Tàu đổ bộ của Israel rơi, vãi hết “gấu nước– tardigrades” ra mặt trăng

https://www.wired.com/story/a-crashed-israeli-lunar-lander-spilled-tardigrades-on-the-moon/

Tardigrades – còn gọi là gấu nước là thú vật nhỏ tí, có thể tồn tại được rất lâu trong điều kiện khắc nghiệt, đã có mặt trên mặt trăng.

Gần nửa đêm ngày 11/4, tất cả mọi người chăm chú hướng lên 2 màn hình to tướng của Trung tâm điều hành bay ở Yehud Israel. Bên trái là luồng dữ liệu từ tàu đổ bộ Beresheet, sắp sửa trở thành con tàu tư nhân đầu tiên hạ cánh lên mặt trăng. Bên phải là màn hình mô phỏng quá trình Beresheet khởi động động cơ để hạ cánh lên Biển Bình An (Sea of Serenity). Bỗng, chỉ vài giây trước giờ quy định hạ cánh, dòng dữ liệu bên màn hình trái bị đứt đoạn. Trung tâm mất liên lạc và tàu đổ bộ đã bị rơi xuống mặt trăng ngay sau đó.

Cách đó nửa vòng trái đất, tại một phòng hội nghị ở Los Angeles, Nova Spivack cũng chăm chú theo dõi số phận Beresheet. Spivak là người sáng lập của Quỹ Arch Mission (AMF) với mục tiêu thánh thiện là tạo nên “Bản sao của Trái đất”, được gọi là Thư viện (Library) và cất giữ khắp nơi trong hệ mặt trời. Beresheet mang theo Thư viện mặt trăng đầu tiên của Quỹ, một thiết bị nhỏ cỡ đĩa DVD chứa 30 triệu trang thông tin, mẫu DNA của người và hàng ngàn con “gấu nước” tí hon có khả năng sống sót trong mọi môi trường kể cả vũ trụ.

Khi người Israel xác nhận con tàu đã bị phá hủy, Spivak hoảng hốt: “không phải là mình bôi bẩn mặt trăng bằng loại thú vật cứng đầu nhất?” Trong những tuần sau đó, ông triệu tập hội đồng cố vấn nhằm xác định xem liệu Thư viện mặt trăng có bị phá hủy không? Cuối cùng, dựa trên phân tích quỹ đạo của con tàu, cùng với cấu trúc của thư viện, Spivak tuyên bố tin tưởng là thư viện gần như hoặc hoàn toàn còn nguyên vẹn. Mà có lẽ việc cho thêm mẫu DNA người và “gấu nước” vào là yếu tố quyết định giữ thư viện toàn vẹn.

Spivak không phải là nhân vật mới lạ trong ngành thám hiểm vũ trụ. Từ cuối những năm 1990, ông này đã dùng tiền từ việc bán công ty web của mình để bay lên cận vũ trụ bằng máy bay của không quân Nga. Rồi lại đầu tư mạo hiểm vào Công ty Zero Gravity bán vé đưa người lên trạng thái không trọng lượng. Nhưng Mission Arch tham vọng hơn nhiều. Ông đặt mục tiêu tạo ra các bản sao về tri thức của con người, có thể tồn tại được hàng triệu hoặc tỷ năm, rồi đem cất giấu chúng khắp nơi trên Trái đất và Hệ Mặt trời.

AMF gửi bản sao đầu tiên vào vũ trụ năm 2018 trong hộp găng tay trên chiếc Tesla màu mận chín của Elon Musk, giờ này đang vi vu trên quỹ đạo 30 triệu năm quanh Mặt trời. Nó chứa bộ 3 tập truyện viễn tưởng của Isaak Asimov, được ghi lên đĩa quartz, dùng công nghệ quang 5D do các nhà vật lý tại Đại học Southampton phát minh. Nhưng công nghệ lưu trữ này có những hạn chế. Công nghệ số và mã hóa có thể nén rất nhiều thông tin trong một dung lượng rất nhỏ, nhưng chúng lạc hậu rất nhanh. Chẳng hạn ngay bây giờ, mấy người trong chúng ta còn biết sử dụng bằng VHS, công nghệ của mới chỉ 30 năm trước. Nếu chúng ta muốn tạo ra thư viện mà hàng triệu năm sau vẫn đọc được, tốt nhất là dùng công nghệ tương tự (analog).

Nhưng analog thì mất rất nhiều chỗ. Spivak đã mời Bruce Ha, một nhà khoa học sở hữu một kỹ thuật có thể khắc những hình ảnh chất lượng cao với qui mô nano lên nickel (Ni – một kim loại). Ha dùng laser để khắc ảnh lên kính, rồi dán từng nguyên tử nickel lên trên. Ảnh trên film nickel trông như 3 chiều và có thể xem qua kính hiển vi với độ phóng đại 1000 lần.

Thư viện mặt trăng trên Beresheet chứa 25 lớp nickel (mỗi lớp chỉ dày vài micron – phần triệu mét). 4 lớp đầu tiên chứa 60,000 ảnh các trang sách, gồm các gợi ý về ngôn ngữ và mã để giải 21 lớp sau). Các lớp sau chứa toàn bộ nội dung Wikipedia, hàng ngàn cuốn sách kinh điển và cả bí kíp ảo thuật của David Copperfield.

Hàng ngàn trang sách được lưu vào chỉ vài inch vuông

Bản sao của lớp thứ nhất trên Thư viện mặt trăng. Bản gốc không có hình ở giữa.

Ban đầu Spivak định đưa DNA người lên mặt trăng vào các lần sau. Nhưng ông đã thay đổi quyết định mấy tuần trước khi chuyển thư viện cho phía Israel. Đội của Hà quyết định đưa vào giữa các lớp một loại nhựa epoxy để bảo quản các DNA, giống như nhựa của các cây hóa thạch lưu giữ các côn trùng cổ. Họ cho vào trong nhựa chân tóc và mẫu máu của Spivak và 24 người nữa cho đa dạng, một số mẫu từ các thánh địa như tế bào từ cây Bồ đề nơi Đức Phật giác ngộ. Vài ngàn con “gấu nước” bị ép khô thì được quấn chặt trong băng keo quanh thư viện.

Cái hay của lũ gấu nước này là chúng có thể hồi sinh trong tương lai. Khi vào trạng thái ngủ, chúng dừng tất cả các quá trình trao đổi chất. Nước trong tế bào được một protein xúc tác biến thành như kính. Các nhà khoa học đã thử nghiệm hồi sinh chúng sau 10 năm, nhưng trên thực tế chắc còn được lâu hơn thế. Càng hiểu rõ về chúng, giai đoạn ngủ có thể hồi sinh càng lâu.

Spivak cho rằng chính việc thêm các lớp nhựa giữa các lớp nikel đã cứu được thư viện khỏi bị phá hủy hoàn toàn. Nhựa giữ cho đĩa không bị đập vỡ. Nhiệt độ của vụ va chạm cũng không đủ cao để nung chảy được Nikel, còn được bảo vệ trong nhiều lớp chống phóng xạ. “Không khéo thư viện của chúng tôi là thứ duy nhất còn sót lại sau vụ tai nạn.”

Spivak cho rằng, trong trường hợp tốt nhất, thư viện bị văng ra và nằm toàn vẹn đâu đó cạnh chỗ rơi. Nhưng nếu cả trong trường hợp thư viện bị vỡ ra thành nhiều mảnh, vẫn có thể dựa vào những mảnh vỡ để phục hồi được đa số thông tin trong 4 lớp đầu tiên. Còn lũ gấu nước bị ép khô, nếu có người bắt gặp thì cũng phải mang về Trái đất mới hồi sinh được.

May cho Spivak và AMF là việc vung vãi DNA và gấu nước trên mặt trăng là hoàn toàn hợp pháp. Văn phòng Bảo vệ Hành tinh giả thiết là các phi vụ đều nhằm mục đích tìm hiểu về sự sống. Bởi thế các quy định về Sao Hỏa chặt chẽ hơn Mặt Trăng vốn được cho là khó có sự sống nên không sợ bị ô nhiễm. Spivak cũng không phải là người đầu tiên để DNA lại mặt trăng. Các nhà du hành vũ trụ từ chương trình Apollo đã vứt lại gần 100 túi phân trước khi quay về Trái đất.

Spivak có thể yên tâm mang nhiều DNA trong các thư viện tương lai. Mùa thu này, AMF dự kiến sẽ tiến hành một chiến dịch quyên góp mẫu DNA từ các nhà tình nguyện cũng như DNA của các loài đang bị đe dọa diệt chủng. Spivak cũng lên kế hoạch tạo các DNA tổng hợp để chứa thông tin. Chúng có thể tự nhân ra để lưu trữ và có thể chứa hàng terabyte dữ liệu vào 1 lọ chất lỏng. Trên thực tế AMF đang chuẩn bị đưa bản Wiki tiếng Anh lên DNA tổng hợp để gửi theo tàu Astrobotic đang tranh giải Luna X của Google, dự kiến sẽ phóng năm 2021.

Spivak tuyên bố: chúng ta phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất. Phải backup cả Hành tinh này, để có thể bảo vệ gia tài của chúng ta, cả về tri thức và sinh học.

Giấc mơ lưu trữ cả hành tinh có vẻ như không chỉ là sự lãng mạn viển vông của các người khổng lồ ở Silicon Valley nữa. Nhất là trong thế giới đang rối loạn vì biến đổi khí hậu, chuẩn bị chiến tranh hạt nhân, hay sắp bị một tiểu hành tinh đâm vào.

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *