Telegram

Tỷ người dùng. Không quảng cáo. Không thuật toán. Chống lại cường quyền. Nghe như mơ. Hãy cẩn thận.

I

Ngày 6/1/2021, đám đông ủng hộ Trump bắt đầu diễu hành dưới chân tượng đài Washington. Elies Campo đang lười nhác nghỉ ngơi tại ngôi nhà của gia đình anh ở Tortosa, Tây Ban Nha. Mồng 6/1 là ngày Lễ Epiphany, Ngày Ba Vua – một lễ quan trọng của kỳ nghỉ, khi họ hàng viếng thăm nhau, còn trẻ em mở quà. Campo, 38 tuổi, làm việc tại Sillicon Valley, đã không về nhà từ khi Covid bắt đầu. Giờ thì anh đi giữa các cô dì, chú, bác, hai tay bế 2 đứa trẻ lần đầu tiên anh gặp. Nước Mỹ đang ở đâu đó rất xa.

Lúc 8pm, tình hình bỗng nhiên thay đổi, một người bạn Mỹ nhắn Campo vào xem ngay tin tức từ Washington DC. Rồi hàng núi tin về hội đập phá điện Capitol đổ về. Theo dõi diễn biến, Campo nghĩ ngay: điều này sẽ ảnh hưởng gì đến công ty mình?

Campo đang làm việc cho Telegram, một app nhắn tin và mạng xã hội có hàng trăm triệu người dùng toàn cầu. Anh nhận thấy các đối tượng cực hữu đang đặt link trên các mạng xã hội kêu gọi những người ủng hộ, chuyển sang các kênh của Telegram.

Tính nhanh trong đầu, Campo leo lên lầu và tiếp tục cày các mạng xã hội trên laptop và điện thoại của mình. Trong vòng 6h, cả Facebook và Twitter đã khóa tài khoản và các đăng tải của Trump, và Campo thấy càng ngày càng nhiều những người ủng hộ Trump, đang cùng những người hâm mộ chuyển sang Telegram vì sợ bị khóa. Déu meu (Trời ạ), Campo thốt lên bằng tiếng Catalan.

Trong thế giới truyền thông xã hội, Telegram là một dị biệt. Mặc dù thường xuyên nằm trong top 10 nền tảng lớn nhất, họ chỉ có 30 nhân viên, cho đến gần đây không có bất cứ nguồn thu liên tục nào, và gần như không kiểm soát nội dung, trừ các nội dung đồi trụy phạm pháp và kêu gọi bạo lực. Pavel Durov, nhà sáng lập người Nga đã phát biểu: “Telegram là một tư tưởng. Đó là tất cả mọi người trên hành tinh này được quyền có tự do.” Đó là tín điều, cũng là ý tưởng quảng cáo, rằng ai cũng có quyền dùng nền tảng này, không phụ thuộc chính trị hoặc ý thức hệ.

Campo chia sẻ tín điều này, nhưng với tư cách là giám đốc tăng trưởng và quan hệ đối tác, anh cũng gặp khá nhiều rắc rối. Giữa những năm 201x, truyền thông liên tục đưa tin Telegram là “nền tảng lựa chọn” của Hồi giáo cực đoan, và điều Campo lo ngại nhất là ISIS sử dụng app. Anh kể là thường xuyên có cảm giác mình như một phụ huynh lo lắng cằn nhằn mỗi khi nhắn tin cho Durov. Điều anh lo ngại bây giờ là làn sóng những người Mỹ liên quan đến vụ bạo loạn tràn sang, sẽ được báo chí diễn giải như thế nào và ảnh hưởng thế nào đến các đối tác mà anh chịu trách nhiệm.

Và Campo gửi một tin nhắn dài cho Durov: “Chào Pavel, anh có xem cái gì đang xảy ra bên Mỹ không? Tài khoản của Trump đã bị khóa?” Anh lo ngại việc Telegram được giới cực hữu Mỹ ủng hộ, có thể “tiềm năng bùng nổ” hơn câu chuyện may mắn gần đây, hoàn toàn tình cờ, tạo nên làn sóng người dùng mới cho nền tảng.  Cũng trong tuần này, một đối thủ lớn hơn nhiều của T là WhatsApp bỗng dưng cập nhật chính sách riêng tư. Cách hành văn rắm rối làm cho đa số người dùng hiểu rằng họ sẽ phải chia sẻ thông tin nhiều hơn cho Facebook, công ty mẹ đang ngày càng mất uy tín. Trong khi đó chính sách mới thực ra không đòi hỏi người dùng phải chia sẻ nhiều hơn những gì họ đã chia sẻ: tên hồ sơ, số điện thoại và vài “siêu” dữ liệu. Nhưng nhiều triệu người đã phát hoảng, xóa app và rơi thẳng vào vòng tay của Telegram.

Nhưng Durov có vẻ dửng dưng, trả lời lại “Con số không đáng kể so với làn sóng từ WhatsApp, và mới là thông tin một phía từ người Mỹ.” Nếu cần thì anh ta sẽ thông báo gì đó trên kênh riêng của mình ở Telegram.  Vẫn không yên tâm, Campo thức đến tận sáng, dõi theo màn hình của mình.

Quả thật, mấy ngày sau, Campo bắt đầu nhận được các câu hỏi từ phóng viên về việc cánh cực hữu Mỹ di cư ồ ạt sang Tele. Anh chuyển lại thông tin cho Durov và khuyên anh này nên nói chuyện với báo giới. Ngày 8/1, Durov phát biểu trên kênh công khai, nhưng chỉ ca tụng sự tăng trưởng của Tele, tiện thể nói kháy Facebook có hẳn 1 đội chuyên nghiên cứu “Tại sao Telegram lại phổ biến như vậy.” Durov thông báo Tele đã có nửa tỷ người dùng, và trong 72 giờ gần nhất đã có thêm 25 triệu tài khoản mới. “Chúng tôi đã từng có những tăng trưởng nóng trước đó, nhưng lần này quả thật đặc biệt. Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một đợt di cư số lớn nhất trong lịch sử loài người.”

Tiếp theo, Durov công bố thống kê: 38% người dùng mới từ châu Á, 27% châu Âu, 21% Mỹ la tin và 8% từ Trung Đông, không hề nhắc tí nào đến tăng trưởng từ Bắc Mỹ. Mãi đến ngày 18, Durov mới thông báo, đang “theo dõi tình hình Mỹ chặt chẽ” và đã khóa hàng trăm lời kêu gọi bạo lực. Tuy nhiên anh ta cho rằng đó không là vấn đề lớn và chỉ có 2% người dùng là từ Mỹ.

Campo có cảm giác rất tệ khi đọc những thông báo này. Durov chẳng những bỏ qua lời khuyên của anh, không ra một thông báo công khai nào. Ngoài ra, mặc dù là Giám đốc tăng trưởng, một vị trí thường là rất quan trọng trong mạng xã hội, anh lại chỉ có thể cập nhật những thống kê này từ kênh chính thức của Durov, như bất cứ thuê bao nào khác. “Tôi chẳng bao giờ được truy cập số liệu nội bộ.” Điều này trái ngược hẳn với quy trình chuẩn ở chỗ làm việc cũ của Campo: chính là WhatsApp

Quay lại năm 2014, khi Facebook mua lại WhatsApp, Campo đã nộp đơn thôi việc để chống lại những “thuật toán gây nghiện” của FB và “ảnh hưởng của chúng đến nhân loại.” Campo chia sẻ, ở WhatsApp mọi nhân viên đều có quyền truy nhập dữ liệu người dùng ở những thị trường khác nhau. Ở đây, muốn có những số liệu này, Campo phải giải thích cho sếp. Durov “rất, rất, rất hạn chế”. “Mọi việc đều phải qua anh ấy.”

II

Nhiều năm gần đây, thế giới lo ngại về sự thống trị “tàn nhẫn” của Facebook – giờ là Meta: họ liên tục vô hiệu hóa các đối thủ thông qua sát nhập và tiêu diệt; họ đặt chính trị, văn hóa và mọi khía cạnh của cuộc sống riêng tư dưới sự thống trị của các thuật toán, được tối ưu để bán quảng cáo; họ thường xuyên rơi vào các cuộc bê bối để lộ thông tin và giả vờ xin lỗi khi bị phát hiện. Nhưng năm ngoái, Mark và đế chế của anh bắt đầu bộc lộ những rạn nứt. Các nhà lập pháp càng ngày càng đoàn kết xiết chặt kiểm soát, và có những thời điểm, ví dụ như cuộc tháo chạy từ WhatsApp hay sau đó là lỗi hệ thống trong tháng Mười, có vẻ như hiệu ứng mạng dẫn đến sự thống trị của Meta bắt đầu tác động ngược. Và Telegram, với đội ngũ bé xíu, trở thành người hưởng lợi chính từ xu hướng này. 

Nhưng đó là tin tốt cho thế giới hay không, thì còn tùy. Ít người hiểu Telegrams, đặc biệt là ở Mỹ. Đa số các phóng viên vẫn gọi Tele là “ứng dụng nhắn tin mã hóa.” Dù trên thực tế, các chuyên gia bảo mật cho rằng Tele không để mặc định chế độ mã hóa đến tận đầu cuối. Người dùng phải bật chức năng “tán bảo mật” (mà thực tế là ít người làm điều đó); và chỉ những cuộc trao đổi riêng tư, chứ không phải trao đổi chung trong nhóm mới bị mã hóa. Hàng triệu người dùng trong các chế độ độc tài, có thể sẽ phải trả giá về sự thiếu hiểu biết này.

Ngay cả thuật ngữ “ứng dụng nhắn tin” cũng dễ gây nhầm lẫn, làm cho nhiều người đánh giá thấp Telegram. Qua nhiều năm, Tele đã trở thành một nền tảng lai ghép giữa nhắn tin và mạng xã hội, không chỉ cạnh tranh với WhatsApp và Signal mà còn trực tiếp đối đầu với Facebook. Người dùng có thể tham gia các kênh riêng tư hoặc công khai không hạn chế số lượng người theo dõi, ai cũng có thể like, share hoặc comment. Họ cũng có thể tham gia vào các nhóm riêng với có thể đến 200,000 thành viên, vượt xa giới hạn 254 của WhatsApp. Nhưng không như Facebook, Tele không có quảng cáo định hướng và không có newsfeed (dòng tin) do thuật toán điều khiển.

Mặc dù Telegram có rất nhiều kênh và nhóm theo các chủ đề phi chính trị như Phim Bollywood hay Tình hình công nghệ tại Miami, kết hợp nhắn tin riêng và kênh công cộng làm cho T trở thành công cụ đắc lực cho các nhà hoạt động chính trị: dùng kênh công cộng để tuyên truyền ý tưởng, và nhắn tin riêng để lên kế hoạch bí mật. Giáo sư Megan Squire từ trường Đại học Elon Bắc Carolina gọi đó là “Cú đấm 1-2, bạn vừa có thể tuyên truyền vừa lập kế hoạch trên cùng một app.”

Điều này rất quan trọng với các nhà dân chủ chống đối ở Belarus hay Hong Kong, nhưng đặc biệt có ích cho phong trào thân hữu toàn cầu. Ở Đức, những người phản đối các lệnh cấm Covid đã dùng Tele để tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở trung tâm Berlin năm 2020, dẫn tới một số phần tử quá khích tràn lên các bậc thang của tòa nhà quốc hội, hệt như sự kiện 6/1. Một số người biểu tình công khai tuyên bố là họ muốn cho Trump thấy họ đã sẵn sàng ủng hộ ông ta đến giải thoát nước Đức khỏi ách thống trị của deep state (quyền lực ngầm). Ở Brazil, tổng thống cực hữu Bolsonaro cũng sử dụng Tele như khoảng phân nửa dân số nước mình. Các nhà phân tích tin giả cảnh báo nếu kết quả bầu cử 2022 không thuận lợi, Bolsonaro sẽ từ chối công nhận.

Tại Mỹ, một số apps như Parler hay Gab cũng bùng lên sau sự kiện 6/1 nhờ các người dùng cực hữu, nhưng nhanh chóng mất đà, vừa bị hack khủng vừa bị Amazon cấm không cho lưu trữ máy chủ. Không ai có được lợi thế như Telegram. Con trai cả của tổng thổng Trump và tuyên bố: “Nếu các bạo chúa công nghệ đã dám cấm cả bố tôi, đương kim tổng thống Mỹ, thì hỏi ai mà họ sẽ không cấm chứ. Chúng tôi cần một nền tảng tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Và đó là lý do tôi gia nhập Telegram.”

Một tháng sau, kênh chính thức của Trump JR “Giữ chỗ cho tổng thống Mỹ thứ 45” và công bố “những thông tin không qua kiểm duyệt của văn phòng tổng thống”, nhanh chóng có hơn 1 triệu người đăng ký. Những đồng minh nổi tiếng của Trump như Proud Boy, Boogaloo Boys và Qanon cũng đi theo và các kênh của họ cũng nhanh chóng phát triển. Theo Squire, người theo dõi phong trào cực hữu từ năm 2019, cho rằng có khoảng 10 triệu phần tử cực hữu Mỹ trên Telegram, con số mà Durov khẳng định là tất cả người dùng ở Mỹ. Tuy nhiên, Squire cũng thừa nhận không thể biết con số chính thức vì Telegram giữ kín thông tin về số lượng người dùng của mình. 

Sau khi nói chuyện khá lâu với Campo, tôi nhận thấy có vẻ như anh đang bị giằng xé. Một mặt anh vẫn rất ngưỡng mộ Durov, và nhận thấy làn sóng người dùng mới đổ sang là bằng chứng cho quyết định đúng đắn của anh rời WhatsApp. Nhưng anh cũng bắt đầu lo ngại về việc thiếu tính minh bạch và chủ nghĩa tôn sùng cá nhân xung quanh sếp mình, người mà những ý tưởng bất chợt có thể thay đổi số phận của dân chủ trên thế giới.

Durov, 37 tuổi, trở thành một ông trùm công nghệ vô cùng bí ẩn. Sau nhiều năm lang thang, anh ta và đội Telegram cuối cùng cũng công bố trụ sở chính thức của mình là ở UAE. Bức ảnh gần nhất trên Instagram cho thấy anh cởi trần, đang ngồi vắt chân như tượng, trên sân thượng ngắm trời sao Dubai. Thường khi không khoe dáng thì Durov sẽ mặc đồ đen, như các phóng viên miêu tả, là bày tỏ sự tôn trọng cho nhân vật Neo từ phim Matrix. Anh chỉ đối thoại với công chúng qua kênh công cộng trên Telegram, nơi anh vừa là CEO vừa là nhà vua triết lý về tự do ngôn luận, thiết kế hệ thống, vinh danh những phẩm giá như ăn chay toàn cá, không uống rượu, và ngủ một mình. Trong công ty, đa phần là các lập trình viên người Nga, coi sếp mình gần như thánh, thường gọi bằng Ngài và không bao giờ cãi lệnh. Như lời một nhân viên cũ Anton Rozenberg nói “như một giáo phái.”

Như một giáo phái, Teleggram luôn đóng cửa. Mặc cho Campo đề xuất, Durov không bao giờ trả lời phỏng vấn hay tuyên bố gì đó với báo chí. Nhân viên của T cũng thế, rất bí hiểm. Để viết bài này, tôi (tác giả Darren-Loucaides) đã tiếp cận hơn 40 người, và cuối cùng chỉ nói chuyện được với 9 nhân viên cũ và chỉ có 3 người là vẫn đang làm việc với Durov. Để hiểu được ảnh hưởng của app này khi nó đang nhanh chóng trở thành một nền tàng lớn nhất thế giới, bạn cần phải hiểu được một thứ còn bí hiểm hơn các thuật toán của Facebook: đó là thế giới bên trong của Telegram.

paper airplane amidst shards of glass as it shatters the surface of a mobile phone as when it flies out of the device

III

Nếu FB bắt nguồn từ mối quan hệ hình thành trong các ký túc xá của Havard, thì Telegram phát sinh từ những mối quan hệ được nuôi dưỡng còn sớm hơn thế: trong phòng ngủ trẻ em, các cuộc thi toán phổ thông và những phòng máy tính đại học. Mặc dù đa số những mối quan hệ đó sẽ phai nhạt theo thời gian, thì còn lại một luôn luôn là trung tâm của T: đó là giữa Pavel Durov và người anh trai lớn hơn 4 tuổi: Nikolai

Khi Pavel ra đời, Nikolai đã là một đứa trẻ khác thường. 3 tuổi cậu đã đọc sách như người lớn, 8 tuổi đã giải được phương trình bậc 3, lớn lên cậu đại diện cho Nga đi thi Toán và Tin học quốc tế, và hai lần trở thành vô địch thế giới về lập trình. Mặc dù Pavel cũng không kém cạnh, bắt đầu code từ khi lên 10, Nikolai là “thiên tài của các thiên tài”, theo lời một người bạn học Toán cùng cậu là Anton Rozenberg.

Nikolai cũng là một thanh niên kỳ quặc, không chịu lớn. Rozenberg kể: “cậu ta hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Bà ấy kiểm soát mọi thứ trong đời cậu: ăn gì, đi đâu, chọn taxi loại nào.” Pavel cũng gần gũi với mẹ, nhưng theo một nghĩa khác. “Tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh nên thường xuyên xung đột với thầy cô, nhưng mẹ luôn đứng về phía tôi, ủng hộ tôi.” Andrei Lopatin, một đồng môn Toán với cả hai anh em từ khi 11 tuổi đã nhận xét: “Pavel là cậu bé muốn tất cả mọi thứ phải theo ý mình.”

Cả hai anh em đều vào học tại Đại học Quốc gia Saint Petersburg, nơi bố họ là giáo sư Ngôn ngữ học. Nikolai học toán, còn Pavel học ngôn ngữ, làm thơ và có vẻ như sẽ nối nghiệp bố, cho đến khi anh bắt tay làm website. Theo Ilya Perekopsky, bạn học cùng với Pavel, nhớ lại thì cậu đã tạo ra một thư viện số, phong phú đến mức sinh viên bỏ luôn lên lớp và học thuộc các bài thi.

Pavel tự coi mình là “Nhà kiến trúc” và tạo một diễn đàn online, bàn luận đủ các chủ đề, từ chủ nghĩa tự do – cậu tự coi mình là kẻ thù của “độc tài xã hội chủ nghĩa”, đến việc liệu các chàng trai và cô gái chỉ có thể là bạn của nhau hay không? Perekopsky kể: “cậu ta luôn cố tình kích động các cuộc tranh luận, tạo ra các tài khoản ảo để lôi kéo thêm người dùng. Cái đó bây giờ gọi là marketing, đúng không?” Diễn đàn tạo nên một cơn sốt trong trường và Pavel càng ngày càng dành nhiều thời gian cho website hơn là thơ ca.

Một người bạn học cũ của Pavel là Vyacheslav Mirilashvili, quan tâm đến diễn đàn. Anh này đã chuyển sang Mỹ và chứng kiến sự thăng hoa của Facebook, có ý tưởng tạo ra một thứ tương tự ở Nga. Mirilashvili dùng tiền kiếm được nhờ làm việc cho bố: một ông trùm bất động sản, đầu tư cho Pavel cải tiến website của mình thành công cụ tìm kiếm bạn bè và đồng môn cũ. Miri cũng giới thiệu một người bạn mới Nga gốc Do thái là Lev Leviev. Mùa thu năm 2006, ba người trở thành đồng sáng lập của VKontakte (tiếng Nga có nghĩa là đang có quan hệ). Ban đầu Pavel tự code. Và VKontakte với một thiết kế đơn giản và gam màu xanh-trắng, trở thành một trong nhiều các sản phẩm “nhái” FB nở rộ khắp nơi trên thế giới.

VK, tên gọi ngắn của mạng xã hội mới này, nhanh chóng bùng nổ, và lỗi cũng phát sinh cùng với số lượng người dùng, ngay cả khi Nikolai thò tay vào giúp ông em sau khi tốt nghiệp tiến sĩ từ Đức về. Khi Rozenberg thu thập và báo cáo lỗi, Pavel cảm ơn và mời ngay anh này làm quản trị hệ thống, dưới quyền của Nikolai, còn Pavel sẽ tập trung vào quản trị và thiết kế. Ilya bạn cùng khoa ngôn ngữ, được mời làm phó CEO. Mảnh ghép cuối cùng là Andrei Lopatin, bạn đồng hành của Nikolai từ các cuộc thi toán tuổi thơ, tham gia vào đội kỹ thuật của VK.

Đó là giai đoạn đầy hứng khởi, Rozenberg nhớ lại: “Chúng tôi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Mặc dù đa phần là làm việc từ xa, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp nhau tại nhà Durov. Họ vẫn sống với bố mẹ trong một căn hộ chung cư kiểu Soviet bình thường ở ngoại ô SaintPe. Chúng tôi thường làm việc cho đến khi tôi phải ra ga để bắt chuyến tàu điện cuối cùng. Mẹ luôn bắt Pavel và Nikolai phải tiễn tôi đến tận ga. Có lẽ đó là cách duy nhất để bắt họ rời mắt khỏi màn hình máy tính.”

VK nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các mạng xã hội Chuẩn-bị-ăn-gỏi-thế-giới. Năm 2009, một đoàn đại biểu nhỏ của VK đến thăm trụ sở FB ở Palo Alto. Theo Andrew Rogozov, lúc đó là giám đốc phát triển của VK, chuyến đi này do quỹ đầu tư mạo hiểm của một doanh nhân Nga là Yuri Milner, có cổ phần trong cả hai công ty, dàn xếp. Theo Andrew, Pavel chẳng quan tâm lắm đến giám đốc điều hành lúc đó của FB là Sheryl Sandberg, và bà này cũng không hứng thú nói chuyện dông dài với VK. Nhưng Pavel cảm thấy rất đồng điệu với Mark Zukerberg, người đã mời anh đến nhà ăn tối. Cả hai đều hiểu rõ “Sự lạc hậu của các chính thể,” như Durov kể lại trong cuốn “Durov Code” xuất bản năm 2012, do Nickolav Kononov, một phóng viên và biên tập viên của Forbes Nga, chắp bút.

Theo Kononov, Dorov và Zukerberg đều nhìn thấy mạng xã hội là một siêu cấu trúc mới của loài người, cho phép thông tin chảy vượt qua sự kiểm soát của các chính phủ và quốc gia. Nhưng Durov cảm nhận được Z đã phải hứng chịu sức ép từ cả việc thương mại hóa lẫn các chính thể. Anh làu bàu: “DNA của FB bây giờ là Sheryl Sandberg, một chuyên gia lobby chính sách.” Rogozov, cũng tham gia bữa ăn tối đó, thì lại ấn tượng với cung cách vô cảm như người máy của Zukerberg. Anh này hào hứng trải nghiệm cảm giác “trong lòng kẻ thù”: “Chúng ta đang đánh nhau với ku này. Hắn có rất nhiều nguồn lực. Vậy mà hắn đang phải ngạc nhiên hỏi ta làm thế nào?” Ví dụ, Mark rất tò mò không hiểu sao VK lại có thể tải nhanh như vậy, mặc dù chỉ có 20 nhân viên, trong khí đó FB có hơn 1000 nhân viên. Họ cũng bàn về việc mở rộng thị trường. Không bao lâu FB bắt đầu vào Nga, và VK ra phiên bản quốc tế với 7 ngôn ngữ.

Năm 2010, VK chuyển địa điểm đến một con phố trung tâm SaintPe. Trụ sở của công ty nằm trong một tòa nhà kiểu Nouvo Art, có tượng thiên thần đeo cánh canh cửa, vòm dát đồng vàng, các chùm đèn cổ, cửa sổ khung kính, có tên là Single House. Lopatin kể lại “Chúng tôi rất vui khi có chỗ làm mới, nhưng có vẻ là công ty đang lớn quá nhanh.”

VK đã trở thành mạng xã hội lớn nhất ở Nga, và bắt đầu tràn ngập phim ảnh, nhạc lậu. Nhưng Durov vẫn dửng dưng “điều hay nhất ở nước Nga lúc đó là internet hoàn toàn không bị kiểm soát, xem ra còn tự do hơn cả Mỹ.” Nhưng mọi sự sẽ thay đổi.

Năm 2011, đảng Nước Nga Thống nhất của Putin thắng lớn trong cuộc bầu cử nghị viện bị coi là có nhiều gian lận. Biểu tình chống đối nổ ra khắp nơi. Lãnh tụ đối lập Alexei Navalny bị bắt cùng hàng trăm người khác. Khi quản trị viên của nhóm 80,000 người ủng hộ Navalny kêu ca trên Twitter là họ bị VK khóa, đích thân Durov đã đứng ra cam kết: “Mọi việc đều ổn, gần đây FSB (cơ quan an ninh Nga) đề nghị chúng tôi khóa các nhóm đối lập, trong đó có nhóm các bạn. Chúng tôi không làm vì đó là nguyên tắc. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi không thay đổi lập trường.” Sau đó anh công khai sự chống đối bằng cách, công bố công văn của FSB gửi và thư trả lời của anh như CEO công ty: một con chó thè lưỡi, mắt xanh, thắt nơ xanh!

Truyền thông tung hô Durov như anh hùng, nhưng nguồn nội bộ công ty cho biết, CEO nhanh chóng hiểu được “Nếu truyền thông tôn mình lên làm chủ soái đối lập, mình sẽ toi.” Durov bắt đầu cẩn thận xây dựng hình ảnh mình như một người “nhố nhăng” đứng ngoài chính trị, thậm chí còn đùa là không ủng hộ dân chủ. Tháng 5 năm 2012, anh và cấp phó của mình là Perekopsky, lại gây bão trong một lễ hội của thành phố, bằng cách gập những tờ 5000 rub (tương đương $155) thành máy bay giấy, rồi phi từ ban công Single House xuống đám đông đang lễ hội ở bên dưới, rồi cười hô hố nhìn đám đông tranh nhau cướp tiền.

Thêm nữa, quan hệ giữa Durov và Kremlin cũng không đơn giản. Khoảng hơn 1 năm sau, tờ báo đối lập Nga Novaia Gazeta, công bố bức thư của Durov gửi Vladislav Surkov, chiến lược gia về truyền thông cho Putin. Durov có vẻ như cam kết với Surkov là sẽ cung cấp thông tin nhận dạng như địa chỉ IP, số điện thoại, của hàng ngàn người. Anh cũng cảnh báo Kremlin là nếu khóa, phe đối lập sẽ chuyển sang FB, lúc đó còn khó theo dõi hơn. Mặc dù Durov phủ nhận tính xác thực của bức thư, anh thừa nhận có tiếp Surkov mấy lần ở văn phòng từ 2009 đến 2011.

Chỉ vài ngày sau sự kiện với Novaya Gazeta, Durov bị dính chuyện với cảnh sát liên quan đến việc đâm xe rồi bỏ trốn. Durov phủ nhận là anh lái xe, thậm chí còn viết đùa trên VK: “nếu đâm phải cảnh sát, cần phải chà qua chà lại để mọi thứ phun ra hết.” Ngay sau đó, cảnh sát đột nhập văn phòng VK. Nikolai post lên mạng: “khoảng 20 người thầm lặng mặc áo da, đột ngột xuất hiện.” Sáng hôm sau, thông tin tiết lộ là 2 đồng sáng lập đã bán hết cổ phần của mình cho một hãng đầu tư có tên là United Capital Partners. Pavel Durov coi tất cả những sự kiện đó là một âm mưu tấn công của Kremlin và các hãng tin phương Tây tin vào giả thuyết đó. Sau khi không có mặt tại phiên tòa đâm xe, có tin là Durov đã sang Mỹ, và hiện đang ở văn phòng của một công ty có tên là Digital Fortress (Pháo đài số) ở Buffalo, New York, âm mưu lập mạng xã hội mới ở Mỹ. Và ngày 14/8/2013, một app mới xuất hiện: Telegram.

IV

Logo của Telegram chính là chiếc máy bay giấy, mà Pavel đã gấp bằng tiền phi xuống đám đông ở Single House. Nhà phát triển được công bố là Digital Fortress của ông chủ Alex Neff, một người Mỹ đã từng gặp Perekopsky ở Mỹ vài năm trước. Kiến trúc của phần mềm dựa trên giao thức MTProto do Nikolai Durov tạo ra. Adrei Lopatin cũng nhận là đã tham gia giúp Nikolai tạo nên giao thức này năm 2012. Pavel đã nhờ Lopatin trở thành CEO của công ty Nga có tên là Telegraph – nơi tất cả lập trình viên của Telegram đang làm việc. Pavel vẫn là CEO của VK.

Hai công ty này, thực chất dính vào nhau một cách vô vọng, Nikolai được cho là đã rời VK để tập trung vào Telegram, nhưng thực tế là anh vẫn làm việc tại chỗ ngồi cũ ở Single House. Theo Rozenberg thi một số nhân viên cũng không phân biệt được khu vực nào là của công ty nào. 

Pavel thường xuyên dẫn những tiết lộ của Edward Snowden về chương trình giám sát của chính phủ, nên anh và Nikolai đã thiết kế app để vượt qua những lo ngại về giám sát của chính phủ Nga. Tính năng “chat bí mật” mã hóa và lưu tin nhắn của người dùng trên thiết bị của họ. Các servers thì được rải trên nhiều quốc gia, gây khó dễ cho bất cứ quốc gia nào muốn yêu cầu phải nộp dữ liệu. Trụ sở công ty thì ở trong tổ của một công ty vỏ bọc. Thêm nữa, Durov tuyên bố Telegram sẽ là tổ chức phi lợi nhuận, tránh tất cả các áp lực về pháp lý và thương mại.

Khi Telegram bùng nổ, cổ đông chính của VK là UCP (United Capital Partners), bắt đầu thèm thuồng ghen tị. Họ buộc tội Durov đã dùng nguồn lực của VK để lập Telegram. Durov, đáp lại, tập hợp anh em thành viên nòng cốt và cáo buộc UCP là “công ty của Kremlin” là kẻ thù. Tháng 1/2014, Perekopsky rời VK vì mâu thuẫn với Durov.

Cuộc chiến dành kiểm soát VK và Tele nổ ra. UCP, để chạm đến Telegram đã mua lại 3 công ty vỏ bọc từ Neff, vốn là bạn của Perekopsky. Durov cho rằng Neff đã “phản bội” mình. Cảm thấy quyền kiểm soat của mình bị đe dọa nghiêm trọng, Durov quyết định nhanh chóng hành động. Tháng tư 2014, anh lôi cả đội bay trực tiếp đến các data centers tại Amsterdam, NewYork, Buffalo, Whashington DC và Boston để trực tiếp kiểm soát các servers không cho UCP có thể thâm nhập. Lopatin miêu tả chiến dịch diễn ra thần tốc, và khi chiếc máy bay cuối cùng chạm đất, Durov biết tin là mình đã bị VK sa thải. 

Sau này, Durov nói không phải là cổ đông đối tác tấn công anh mà là cả chính quyến. “Tôi đã rời nước Nga và chưa có kế hoạch quay lại.” anh phát biểu tại Dubai. Anh còn sắm 1 quyển hộ chiếu Saint Kitts và Nevis, một đất nước nhỏ xíu ở Caribe. Tuy nhiên nhiều nguồn tin cho WIRED biết là quan hệ giữa UCP và Kremlin là không đáng kể “Các công ty lớn nhỏ ở đây, đều theo Kremlin cả, có gì mới ở đây đâu.” Steve Korshakov, lập trình viên tham gia Tele năm 2013 tuyên bố.

Dù gì đi nữa, cuối cùng Durov cũng dành được quyền kiểm soát Tele thông qua một đồng minh còn mạnh hơn nữa của Kremlin. Tháng giêng 2014, Durov bán cổ phần VK của mình cho một doanh nhân có tên là Ivan Tarin, anh này sau đó bán lại cho người khổng lồ Internet Nga là Mail.ru Group, công ty này mua lại UCP vào mùa thu năm 2014 với giá $1.5B và tuyên bố từ bỏ mọi tranh chấp về Telegram. Theo Ivan, đó là quyết định của cổ đông chính của Mail.ru, Alisher Usmanov, một tỷ phú Nga, mà như mọi đại gia Nga khác, có quan hệ chặt chẽ với Kremlin.

Tarvin khẳng định không có Usmanov, Durov không thể nào sở hữu được Tele. Anh cũng khẳng định Durov rời khỏi VK hoàn toàn là kinh doanh không liên quan gì đến chính trị cả. “Pavel là ông vua truyền thông, anh ta muốn xây dựng một hình ảnh tốt với phương Tây.”

Tuy nhiên tình hình tại thượng tầng của Tele vẫn chưa ổn. Tháng 10/2014, Andrei Lopatin, bạn Durov từ năm 11 tuổi, bị mất chức CEO của Telegraph. Theo anh này thì không hiểu tại sao Pavel bắt đầu đì mình. Korshakov, người xây dựng phiên bản Androi, cũng bị mất việc sau 1 năm, buộc tội sếp mình chỉ muốn cấp dưới làm theo ý mình. “Chúng tôi phải đoán xem là anh ta thích gì.”

V

Với thế giới bên ngoài, huyền thoại về sự thành lập Telegram trở nên sắc nét và đa màu sắc. Tháng 12/2014, trong cuộc phỏng vấn với NYT, Durov khẳng định, cảm hứng thành lập T bắt đầu từ thời điểm nhóm cảnh sát “SWAT team” khám xét căn hộ anh ta, khi dám đối đầu FSB tháng 12/2011. “Nhìn những cảnh sát vũ trang đứng ngoài cửa, tôi thầm nghĩ, không biết làm cách nào để liên lạc với anh Nikolai. Ý tưởng Telegram bắt đầu từ đó.”

Durov dự báo Telegram sẽ là công ty phân tán, không phụ thuộc vào sự điều tiết của bất cứ luật pháp hoặc cơ quan an ninh nào, và quan trọng là nằm ngoài móng vuốt của Putin. Anh tự nhận mình là “người tị nạn”, một quan điểm được báo chí chia sẻ rộng rãi. Tờ báo miêu tả anh ta và công ty như “một nhóm lập trình viên du mục, ở một nước vài tuần lại chuyển sang nước khác.” Các bức ảnh Durov đưa lên Instagram có vẻ khẳng định điều đó, khi thì Beverly Hills, rồi Paris, London, Rome, Venice, Bali, Helsinki.

Nhưng thực tế hoạt động hàng ngày của Tele khá bình thường. Durov vẫn giữ chỗ thuê tại Single House. Lopatin kể lại vào tháng 8, 2014: “khi tôi rời Telegram, anh ta ngồi ở Single House hàng ngày, tất cả nhân viên ở Nga cũng vẫn làm việc ở đấy.” Các nhân viên khác của VK và Telegrahp cũng xác nhận là Pavel thường xuyên ở đó. Nikolai, sau khi chuyển khỏi căn hộ của bố mẹ, cũng đến làm việc tại một căn hộ gần đó, mà đích thân Rozenberg giúp anh ta hoàn thiện nội thất. Rozenberg lúc đó cũng đã xin nghỉ VK để thể hiện đoàn kết với Pavel, thường xuyên gặp Nikolai để xem phim hoặc chơi cờ tướng. Lopatin nói, đúng là cả đội thường đi ra nước ngoài cùng nhau, nhưng đa phần thời gian vẫn là ở St Peterbourg.

Huyền thoại, nếu thực sự là như vậy, đã giúp quảng bá tên tuổi Tele toàn cầu. Đầu năm 2016, họ đã có 100 triệu người dùng. Và team phát triển vẫn liên tục đưa ra những tính năng mới để câu kéo người dùng từ những ứng dụng nhắn tin khác. Các chuyên gia cao cấp cũng bắt đầu thấy hấp dẫn. Elies Campo tham gia đầu năm 2015, sau khi được gặp Pavel ở Palo Alto. Campo coi sếp mình là một người có tầm nhìn. “Tôi nghĩ anh ta là một nhà tư tưởng sản phẩm hoàn thiện nhất mà tôi đã từng gặp.”

Campo nói tiếp: “Rất hứng khởi khi nghe Pavel chia sẻ về nhắn tin và các chức năng mới mà anh ấy sẽ triển khai.” Riêng trong năm 2015, đội ngũ tí hon của Telegram đã tạo nền tảng cho người dùng có thể triển khai các chatbot của riêng mình, thêm chức năng trả lời, nhắc nhở và hashtag trong nhóm chat; lại còn thêm tự chơi video, sửa ảnh, và lần đầu tiên có chức năng kênh công cộng cho những ai muốn truyền đạt thông điệp đến số lượng không giới hạn người theo dõi. Chỉ có FB với đội ngũ lớn hơn rất nhiều có thể thêm chức năng mới với tốc độ như thế.

Campo nhớ lại thời gian sôi động đó. Anh vẫn tiếp tục sống ở Palo Alto, thi thoảng lại cùng đội phát triển Nga đi thám hiểm thế giới, kể cả quê anh Barcelona. “Cả đội đi cùng nhau”, ít nhất với Campo huyền thoại là sự thật. Telegram “không thuộc một quốc gia nào, đó là sản phẩm toàn cầu.”

Năm 2016 cũng là năm Rozenberg tham gia Telegram với nhiệm vụ chống tin rác. Đó là “công việc trong mơ”, Roz thừa nhận, khi không bị các cổ đông tra tấn như hồi ở VK. Nhưng tháng 1/2017, anh mâu thuẫn trầm trọng với Nikolai, liên quan đến vụ tình ái gì đó. Và Nikolai không muốn anh ở đây nữa. Roz hiểu rằng Pavel có cảm tình với công việc của anh, nhưng không thể chống lại anh mình. Tháng 4, sau khi từ chối xin nghỉ, Roz bị sa thải với lý do khá vớ vẩn là “hay vắng mặt”. Nhưng Roz không ra đi một cách êm thấm, công bố công việc của mình trên medium, tiết lộ những mâu thuẫn trong tuyên bố của Telegram: làm sao mà nhân viên công ty của một “người tị nạn Nga” lại vẫn có thể ngồi làm việc ở Nga được?

Đáp lại, Durov giải thích với báo giới: Rozenberg thực tế là làm việc cho Telegraph, là một công ty hoàn toàn độc lập, nhận việc quản trị từ Telegram. Anh khẳng định lần cuối cùng đội Telegram gặp nhau tại Single House là đầu năm 2015, và bóng gió là Roz có thể “có vấn đề về thần kinh”. Tuy nhiên có lẽ Durov quên rằng trong cuộc chiến với UCP năm 2014, anh đã thừa nhận mình là nhân viên của Telegraph, dữ liệu vẫn còn được lưu trong hồ sơ tòa án.

Vấn đề đau đầu nhất với Pavel là Roz phàn nàn toàn bộ lịch sử chat bị xóa trong quá trình cãi nhau với anh em nhà Durovs. Sáng hôm sau, các tin nhắn lại xuất hiện lại một cách kỳ diệu, Pavel lý giải đó chỉ là một lỗi kỹ thuật. Nhưng Roz vẫn nghi ngờ Nikolai đứng đằng sau vụ này. Liệu có thể coi Telegram là an toàn khi chỉ vì một cuộc tranh cãi vớ vẩn, công ty sẵn sàng tiết lộ thông tin khách hàng của mình. Roz khẳng định: “Telegram có quyền truy cập tất cả những thông tin về người dùng hay các nhóm người dùng.” 

Các chuyên gia nghi ngờ kiến trúc riêng tư của Telegram trên các thị trường độc tài như Iran. Snowden viết trên Twitter cuối năm 2017: “Telegram sẽ phải chịu sức ép cộng tác với các đòi hỏi của Iran. Các cam kết đạo đức của Pavel có thể không đủ mạnh để chống lại sức ép này. Durov có thể là thiên thần. Tôi hy vọng thế. Nhưng thiên thần cũng đã từng gẫy cánh.”

Cũng trong quãng thời gian đó, Durov cuối cùng cũng cắt đứt quan hệ với Single House, chuyển trụ sở chính thức sang Dubai, làm rõ mối quan hệ với nước Nga. Nhưng cũng khó nói, là những post của Snowden hay Rozenberg có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Telegram. Giờ họ đã có gần 200 triệu người dùng, hàng ngày gửi cho nhau 70 tỷ thông điệp. Telegram đặc biệt phổ biến ở châu Á và Latin America, càng ngày càng thông dụng hơn ở châu Âu. Và vẫn miễn phí, không quảng cáo. Durov bán cổ phần của mình ở VK được $300 triệu, nhưng vẫn phải nuôi app mới có 4 năm tuổi. Telegram cần tìm được nguồn để chi trả những chi phí càng ngày càng tăng. Bán các cổ phần sẽ rủi ro lại phải tranh cãi với cổ đông lớn. Durov không thể nuôi mãi được. Anh đang bắt đầu một kế hoạch khác.

VI

Tháng 6/2017, Ilya Perekopsky đang chạy con Mercedes mui trần rong ruổi miền Nam nước Pháp, bất ngờ nhận được tin nhắn từ Pavel. Người bạn cũ, sếp và kẻ thù một thời hẹn gặp nghiêm túc. Mấy năm gần đây, Ilya chuyển sang ngâm cứu thị trường tiền mã hóa. Thi thoảng lại gửi tin nhắn cho Durov: “tôi cảm thấy mình như nhà truyền đạo ấy.”

Đó cũng là lý do mà Pavel muốn gặp anh. Họ hẹn gặp nhau ở Paris, nơi họ thường nghỉ hè cùng nhau. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên, Perekopsky đã thấy dự án của Durov là chưa từng có về qui mô. “Anh ta thực sự tin vào ý tưởng tạo dựng một đồng tiền mã hóa, có thể giao dịch mà không cần ngân hàng.” Họ còn gặp nhau mấy lần nữa ở Paris và Dubai để làm rõ kế hoạch. Tháng 10/2017, Durov chính thức lôi Perekopsky quay lại để giúp chạy dự án mới.

Perekopsky vừa mới kiếm được $30 triệu từ một sàn giao dịch crypto có tên là Blackmoon (Trăng đen); giờ thì anh giới thiệu Durov cho John Hyman, một cựu binh đầu tư người Anh mà anh mới quen. Hyman tham gia dự án mới của Telegram với tư cách cố vấn đầu tư. Quãng giữa tháng 12, Durov bay đến London gặp cả hai để chốt deal, và gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng do Hyman thu xếp. Chẳng lâu sau, họ công bố kế hoạch ra công chúng.

Họ định xây dựng một nền tảng blockchain gọi là Telegram Open Network (gọi tắt là TON), với đồng tiền gọi là “grams”. Bộ não đằng sau TON là Nikolai, được giới thiệu là “bậc thầy về hệ thống phân tán”. Hệ thống do Nikolai thiết kế, dự đoán sẽ rất nhanh, trong khi Bitcoin và Ethereum chỉ có thể xử lý từ 7-15 giao dịch một giây, thì sách trắng của TON cam kết hàng triệu giao dịch một giây. Dự án mới này sẽ đẩy đội phát triển của Telegram đến cực đại giới hạn. 

Ý tưởng chính là dựa vào số lượng đông đảo người dùng của Telegram để bảo đảm “số lượng đủ để đưa tiền mã hóa vào sử dụng hàng ngày.” Cryto hiện tại chỉ phù hợp với người dùng đủ kiên trì để tạo ví và đăng ký với sàn.  TON dự kiến sẽ kết hợp ví vào thẳng app Telegram, giúp kết nối hàng triệu người dùng ngay lập tức với blockchain và, bùm, chỉ qua một cái búng tay biến tiền mã hóa thành thông dụng. TON cuối cùng sẽ trở thành đối trọng của Visa/Master trong một nền kinh tế phân tán mới. Để thuyết phục TON dẫn việc Telegram sử dụng hệ thống severs phân tán toàn cầu. Cuối cùng mục đích là qua Telegram biến TON thành “cộng đồng nguồn mở toàn cầu.”

Có vẻ như dự án viễn tưởng này sẽ làm một cuộc cách mạng về việc tiền sẽ được sử dụng như thế nào. Perekopsky tin rằng “dự án sẽ thay đổi thế giới.” Nó cũng giải quyết vấn đề đau đầu nhất của Telegram: làm thế nào để có tiền mà không mất quyền kiểm soát. Thay vì bán cổ phần, Durov dự kiến sẽ tạo ra đồng tiên riêng, hay thậm chí cả một nền kinh tế đầy đủ, xung quanh Telegram. Hyman kinh ngạc khi thấy đội Tele làm việc. Ông chưa thấy điều đó bao giờ, ở Morgan Stanley, nơi ông đã làm việc 17 năm, dự án kiểu như thế này cần chắc gấp 40 lần số người. Và “đương nhiên là chất lượng không hơn gì.” Các nhà đầu tư cũng hào hứng, “rất hiệu quả, chúng ta có thể đi nhanh và quyết định kịp thời.” Với Hyman, Durov đã chứng minh niềm đam mê theo đuổi phá vỡ những rào cản quan liêu đang làm tắc nghẽn dòng tiền và thông tin.

Các đồng tiền kỹ thuật số được ra mắt thông qua việc chào bán công khai (ICO), tương tự như bán cổ phẩn khi công ty ra công chúng. Telegram đã gọi được $1.7B từ 175 nhà đầu tư, là thương vụ ICO lớn nhất từ trước tới nay. Nhưng ngay từ đầu đã có một số dấu hiệu báo động, mặc dù công ty nói là ICO cho công chúng, nhưng thực tế các nhà đầu tư đều giấu mặt. Khó biết họ là ai, và tiền từ đâu ra. Khi có người hỏi, Hyman trả lời: Nga, Israel và “những người hâm mộ Pavel”. 

Dự án sau đó liên tục bị chậm. Durov giải thích cho bạn bè và các nhà đầu tư là lực lượng mỏng bị dàn ra cả ở TON và app Telegram. Cùng lúc đó Telegram phải chiến đấu chống lại lệnh cấm bên trong Nga vì từ chối trao khóa giải mã cho lực lượng an ninh. Trong trò chơi đuổi bắt, nhà chức trách Nga thậm chí đã chặn phần lớn Internet ở Nga gây nên thiệt hại to lớn liên quan. Nhưng đội Telegram đã sử dụng kỹ thuật gọi là “domain fronting” che giấu nguồn gốc của thông tin, vẫn bảo đảm quyền truy cập cho người dùng của mình ở trong nước Nga. (Sau này, khi Lukasenko đóng Internet trong ngày bầu cử, các lực lượng chống đối Belarus cũng dùng kỹ thuật này.)

Bản thử nghiệm của TON cuối cùng cũng ra mắt vào tháng 1/2019, chậm mất nửa năm. Nhưng đùng một cái, trong khi càng nhà đầu tư đang háo hức chờ đợi ngày công bố chính thức, để có thể bán được những đồng “grams” của mình, sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) yêu cầu dừng lại. SEC cho rằng, bán grams là hành động phân phối các chứng từ có giá chưa được đăng ký. Họ cũng chỉ trích TON làm tấm gương xấu khi đã chi khoảng 90% từ số tiền huy động được $1.7B mà không phân biệt rõ khoản nào cho TON còn khoản nào cho Tele app. Những email cũng cho thấy, Hyman đã biết về sự tồn tại của thị trường xám mua bán grams trước khi công bố chính thức, mặc dù điều đó bị cấm theo các điều khoản của hợp đồng đầu tư,

 “Một cú sốc lớn. Một trong những ngày thất vọng nhất trong đời tôi.” Perekopsky kêu trời khi biết tin về vụ kiện của SEC. Anh cho rằng đã thông tin đầy đủ cho SEC trong suốt quá trình, và đã thuê những hãng luật tốt nhất để bảo đảm sự tuân thủ. Anh cũng phủ nhận việc TON chẳng qua chỉ là công cụ gọi vốn cho Telegram. Thiếu gì cách dễ hơn là kỳ công xây dựng cả một dự án blockchain mới.

Pavel Cherkashin, một nhà đầu tư người Nga sống ở SanFrancisco, cảm thấy bị phản bội khi đầu tư vào TON. “Tôi bàng hoàng khi biết Durov dùng tiền từ TON để hỗ trợ Telegram, chẳng mang lại lợi ích gì cho những nhà đầu tư chúng tôi.” Theo anh, Durov đủ năng lực và tầm nhìn kỹ thuật để làm cho TON thành hiện thực, có điều anh ta (Durov) thiếu khả năng xây dựng một nền tảng kinh doanh thành công, đơn giản là vì anh ta không muốn buông quyền kiểm soát. Còn Perekopsky lại không thấy vấn đề gì khi dùng tiền của TON chi cho Telegram, “thực lòng, chúng tôi cũng chưa bao giờ che giấu điều đó.”

Theo Perekopsky, ban đầu Durov không chịu đầu hàng: “Chúng tôi nghĩ rằng, nếu đưa ra tòa và chiến đầu, chúng tôi có cơ hội thắng vì chúng tôi làm đúng 100%.” Nhưng sau khi SEC thẩm vấn Durov 2 ngày ở Dubai, cả hai hiểu rằng dự án đã không còn cơ hội. Durov phát biểu, không hề hối hận: “Người Mỹ có thể lợi dụng việc kiểm soát đồng đô la và hạ tầng tài chính thế giới. Các nước khác hầu như không thực thi được chủ quyền tài chính trên lãnh thổ mình. TON phải đối đầu với một thế giới quá tập trung.”

Hyman cũng tin là giới chức tài chính tấn công TON vì “đó thực sự là một mối đe dọa” cho các định chế tài chính truyền thống. Thực tế thì SEC đã sờ đến các vụ ICO từ năm 2017, đưa ra các án phạt và thỉnh thoảng cấm hẳn. Nhưng chưa có dự án nào đến gần được về qui mô về đầu tư như TON, khi cho phép hàng triệu người dùng bình thường của Telegram có thể dễ dàng sử dụng tiền mã hóa. Cherkashin cũng tin rằng, Zukerberg đã sửng sốt khi lần đầu đọc về TON và bắt đầu thực hiện ý tưởng đồng tiên của FB. Mark và Pavel hiểu rằng nếu các mạng xã hội có thể phát hành đồng tiền của mình, họ sẽ đe dọa một trong những chức năng quan trọng nhất của quốc gia. 

Sau khi TON bị đóng cửa, Perekopsky vẫn ở lại làm phó chủ tịch của Telegram. Tháng 3/2021, anh giúp phát hành trái phiếu 5 năm huy động được hơn $1B, đa phần là để trả lại cho các nhà đầu tư, mặc dù Cherkashin nói anh chỉ nhận lại được 72%. Perekovsky cho rằng các nhà sáng lập Telegram đã quá ảo tưởng. “Họ là những người đấu tranh cho tự do thông qua mã hóa, lấy Wikipedia làm hình mẫu.” Có vẻ như SEC, qua vụ TON, lại cho rằng đây chỉ là một hội kiếm tiền.

VII

Tháng 7/2021, dự án Pegasus, do các phóng viên khởi xướng điều tra về việc các chính phủ sử dụng phần mềm gián điệp của hãng Israel NSO, đã lưu số điện thoại của Durov như một đối tượng cần do thám. Các cuộc điều tra cho thấy người đặt hàng là UAE!

Các chuyên gia cho rằng, Durov đã tránh vỏ dưa gặp vỏ dưa, tưởng là thoát độc tài Nga lại rơi vào độc tài Arab. Nhưng Durov không nghĩ thế. Anh cho rằng điện thoại của anh đã bị nghe lén ở Nga từ năm 2011, nên cẩn thận vẫn hơn. Anh không thấy bất kỳ một sự khó chịu nào với UAE, mặc dù chính quyền này nổi tiếng với các vụ vi phạm nhân quyền chẳng kém gì Nga. Perekopsky cho rằng Telegram không chịu bất cứ một sức ép nào ở Dubai và sẵn sàng ca ngợi các lãnh đạo của tiểu quốc. “Không phải là chính phủ, mà là các doanh nhân đang điều hành một đất nước, rất thực tế và quyết rất nhanh.”

Với việc mâu thuẫn với Kremlin đã lui vào quá khứ, Telegram không còn là biểu tượng chống lại sự giám sát của các chế độ độc tài. Giờ thì Durov chuyển sang đối đầu với Facebook, Apple và Google (FB vì đó là đối thủ cạnh tranh chính, Apple và Google vì Telegram phải phục tùng các điều kiện để app có thể được lưu trữ ở các appstore.) Trong một post trên kênh của mình đầu năm ngoái, Durov, chiến sĩ cho tự do đã từng là nạn nhân của độc tài XHCN, đã tuyên bố là mâu thuẫn chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội đã lạc hậu rồi. “Tôi cho rằng giờ là thời của đối đầu giữa tập trung và phân tán. Độc quyền tư bản cũng tệ như độc tài XHCN.”

Trong cuộc chiến chống lại sự độc quyền tư bản của Silicon Valley, Telegram tìm cách lấn sân vào những chỗ mà cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ của Big Tech mở ra. Khắp nơi trên thế giới, báo chí đưa tin về đầy rẫy những kênh và nhóm Telegram, kiểu “chống văcxin” hay “làm gì có covid” và những phần tử kích động cực hữu phổ biến tin giả và kêu gọi biểu tình, nhất là sau khi FB, Tweetter và Youtube xiết chặt quản lý từ năm ngoái. Durov viết năm 2021: “Trong 20 năm quản trị các nền tảng thảo luận, tôi hiểu rõ rằng càng cấm đoán, các thuyết âm mưu càng nở rộ.” Tháng 6, chính phủ Đức khởi kiện Telegram vì đã vi phạm quy định mạng xã hội phải kiểm soát những phàn nàn và phải có người đại diện chính thức. Vì Đức cần xiết chặt các yếu tố kiểm soát những biến thể Omicron trong bối cảnh các nhóm chống đối càng cực đoan hơn.

Từ 6/1/2021, vị thế của Tele trong phong trào ủng hộ Trump tiếp tục được củng cố. Các kênh do các phần tử cực hữu khởi xướng mọc lên như nấm: luật sư trở thành nhà lý luận âm mưu Lin Wood có gần 1 triệu người đăng ký. Các chính trị gia ủng hộ Trump như Taylor Green, Madison Cawthorn và Lauren Boerbert cũng mở kênh của mình. Tháng 8, 2021, Telegram chạm mốc 1 tỷ downloads. Trong ngày đen tối tháng Mười khi FB bị dừng trong 6 tiếng, theo Durov, đã có 70 triệu người dùng “di tản” sang Tele trong vòng một ngày.

Nhưng khi Telegram tiến gần đến việc hoàn thành sứ mệnh đuổi kịp WhatsApp, Campo càng băn khoăn: “Chúng tôi định vị mình là một công ty mở, với sứ mệnh bảo vệ tự do và minh bạch thông tin giữa người dùng, nhưng lại rất tù mù trong vận hành. Liệu văn hóa nghi kỵ đó có kìm hãm sự phát triển của công ty?” anh chia sẻ trong một buổi gặp của chúng tôi tại một công viên đầy tượng đài ở rìa khu phố cổ Barcelona.

Càng nói, tôi càng thấy anh xa lạ với văn hóa đó. Vào chuyến du hành cuối cùng trước đại dịch cuối năm 2019, Durov thuê hẳn một biệt thự to đùng bên hồ trong rừng thông ở một thành phố nhỏ của Phần Lan. Khi tụ tập ăn uống, Campo nhận thấy mình là người duy nhất nói tiếng Anh với Pavel, và cảm thấy cả đội không tin tưởng anh vì sống ở Sillicon Valley và có suy nghĩ kiểu Mỹ. Trong một lần cố gắng sắp xếp hợp tác với một đối tác Mỹ, Durov nghi ngờ thành lời là liệu anh có lợi ích kinh tế cá nhân gì không mà cứ nằng nặc đòi hợp tác như vậy.

Trong khoảng một năm, Campo bắt đầu chuẩn bị rời Telegram. Anh dành cả mùa thu để chuẩn bị cho dự án lớn cuối cùng lăng xê một chức năng có khả năng kiếm tiền của app: chủ các kênh lớn có thể đăng các thông điệp được tài trợ và Tele sẽ ăn %. (Telegram khẳng định chưa bao giờ đề xuất quảng cáo định hướng dựa trên dữ liệu của người dùng.”

Vào cuộc nói chuyện cuối cùng giữa chúng tôi hồi cuối tháng Mười, Campo hành động hơi lạ. Anh sử dụng Signal thay vì Telegram như trước đó. Khi tôi tò mò hỏi tại sao, anh nói “Ai biết được. Về mặt kỹ thuật, Telegram có thể nghe lén. Trên qui mô lớn thì không. Nhưng một vài tài khoản cụ thể thì có thể.”

Để kết thúc bài báo của mình vào tháng sau, cuối cùng tôi cũng được nói chuyện với một lãnh đạo quan trọng của Telegram: Ilya Perekopsky, sau nhiều lần bị từ chối. Lần này anh ta trả lời trong vòng 20 phút và hẹn gặp ở Barcelona.

Hai ngày sau, chúng tôi gặp nhau ở một nhà hàng tao nhã gần nhà bố mẹ Perekopsky phía nam Barcelona. Với mái tóc vàng bồng bềnh, gò má cao, mặc áo caro trong một chiếc vest vàng ngắn, anh ta trông giống như một phiên bản Ngâ của David Bowie (một ca sĩ Mỹ nổi tiếng)

Bên đĩa cá rán, dưới ánh mặt trời nóng một cách quá đáng, Perekopsky xin lỗi vì đã không trả lời kịp thời. Anh giải thích là đã cho Durov biết dự án của tôi, sợ rằng thông tin của tôi sẽ là “một chiều”. Và thuyết phục là tốt nhất nên gặp tôi trực tiếp. “Chúng tôi thực sự không quan tâm lắm đến giao du với thế giới bên ngoài, dễ làm mất tập trung.” Durov chỉ dùng kênh của mình, vì sợ sẽ bị các phóng viên sẽ cố tình kiểm duyệt hoặc chế lại lời mình.

Perekopsky cũng cố gắng lái câu chuyện sang chế độ kiểm duyệt của Google và Apple, cả hai vừa yêu cầu Telegram đóng các kênh cổ súy chống vắc xin và virus corona. “Tôi cũng nghĩ, vụ Covid này là trò cười. Đó chính xác 100% là kiểm duyệt. Ai cũng được quyền phát biểu đúng không. Họ chỉ dùng Tele để bày tỏ ý kiến. Còn chúng tôi, chúng tôi trung lập.”

Khi được hỏi về Trump, Perekopsky cũng cho rằng công ty không quá quan tâm đến việc những người hâm mộ Trump di cư sang Telegram. Anh miêu tả sự kiện này vừa bất ngờ vừa thú vị: “Thật ngạc nhiên là họ không tìm được nền tảng nào tốt hơn ở Mỹ để thể hiện quan điểm của mình. Có vẻ đó là minh chứng cho việc chúng tôi là nền tảng duy nhất không kiểm duyệt. Chúng tôi cũng có tí tự hào!” Theo anh Durov cũng đánh giá sự kiện này “Thể hiện rõ ràng sự trung lập của Telegram.”

Khi mặt trời xuống và không khí trở nên dịu hơn, Perekopsky tìm cách giải thích, cũng như Durov làm trên kênh chính thức của mình, là Telegram đã hành động nhanh chóng và nhất quán trong việc xóa những nội dung kêu gọi bạo lực.” Các chuyên gia thì không cho là như vậy. Nhà nghiên cứu Megan Squire cho biết, nhiều post kêu gọi bạo lực tồn tại hàng tháng trời. Anthony Faucy, cố vấn tổng thống Mỹ về y tế và con gái mình cũng mới bị bêu danh gần đây trên một kênh cực hữu. Mặc dù đã báo cáo nhiều lần, địa chỉ cá nhân của Squire cũng bị nêu trong nhóm ProudBoy và nằm đó hàng tháng. Perekopsky nói đã thay đổi chính sách về việc “bêu danh” và hứa sẽ xem xét vụ Squire. (Vụ này sau đó một tháng cũng được giải quyết.)

Cuối cùng tôi cũng muốn hỏi về văn hóa làm việc của Telegram. Không chỉ có Campo và Rozenberg phàn nàn về tệ sùng bái cá nhân với Durov. Lopatin nói “Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tôi rất may là đã chuồn ra kịp.” Perekopsky phủ nhận việc Durov độc tài và không ai dám cãi lại anh ta. Anh cho rằng Telegram tổ chức rất phẳng. Thay vì ra lệnh, Durov thường tìm cách thuyết phục mọi người chia sẻ tầm nhìn của mình. “Anh ta luôn rất thuyết phục.”

Hyman, người đồng ý tiếp tôi sau khi tôi nói chuyện với Perekopsky và vẫn đang tư vấn tài chính cho Telegram, cũng dùng từ “phẳng” để miêu tả cấu trúc tổ chức của Telegram.  Thật là “ngớ ngẩn” khi cho rằng Durov thiếu tin tưởng và đòi hỏi trung thành mù quáng. “Đây là một tổ chức tiến hóa đòi hỏi cao. Không phải ai cũng thích nghi được.” Durov từ chối phỏng vấn cũng như trả lời các câu hỏi kiểm tra của WIRED. Nikolai và phòng truyền thông của Telegram cũng vậy

Trong post đăng hồi tháng Hai về “tập trung với phân tán”, bản thân Durov cũng cho rằng FB đang phải nhường sân vì đội Telegram nhỏ và xa lạ với việc tập trung và bộ máy cồng kềnh. Tất nhiên điều đó dẫn đến nghi ngờ “Làm sao một đội có 30 người có một lãnh đạo cuốn hút như Durov, lại có thể ít tập trung hơn một công ty lớn như FB”.  Durov thì cho rằng “Con người thường đạt năng suất cao nhất khi làm trong nhóm ít hơn 150 người. Trong môi trường tự nhiên, một nhóm nhỏ nào cũng có thể tạo nên những lãnh đạo xuất sắc.”

Nếu Durov là “lãnh đạo tự nhiên” của Telegram, chúng ta sẽ phải đợi xem liệu nền tảng này có thể lớn mạnh thành “lãnh đạo tự nhiên” của các mạng xã hội. Chiến lược kiếm tiền của họ còn đang rất sơ khai. Và họ đang phải đối đầu với thử thách khắp nơi trên thế giới. Không có mối đe dọa nào được bàn đến trong bữa ăn trưa của tôi với Perekopsky, nhưng có thể thấy mây đen đang kéo đến. Từ đầu năm 2022, Đức và Braxin đã đe dọa đóng cửa mạng vì tội lan truyền tin giả. Braxin cũng đang nghĩ đến việc tạm dừng dịch vụ của app trong cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười tới. Nhưng chắc cũng như trước đây, Telegram sẽ tìm cách né được những đòn tấn công của chính phủ.

Vừa ăn, tôi vừa nghĩ đến cuộc gặp của Durov và Zukerberg hơn chục năm trước. Cả hai đều dự báo mạng xã hội non trẻ sẽ trở thành một siêu cấu trúc, giải phóng thông tin khỏi sự kiểm soát của nhà nước; chính phủ và các nhà lập pháp sẽ cảm thấy khó chịu và trở nên lạc hậu trước sức mạnh giải phóng tự do của các nền tảng. Tôi cảm thấy lạnh sống lưng, dưới ánh nắng mặt trời mùa đông, khi cuộc nói chuyện với phó chủ tịch Telegram kết thúc.

NTN dịch từ https://www.wired.com/story/how-telegram-became-anti-facebook/

By darren-loucaides

Nguyễn Thành Nam (dịch giả)

Founder FUNiX là một trong 13 công thần sáng lập ra Tập đoàn FPT. Với chiến công lớn trong việc khai phá và phát triển xuất khẩu phần mềm cho Tập đoàn, anh Nam từng giữ chức CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của FPT Software, kế đến là CEO FPT.

Nhắc đến “Nam già”, người ta nghĩ ngay tới vị thủ lĩnh phong trào của FPT, đồng thời là nhân vật biểu trưng cho văn hóa STCo FPT. Suy nghĩ khác người, nhiều mơ mộng, dí dỏm một cách thông thái và đặc biệt rất sáng tạo, anh Nam là dị nhân hàng đầu ở FPT. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm và quản lý, hiện anh Nam vẫn được tín nhiệm ở vai trò Cố vấn sáng tạo FPT.




Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *