“Tai trâu”* và nghệ thuật AI

Tặng cô em họa sĩ nhân tranh luận đầu năm về AI và nghệ thuật

Thiên tài có thể xuất hiện ở những nơi ngớ ngẩn nhất, by JUSTIN E. H. SMITH

Có lẽ một trong những khoảnh khắc sáng tạo nhất của ban nhạc Kraftwerks, là trong bài “Pocket Calculator – Máy tính bỏ túi” năm 1981, khi ca sĩ vui vẻ hát: “Bạn nhấn nút này đi/Sẽ có một giai điệu nhỏ”. Khán giả nhấn nút và máy tính phát ra một giai điệu thật. Thiên tài đây có lẽ nằm ở sự thành thật ngớ ngẩn của ca sĩ, nếu tính đến bối cảnh lúc đó, máy móc đang tiến vào âm nhạc như một nghệ thuật. Kraftwerks không sáng tạo ra công nghệ, cũng không phải người đầu tiên sử dụng nó, nhưng là những người đầu tiên tìm cách đẩy nhạc – máy lên hàng tự nhận thức, và nén nó thành khoảnh khắc trớ trêu nhưng vĩnh cửu, tóm lại là tạo ra nghệ thuật từ nó.

 “Giai điệu nhỏ” được nhắc đến ở đây, đương nhiên là được ghi trước. Nó chỉ là một tập hợp các nốt nhạc đã được lập trình, sẽ vang lên khi có người ấn nút. Tất nhiên không phải là fugue của Bach. Nó đơn giản, hơi ngớ ngẩn, nhưng đặc biệt rất hợp và lọt tai trong bối cảnh bài hát. (Bạn có thể nghe nó ở đây, vào phút thư 1:50, by NTN)

Cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố: công nghệ, văn hóa, lịch sử, để mẩu nhạc nhỏ đó với một lời giới thiệu thô thiển, chạm đến tai người nghe khó tính như một biểu hiện của thiên tài. Những điều kiện đó, là câu trả lời khi một “tai trâu” nào đó cũng tìm cách nhấn nút và tuyên bố: “tôi cũng có thể làm được như vậy.” Chúng ta quen nghe những lời nhận xét ghen tức kiểu thế, nhất là trong bối cảnh xu hướng nghệ thuật đương đại của thế kỷ 20: “tôi cũng có thể vẽ bức tranh trắng toát đơn thuần”, hay “tôi cũng có thể để bệ xí trong triển lãm.” Đương nhiên, bạn có thể. Nhưng bạn đã không làm.

Khó có thể giải thích thế nào là nghệ thuật một cách đơn giản cho những “tai trâu”. Nhưng chúng ta, những người nhạy cảm với logic và động lực của sáng tạo nghệ thuật, trong thời đại của nghệ thuật do AI tạo ra, bị “thả bom” bởi những lời quảng cáo: chỉ cần nói vài câu là máy tính sẽ cho bạn một bức tranh, kiểu DALL-E2. (phần mềm của hãng OpenAI – NTN), cần phải có gì đó mới để đối mặt với làn sóng mới những khẳng định của giới “tai trâu”: cái này tôi cũng làm được. 

Trong khi trình độ kỹ thuật khá dễ nhận biết, chúng ta cần các nhà phê bình để phân biệt giữa “thiên tài” và “ngu ngốc”. Nếu Jimi Hendrix đốt cây đàn ghi ta của mình là biểu hiện của thiên tài, thì lũ trẻ đốt đàn trong garage của bố mẹ là ngu ngốc. Khác nhau ở đây là bối cảnh. Vào năm đó 1967, Hendrix là người được kỳ vọng dù chỉ là một chút sẽ thay đổi thế giới, nên nếu chúng ta, những người phàm, hành xử như anh ấy sẽ là ngớ ngẩn.

Những “câu nói cửa miệng” được coi là của một nhân vật hoặc nghệ sĩ nào đó, đôi khi khá tầm thường và cực đoan. Nhưng khi Jimmy Durante hát “Ha-cha-cha-cha” hay Jimmie Walker kêu lên “Dyn-o-mite!”, có thể đó là những khoảnh khắc thiên tài, hoặc về chi ít là cũng tương tự về “chất quái”, theo nghĩa nó xuất phát một cách tự nhiên từ phẩm chất đặc biệt của người đó, gần như không thể dạy được, và chắc chắn không thể chuyển giao. Tôi cũng có thể chạy lăng xăng và hô hoán “dynamite” khi phấn khích điều gì đó, những người nghe nhẹ sẽ thấy bối rối, còn tệ thì cho tôi đang bắt chước như khỉ. Nhưng Walker thì khác, tiếng hét đó như một tia chớp, phá vỡ thế giới tầm thường mà chúng ta chờ đợi. Tôi là một nhà phê bình, và tôi cam đoan với các bạn, đó là thiên tài.

 “hoạt ngôn”, tương tự như “chất quái” cũng có thể coi là một dạng biểu hiện của thiên tài. Winston Churchill ngồi trong một bữa tiệc, thất vọng vì đồ ăn chán phèo, kêu lên “đây rồi, cuối cùng cũng có gì ăn được” khi người phục vụ mang sampanh đến. Tôi cũng có thể kêu lên như thế hàng triệu lần. Nhưng may ra thì có 1-2 lần được người ta cho là lanh trí, còn tuyệt đại đa số sẽ coi là phát biểu ngớ ngẩn không liên quan. Thêm 1 triệu lần nữa, có thể có một cơ hội so sánh được với những gì phát ra từ miệng Churchill. Thiên tài, cũng như những người anh em của nó, là một cái gì đó thay đổi và khó nắm bắt. Nhưng chắc chắn không phải là năng lực kỹ thuật.

“Tai trâu” trích dẫn trường phái vẽ tranh tả thực để tranh luận. Họ cho rằng đó là “một tiến bộ” của nghệ thuật thị giác tính từ thời các danh họa Hà lan. Vì đường các đường nét sắc hơn, các đối tượng hiện lên trên toan trông gần với “đời thật” hơn (mặc dù đời thật, chẳng qua là thế giới tạo ra bởi ánh sáng và cấu trúc vật lý của mắt, thường thì chúng ta chẳng hiểu gì, thậm chí không nghĩ về nó, mà vẫn đương nhiên cho rằng đó thực sự là thế giới khách quan bên ngoài). Còn thực ra, những bức tranh này giống nhất là với các bức ảnh. Và dễ nhất để vẽ các bức tranh “như thật” là tạo ra một cỗ máy để giúp đỡ các họa sĩ, và đó chính là cái máy ảnh.  Nếu David Hockney (một họa sĩ nổi tiếng người Anh, người đưa ra giả thuyết Hockney-Falco – NTN) mà đúng thì các họa sĩ từ thời phục hưng đã dùng các thiết bị quang học (phòng tối, kính phản chiếu, gương lồi…) tương tự như máy ảnh để nắm bắt thế giới trên bức toan. Chúng ta có nghệ thuật nhờ máy móc giúp đỡ từ lâu, nhưng “sức máy” chưa đủ để tạo ra các tác phẩm có tính thẩm mỹ lâu dài.

Liệu điều đó sẽ thay đổi. Giờ đã là năm 2022, và Twitter đang quảng bá một điều kỳ diệu. Nhấp chuột vào link, bạn sẽ được đề nghị up lên một bức ảnh, và sau đó AI sẽ “phân tích ngược” và nói cho bạn biết máy tính đang nhìn thấy gì. Tôi thử, và máy báo với tôi: “đây là một người đàn ông tóc vàng, mặc sơ mi đen, kiểu chân dung đặc trưng ảnh hưởng bởi Eric Peterson, một KOL nổi tiếng trên reddit, loại người ưa chính xác, đang nhìn chằm chằm kiểu người dơi, có thể được chụp đầu năm 2020.  Giống Chritopher Walken, Thom Wasselman không đeo kính và John Water có khuôn mặt như đồ họa.” (tên các nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ).

Tôi thấy không ấn tượng lắm. Kiểu như máy phải cố gắng tìm ra cái gì đó để nói. Có vẻ như nó đủ thông minh để biết rằng nhiều người sẽ hào hứng khi nghe thấy nó nhắc đến tên, bất cứ kiểu gì, của Christopher Walken. Họ sẽ tưởng tượng và thích thú. Chỉ cần tên ông ta, thêm vài câu vô thưởng vô phạt và miêu tả một chút tướng mạo, thế là cũng kiếm được mấy “shares” rồi. Chỉ là một “mẩu chữ” được tối ưu để có thể lan truyền, một dạng “rác thải” của mạng xã hội, không phải nghệ thuật.

Bây giờ là năm 2030, sau chiến tranh và tôi đang dự Triển lãm nghệ thuật của AI ở Vladivostok. Có một anh chàng nghệ sĩ đang rất hot. Anh ta quan sát bạn, rồi bí mật gõ một dãy từ khóa về ngoại hình, xu hướng đạo đức và thái độ của bạn. Tôi kiên nhẫn xếp hàng, và cuối cùng được chiêm ngưỡng “chính mình”: một bức chân dung méo mó, cau có và hơi thô thiển, nhưng phải thừa nhận là trông rất quen và chân thật. Tôi không biết nghệ sĩ và máy tính đã làm thế nào, nhưng tôi đã bị thuyết phục.

Kraftwerk “phím đặc biệt”, được lập trình sẵn, chỉ có thể làm được một việc. Máy ảnh, nói chung cũng chỉ giới hạn ở việc sao chép lại những gì hiện lên trước ống kính theo một số tham số cơ học, được nhiếp ảnh gia đặt sẵn. Phẩm chất thiên tài của AI mới không phải như vậy. Hai người khác nhau, đưa vào những tham số giống hệt nhau, tại hai thời điểm khác nhau, sẽ tạo ra hai bức chân dung khác nhau. Sự hợp tác người – máy để tạo nên sản phẩm, có thể so sánh với ông thầy bói Thổ nhĩ kỳ, cho con thỏ ngửi để tìm ra mảnh giấy đã được gấp lại có chứa thông tin về tương lai của khách hàng. Ông thầy giỏi sẽ biết cách điều khiển con thỏ của mình để cho ra những kết quả thú vị, mặc dù lựa chọn miếng giấy nào, suy cho cùng phụ thuộc vào hiểu biết của con thỏ về thế giới.

Thường thì người ta không coi bói toán là nghệ thuật, mặc dù thừa nhận nó dựa trên kỹ xảo, và nghệ thuật sử dụng khá nhiều các nguyên tắc ngẫu nhiên, có điểm chung với công việc của người đọc bã chè hoặc bấm đốt ngón tay. Sự sắp xếp của các lá chè mang đến thông tin, ít nhất là làm người ta tin như vậy, chứ không phải cảm nhận nghệ thuật. Nhưng ranh giới ở đây khá mong manh. Và thực tế ta có thể coi cái đẹp là một dạng đặc biệt của thông tin, những hoa văn hay một sự sắp đặt nào đó chắc chắn là nói gì đó với chúng ta mặc dù ta không thể nói chính xác đó là gì.

Nghệ thuật của AI sẽ chắc chắn sẽ đến, và đang chiếm lĩnh một số lãnh vực nỗ lực của con người như nhân vật đóng thế, truyện tiếu lâm hay bói toán và sẽ làm ta thỏa mãn hay thất vọng hệt như những nỗ lực đó. Đặt câu hỏi liệu sản phẩm của AI có thể coi là nghệ thuật không, đơn giản là không có nghĩa. Nghệ thuật là sự khéo léo, thẩm mỹ cộng với một khoảnh khắc của thiên tài hoặc tương tự thế. Những khoảnh khắc đó sẽ tỏa sáng ngay ở những chỗ ngớ ngẩn nhất theo một cách ít ai ngờ nhất. AI cũng chỉ là một chỗ như vậy thôi.

Chúng ta có chấp nhận AI vào xã hội của mình, cho nó chỗ ở triển lãm, tặng giải thưởng cho nó, … hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào ta. Công nghệ tự thân nó, không thể hướng dẫn ta sẽ “phải” làm cái này hay cái kia. Nghệ thuật là những điều chúng ta coi trọng, quan tâm, và cho là đáng làm điểm tựa để vươn tới sự toàn mỹ. Thế nên có một số thứ ở văn hóa này được coi là nghệ thuật, ở nền văn hóa khác thì không. Uống trà là nghệ thuật ở Nhật bản, nhưng nếu tôi pha cho bạn một cốc Lipton, tôi không tiến hành bất cứ một hoạt động nghệ thuật nào.

Ngoài câu hỏi chuẩn mực không có câu trả lời: liệu sản phẩm của AI có thể được coi là nghệ thuật trong một số điều kiện nào đó không? tôi hoàn toàn tự tin dự đoán là chúng ta sẽ có nghệ thuật AI. Trong nghệ thuật này, cũng sẽ thi thoảng có những khoảng khắc thiên tài, trên nền các “rác” văn hóa được sản xuất thừa mứa. Điều đó đã được chứng minh qua lịch sử nhiếp ảnh, phim và truyền hình. Sự thay đổi lớn nhất khi AI đến là loài người từ bỏ việc kiểm soát các tham số đặt sẵn.

Nhưng thế là chưa đủ để đưa chúng ta đến những bến bờ mới, vì điều đó mới chỉ đặt nghệ thuật AI ngang hàng với những hoạt động sáng tạo khác của con người như bói toán, môn mà thưở xưa, ngoài việc sử dụng các quá trình ngẫu nhiên, đôi khi cũng dùng con vật.  Theo một nghĩa nào đó, cũng như động cơ thay cho “sức ngựa”, chúng ta đơn giản chỉ tìm cách đưa công việc từ con vật lên máy. Cả hai đều là những nhân tố đủ giống như chúng ta, ra quyết định có vẻ giống lựa chọn của ta, những cũng đủ không giống chúng ta, để có thể vượt qua chúng ta đưa ra lựa chọn “kỳ quái” làm ta phải thốt lên “Ồ à”. Những “Ồ à” đó có thể coi là trải nghiệm nghệ thuật một cách hoàn toàn nghiêm túc.

Tôi không định tìm kiếm những khoảnh khắc như thế. Tôi dự kiến sẽ vẫn dùng những kỹ thuật cũ, và xu hướng nghệ thuật của tôi sẽ mãi mãi là “lạc hậu”. Nhưng tôi chờ đợi một làn sóng tranh luận mới xung quanh câu hỏi ngớ ngẩn và mất trí về những hoạt động văn hóa dựa trên công nghệ này có thể coi là nghệ thuật hay không. Điều này cũng như hỏi liệu bánh kẹp có thể được coi là bữa sáng? Không có khoảng cách thực sự nào giữa bữa sáng và bữa trưa. Bữa sáng là cái mà chúng ta nói là bữa sáng. Và nếu một cái burger lúc 8 giờ sáng là chưa đủ với bạn, thì nó chỉ là chỉ dấu gì đó cho sự chờ đợi của bạn, chứ không phải về thế giới.

Tương tự như vậy, không có hố sâu ngăn cách giữa một tác phẩm nghệ thuật và “hàng chợ”. Nghệ thuật thường xuất phát ở những nơi coi trọng các giá trị xã hội. Nếu chúng ta cho rằng nghệ thuật AI là một ý tưởng tồi thì chúng ta có thể làm chậm quá trình thăng hoa của nó bằng cách tập trung sự quan tâm, chăm sóc của ta sang những lĩnh vực khác của đời sống con người còn đang chưa bị các “công nghệ thời thượng” chiếm chỗ. Nhưng có vẻ điều đó sẽ không xảy ra.

* Từ trong bản gốc là “philistines” theo kinh thánh là một dân tộc cổ sống từ thế 12 đến thế kỷ 4 trước công nguyên trên vùng đất Israel-Palestin hiện nay, trước khi bị tiêu diệt. Từ này giờ được dùng để chỉ những người không hiểu biết và thù ghét nghệ thuật. Tác giả tạm dịch là “tai trâu”

NTN dịch từ: https://unherd.com/2023/01/the-philistine-war-on-ai-art

Nguyễn Thành Nam (dịch giả)

Founder FUNiX là một trong 13 công thần sáng lập ra Tập đoàn FPT. Với chiến công lớn trong việc khai phá và phát triển xuất khẩu phần mềm cho Tập đoàn, anh Nam từng giữ chức CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của FPT Software, kế đến là CEO FPT.

Nhắc đến “Nam già”, người ta nghĩ ngay tới vị thủ lĩnh phong trào của FPT, đồng thời là nhân vật biểu trưng cho văn hóa STCo FPT. Suy nghĩ khác người, nhiều mơ mộng, dí dỏm một cách thông thái và đặc biệt rất sáng tạo, anh Nam là dị nhân hàng đầu ở FPT. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm và quản lý, hiện anh Nam vẫn được tín nhiệm ở vai trò Cố vấn sáng tạo FPT.

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *