anh nổi tiếng về việc đối xử dã man với trẻ em. Cả dân tộc yêu thích mù quáng sử dụng roi và gậy để đánh trẻ em và bọn tội phạm. Đầu thế kỷ 20, trong khi một số nước châu Âu lập ra những trại tập trung, thì người Anh tiếp tục nện những cậu học sinh van xin khóc lóc.

Những người Pháp quan sát kinh ngạc gọi đó là “tật xấu kiểu Anh – Le vice anglais” và so sánh nó với bệnh khổ dâm. Đó là hậu quả kinh hoàng của việc giới tinh hoa Anh được lớn lên trong các trường nội trú đầy bạo lực. Nhà sử học Clive Emsley cho rằng, ở tất cả các trường, việc đánh đập “được coi là một phương pháp đã được kiểm chứng để khép những cậu bé, đôi khi là cả các cô bé, ngỗ ngược vào kỷ luật và văn minh.”

Cuối cùng, mãi đến năm 1987, Anh mới dỡ bỏ luật cho phép các thầy giáo được nện học sinh. Thời của “le vice anglais” đã qua, cũng như bẫy gấu, đế chế Anh hay quyền lực tuyệt đối của triều đình. Nhưng liệu các trường học ở Anh có bớt bạo lực?

Một câu hỏi có vẻ buồn cười. Nhưng rồi Covid xảy ra, trường học bị đóng cửa, ta có thời gian ngẫm nghĩ, trường học sinh ra để làm gì và thực sự là trường đang làm gì với những học sinh mà nó chịu trách nhiệm?

Đại dịch đã hé lộ rằng, mục đích đầu tiên của trường học không phải là giáo dục trẻ em, mà là trông chúng khi bố mẹ đi làm. Thị trường lao động và trường học là những điều liên quan chặt chẽ với nhau. Khi trường học đóng cửa, kinh tế bị ảnh hưởng. Việc trẻ có muốn đến trường hay không, không quan trọng bằng việc bố mẹ chúng cần phải đi làm. Đó là lý do mà chính phủ Anh băn khoăn và đóng cửa trường muộn hơn hết tất cả các nước châu Âu.

Nhưng tại sao trẻ lại không muốn đến trường, khi “le vice anglais”, tắm nước lạnh và rác rưởi đã không còn nữa? Thật buồn là quấy rối, trả thù bằng ảnh nóng, bắt nạt vẫn là chuyện “thường ngày ở huyện” trong các trường học Anh. Đặc biệt quấy rối tình dục càng ngày càng tệ. Các quỹ từ thiện, các viện nghiên cứu và báo chí khẳng định lời giải là phải giáo dục thêm giới tính, phải thêm trường. Trong khi chính các trường học là nơi tạo ra vấn đề. Có lẽ ngoài nhà tù, là nơi chúng ta hết sức tránh, trường học là nơi con người phải chịu đựng nhiều bạo lực và đàn áp về thể chất nhất.

Nhưng còn có những thứ đáng sợ hơn bạo lực. Đó là sự buồn tẻ. Nếu bạn chưa từng làm ở trường, thì bạn có thể kết hợp tính cách của quan tòa, nhân viên bảo hiểm xã hội, và cai ngục, và bạn sẽ hiểu được rằng học sinh sẽ chán nản muốn chết. Nhiều đứa không chịu được đã lăn ra ngủ ngay trên bàn. Nếu giáo viên giỏi và sáng tạo, có thể chúng sẽ chú ý. Nhưng đối với đa số học sinh, bản thân việc chúng bị buộc phải đến trường là chán ngán, chứ chưa hẳn là các hoạt động hay thầy giáo.

Chúng bị bắt buộc phải làm những bài tập buồn tẻ, xem những video chán phèo và nghe những thầy giáo nhạt nhẽo. Hàng tấn những tài liệu không liên quan được quẳng lên đầu chúng, cho những mục đích tù mù. Khi chúng đã biết đọc, làm toán đơn giản, và đứng xếp hàng mà không đánh nhau, không hiểu chúng còn cần những thứ như chu kỳ biến hóa của nước hay đọc bản đồ làm gì? Chúng có thể tra google chu kỳ nước và dùng điện thoại có GPS để tìm bản đồ. Trẻ em thành thạo công nghệ, đến mức thầy cô và bố mẹ không thể hiểu nổi. Hệ thống giáo dục và một số hệ thống khác, đã bị công nghệ qua mặt trong thập niên gần đây và trở nên lạc hậu.

Và kết quả là học sinh càng ngày càng chán ngán với trường phổ thông đang đè nén chúng. Năm 2016, một phần ba học sinh lớp Chín nói rằng chúng cảm thấy buồn chán ở trường. Các chuyên gia biết điều đó từ lâu, nhưng bảo rằng đó là do hocmon, từ chối thừa nhận là bài giảng không liên quan đến mối quan tâm và không phù hợp với năng lực của học sinh.

Chẳn hạn nếu tôi bị nhốt vào trong phòng và phải xem một người mà tôi không thích, chẳng hạn Paul Mason (một bình luận viên của BBC) lảm nhảm về một thứ mà tôi chán ngán như cuộc đời và tư tưởng của Rosa Luxemburg, sẽ không ngạc nhiên lắm nếu tôi không sôi máu. Nhất là thêm vào đó tôi phải xin phép Paul để được đi đái, và thằng đằng sau thi thoảng lại chí thước kẻ đã mài nhọn lên lưng, thì tôi thực sự sẽ phát điên.

Đó chính xác mà hàng triệu đứa trẻ đang phải chịu đựng ở trường. Một cách có hệ thống, hợp pháp, được nhà nước trả tiền, và bị các giáo viên với tư tưởng chính trị nhảm nhí như Paul giám sát. Và bọn chúng phải chịu trong 4 năm nữa mới thoát ra được. Các trường học Anh đã từng đánh đập vật lý cơ thể học sinh, giờ chúng tra tấn tâm hồn và tuyên bố đó là tiến bộ.

Nhà văn Scott Alexander đã gọi đó “nhà tù trẻ em”. Ông viết, trường học “buộc học sinh nhốt mình trong một môi trường không thân thiện, không được cử động, thường xuyên buồn ngủ, bị sức ép là bố mẹ sẽ bị trừng phạt nếu chúng phản đối.” Gần đây, nhà phê bình Lorna Finlayson đã viết: “mục đích thực sự của trường học là áp đặt thói quen vâng lời cấp trên.” Bà đã bỏ học ở tuổi 13 và không bao giờ quay lại.

Tôi không chắc chắn là Finlayson và Alexander đúng, nhưng tôi đồng cảm. Suốt thời gian ở trường, tôi mơ màng, hoặc cãi nhau với thầy giáo, hoặc đi học muộn, hoặc đi bộ khi phải chạy, vẽ nguệch ngoạc lên vở bài tập và nhìn đồng hồ.

Nhưng tôi chịu được. Tôi không bị bắt nạt và tôi xin được bố mẹ yêu quí của tôi cho nghỉ ốm nhiều hơn đa số các bạn của tôi. Còn xung quanh là một sự khốn khổ thực sự và không được ai quan tâm. Hoàn toàn vô nghĩa, như bất cứ một sự khốn khổ nào khác. Chúng xảy ra chỉ vì chúng ở đó.

Khi tôi quay lại trường học trước đại dịch. Mọi sự vẫn thế, không có gì thay đổi, ngoài việc Tiktok đang soán ngôi Facebook. Giáo viên can thiệp nhưng không thể ngăn chặn bạo lực. Người lớn đành chấp nhận và gọi đó là sự “trưởng thành.”

Bỏ trường học đi có thể là một ý tưởng xa lạ. Nhưng nhu cầu phải làm cái gì đó để xóa bỏ cách thức suy nghĩ “tao_không_cần_quan_tâm_đến_cảm_xúc_của_mày” là thực sự. Chúng ta sẽ làm gì với những đứa con tự do mà chúng ta đã tạo ra? Có thể cho chúng đi làm chẳng hạn. Ý tưởng trẻ con đi làm bị hình ảnh David Copperfield quệt mồ hôi trong xưởng đóng chai làm méo mó. Nhưng gửi chúng đi làm có lẽ còn đỡ khủng khiếp hơn khóa chúng ở trong lớp học. Các con trai tôi chẳng hạn, sẽ trưởng thành và hiểu đời hơn nếu chúng kiếm được tiền và tự định vị được mình trong cuộc sống. Cũng sẽ có những đứa trẻ muốn học bảng tuần hoàn và đọc Carol Ann Duffy, chúng sẽ ở lại trường và hưởng lợi vì lớp học sẽ nhỏ hơn rất nhiều.

Các nhà bảo thủ chắc chắn sẽ phản đối. Cái gì. Bỏ trường đi à. Thế làm gì tiếp? Hay bỏ cả nhà tù đi? Bỏ luôn cả hoàng gia? Như Emsley đã phản ánh, sâu thẳm dưới thói quen đánh trẻ em trong trường, là giả thiết cho rằng cách làm của chúng ta là tốt nhất, là đặc biệt, và sự trừng phạt là “một phần của sự sắp xếp hợp lý của hiến pháp Anh.”  Đó là một sự biện luận ngu dốt. Và các trường học đang làm như thế. Lấy ví dụ, tại sao lại phải học từ sáng sớm khi những đứa trẻ chưa thích nghi với nhịp sinh học như người lớn? Vì chúng ta làm thế. Đừng hỏi.

Tôi đã nghĩ, có lẽ giao phó việc chăm trẻ cho các thầy giáo tầm thường còn cực đoan hơn là bỏ béng trường học đi. Có thể là một mẩu luật ngớ ngẩn nhất của đất nước này, ngoại trừ việc cấm xe máy điện, là điều khoản của Luật giáo dục năm 1996, đòi hỏi các thống đốc và hội đồng phải cấm tuyên truyền “các quan điểm chính trị mang tính đảng phái.” Nếu bạn tin điều đó, cái gì bạn cũng sẽ tin.

11 tháng qua, phụ huynh có dịp nhìn rõ nền giáo dục của con cái hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên, phụ huynh và học sinh có thể ở cùng một vị thế, cùng được nghe các bài giảng “từ thời trung cổ” với nội dung nhàm chán do những người không thể làm được nghề gì khác thực hiện. Họ đã nhìn thấy giáo dục lạc hậu và vô nghĩa thế nào, và chứng kiến những tác động khó chịu lên con cái họ.

Theo truyền thống, người ta sẽ giải quyết vấn đề bằng cách ném tiền vào và hy vọng vấn đề sẽ tự mất đi. Tháng trước, chính quyền đã công bố gói 300 triệu bảng để bọn trẻ học hè bổ sung. Nhưng cần phải làm khác đi. Hãy đưa tiền cho bố mẹ để họ tự chăm sóc con mình, chứ không phải cho các thầy giáo cho rằng Greta Thunberg là “hình mẫu” tốt hơn cho lớp trẻ so với Đô đốc Nelson. Hãy giải phóng học sinh. Để cho hàng triệu trẻ vị thành niên đi làm, bù vào chỗ những người làm việc nước ngoài bỏ lại. Hãy để hàng triệu các nhóm “học_ ở_nhà” bùng nổ. Hãy nhìn thẳng vào sự thật là bắt trẻ đến trường là một sự trừng phạt vô hình và vứt nó vào sọt rác cùng với le vice anglais.

NTN dịch từ: https://unherd.com/2021/02/why-we-should-abolish-schools/

Bạn nào thạo tiếng Anh nên đọc phần comment để có thêm nhiều góc nhìn thú vị! Ví dụ một phụ huynh đề nghị dạy thiền trong trườngJ

Comments

Stuart Bennett

 1 year ago

I agree that state schooling looks a mess. There is far too much taxpayers money spent on higher education now at the obvious cost to investment in schooling up to the age of 16, which is the the most important educational period for society writ large. The claim that more is being spent on education than ever is a lie because the government lump university and state school spending together as if no one knows what’s really happening. The answer is not abolishing schooling, leaving educational investment to parents will only increase the class divide, partly due to time and money and partly because parents who don’t value education as they ought won’t invest in it on their own children’s behalf, to the detriment of their children and the rest of us. Proper investment and a focus on essential subjects with properly trained and well remunerated teachers is the key. Maths, English, Sciences, History (not Woke history, actual history), Art, Music. Also life management skills like personal finances, sex and relationships, open discussion on current affairs in secondary school etc. I’d also like to see techniques like mindfulness being introduced into schools and demystified/destigmatised for young people as it’s value for emotional health is clear and well documented.

A small anecdote: I’m a plumber and was recently doing a small repair job in a local primary school here In Gloucestershire and witnessed a teacher attempting to drum the history of the Atlantic slave trade into a silently bemused class of 7-8 year olds. It was a strange scene. It was followed by a clumsy and scattergun half an hour of relationship education and I was left with the question of whether any of it was the best use of time for children of that age group.

Nguyễn Thành Nam (dịch giả)

Founder FUNiX là một trong 13 công thần sáng lập ra Tập đoàn FPT. Với chiến công lớn trong việc khai phá và phát triển xuất khẩu phần mềm cho Tập đoàn, anh Nam từng giữ chức CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của FPT Software, kế đến là CEO FPT.

Nhắc đến “Nam già”, người ta nghĩ ngay tới vị thủ lĩnh phong trào của FPT, đồng thời là nhân vật biểu trưng cho văn hóa STCo FPT. Suy nghĩ khác người, nhiều mơ mộng, dí dỏm một cách thông thái và đặc biệt rất sáng tạo, anh Nam là dị nhân hàng đầu ở FPT. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm và quản lý, hiện anh Nam vẫn được tín nhiệm ở vai trò Cố vấn sáng tạo FPT.

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *