Chuyện tình Blockchain

Bi kịch 3 hồi, tác giả GIDEON LEWIS-KRAUS

 (dịch từ Wired by Nguyễn Thành Nam)

Tặng các bạn của tôi đang quan tâm đến lĩnh vực này: Phan Đức Trung,Nam Dinh Nguyen,Tran Huu Duc, Đặng Minh Tuấn Vietkey, Huu Nguyen, Tâm Phan Minh, Phan Phuong Dat, Quach Ngoc Xuan và tất cả các Mentors và xTer – sinh viên FUNiX!

—-

Arthur và Kathleen Breitman nghĩ họ nắm được bí quyết có thể xây dựng được thiên đường không tưởng phi tập trung.

Một ngày xuân 2010, Kathleen McCaffrey, sinh viên năm thứ hai Đại học New York, tự nhiên nhận được lời mời dự ăn trưa với một chàng trai lạ mặt có tên là Arthur Breitman. Anh này có tư tưởng tự do và tổ chức nhậu hàng tháng để tán phét. Anh được bạn bè giới thiệu là Kathleen khá xinh và phóng khoáng. Quả nhiên cô nhận lời.

Katheleen nhớ lại, khi bước vào cửa, Arthur ồ lên sán lại, mặc dù anh không phải là người hay thể hiện chỗ đông người. Bữa trưa hóa ra là buổi chém gió của các nhà tư bản vô chính phủ, những người tin tưởng tuyệt đối vào thị trường tự do, tự điều hành, hoạt động hài hòa nhờ các hợp đồng liên kết với nhau. Khi K phát hiện ra điều đó thì cô đã bị dính mất rồi. Cô nói với A(rthur) là cô rất ngưỡng mộ Milton Friedman, để biết được hóa ra A là bạn của Patri, cháu nội của Friedman. A còn tặng cô một cuốn sách về tự do của bố Patri.

Để giữ chân người đẹp, A rủ mọi người về đập phá ngẫu hứng ngay tại căn hộ lộn xộn của mình ở khu tài chính. Sáng hôm sau, anh nhắn tin mời cô đi ăn tối. Mọi việc sau đó thành sự đã rồi.

Mặc dù hai người rất khác nhau về tính cách và xuất thân, họ là một cặp đôi đầy cảm hứng. K tràn đầy năng lượng, hoạt ngôn, mắt lạnh, tóc dày da cam, và một cách nói chuyện rất cuốn hút, đầy ắp các kiến thức triết học, kinh tế và thương mại xuyên đại dương. Arthur thì ngược lại, trầm, sắc sảo, với vẻ ngoài mềm mỏng, khắc khổ và nụ cười hà tiện. K là con của nhà thầu khu Bronx và một cô giáo tiểu học gốc Ailen, lớn lên ở Bắc New Jersey, đọc Wall Street Journal và chơi gôn với các bạn cùng lứa ở trường dòng nữ. Authur lớn lên ở ngoại ô Paris trong một gia đình có bố là nhà viết kịch nổi tiếng và mẹ là công chưc nhà nước. 18 tuổi, anh được huy chương đồng của thi Tin học quốc tế, tốt nghiệp đại học danh giá Ecole Polytechnique về anh ngành Toán ứng dụng và Khoa học máy tính. Năm nay 28 tuổi, Authur là nhà phân tích định lượng cho Goldman Sachs.

Mãi đến khi Authur bình luận mấy bài tập về Toán và Nhận thức luận của K là quá dễ, anh mới biết là cô trẻ hơn anh đến 8 tuổi và chưa tốt nghiệp Đại học. Anh không quan tâm đến sự trẻ trung của cô. Quan trọng là cô có đủ trí tuệ để tranh luận với anh. Họ yêu quí sự tự tin và cởi mở thậm chí thái quá của nhau. 

Vào mùa thu, khi K chuyển sang Đại học Cornell, cô thu xếp lịch để có thể dành nhiều thời gian với Arthur hơn là ngồi trong lớp học nhàm chán. Đôi khi nửa đêm, Authur đọc được điều gì đó về một loại trụ cầu treo mới, anh lập tức muốn thử trên thực tế. Có lần, họ bỏ hai kỳ nghỉ cuối tuần để tự chế lại một cái máy bắn đá cổ đại có tên gọi là Onager. Anh muốn cô suy nghĩ chính xác và khắt khe, nhưng khá thiếu tự tin trong tình cảm của mình với cô. Có vẻ là cô tràn trề sức sống hơn anh.

Đợi K tốt nghiệp, A và K bay sang Paris để làm lễ cưới. Sau khi uống ở Harry Bar, anh đưa cô đến ghế đá ở Quảng trường Concorde, và rút ra một cái hộp. K mở ra và thấy một chiếc nhẫn lộn ngược. Sau này K nhớ lại: “đấy đúng là Arthur. Rất nhiều công sức. Và cuối cùng để hỏng một chi tiết bé xíu”

Có nền tảng Toán, máy tính và kinh tế, đương nhiên là ngoài trụ cầu, máy bắn đá, K không thoát khỏi “cơn nghiện Bitcoin”. Anh mua những đồng bitcoin đầu tiên khi mới chỉ có vài người nghe đến nó. Anh say sưa nhồi khái niệm tiền mã hóa vào đầu K cho đến khi cô ấy phải chịu thua. A ngồi hàng giờ để nghiền ngẫm tài liệu về Bitcoin. Rõ ràng đây là cách lưu trữ và giao dịch các giá trị một cách an toàn, mà không cần phải trả tiền cho một bên trung gian đảm bảo thứ ba. Tuy nhiên nó hơi nặng nề và khó ứng dụng. Cuối cùng thì A và K cũng nhận ra rằng, “công nghệ nền blockchain của bitcoin có thể làm được nhiều hơn thế.”

Vậy thì blockchain là gì? Một số người vẫn còn cho rằng, đó chẳng qua chỉ là một thuật ngữ marketing. Theo định nghĩa chuẩn, đó là một cuốn sổ cái số, được chia sẻ phi tập trung, mã hóa một cách an toàn và không thể sửa được. Nói rộng ra, blockchain cho phép một tập hợp người lạ, có thể thống nhất với nhau một vấn đề và thực thi nó trên cơ sở hợp đồng đó. Blockchain của bitcoin thay thế nhà băng. Nhưng về lý thuyết, blockchain có thể thay thế bất cứ bên thứ ba nàocó nhiệm vụ bảo quản và lưu trữ các giao dịch quá khứ như tổ chức tín nhiệm, cơ quan dịch vụ truyền thông, etc… Chúng ta phải trả giá khá cao cho các tổ chức đó, không chỉ tiền dịch vụ, mà là còn để họ kiểm soát cuộc đời ta. Về lý thuyết blockchain tạo cơ hội giải quyết các bài toán phối hợp phức tạp, mà không để cho người điều phối “ăn quá nhiều” trong quá trình đó.

Cần phải nhắc lại, đó cũng là tiền đề ban đầu của chính internet. Không hiểu sao, tiềm năng phối hợp tập thể khổng lồ cuối cùng lại chui cả vào mấy con khủng long là Amazon, Facebook, Google, làm bên thứ ba hút máu. Blockchain chỉ hướng đến một thế giới khác, phân tán, hài hòa dưới ánh mặt trời. Vợ chồng Breitmans thích thú quan sát hỗn hợp dung dịch khởi nghiệp gia và cypherpunk (những người cổ vũ công nghệ thay đổi xã hội) lên men trong môi trường thử nghiệm này. Đa phần những nhà sáng chế blockchain thời kỳ đầu copy mã nguồn của bitcoin, sửa đi, rồi tung ra một loại tiền mã hóa mới. Kiểu như thay đổi vài đoạn DNA để tạo ra một loài mới trong cây tiến hóa. AK thì cho rằng tiến hóa hổ lốn kiểu đó thật lãng phí. Cần phải có một cỗ máy nào đó để tổ chức lại quá trình tiến hóa, thống nhất tất cả trong một dự án vĩ đại. Bitcoin không làm được điều đó, vì người được coi là sáng lập ra nóm Satoshi Nakamoto, biến mất, chỉ đóng vai Chúa trời, mặc cho các tín đồ cãi nhau loạn xạ, lập ra các môn phái hoàn toàn khác nhau không có cách nào cải tiến được.

Trong lúc AK vẫn tiếp tục tranh luận liệu blockchain sẽ ra cái gì, trừ lúc tạm nghỉ làm đám cưới ở Pari mùa hè muộn năm 2013, đối thủ đầu tiên của Bitcoin xuất hiện. Tháng 1/2014, Vitalik Buterin, thiên tài 19 tuổi gốc Nga-Canada, công bố những luận điểm chính của anh về một thứ được gọi là Ethereum. Đó không chỉ là một ngân hàng phân tán, mà là một máy tính toàn cầu phi tập trung. Ethereum không những có thể chuyển tiền từ chỗ này sang chỗ khác, mà còn cho phép chạy các đoạn mã, được gọi là “hợp đồng thông minh – smart contract”. Một nhóm người hoàn toàn có thể tự mở một công ty bảo hiểm, chấp nhận phí, tự động tính rủi ro, trả bảo hiểm mà không bị một tổ chức nào ăn chặn.

Arthur in tất cả code của Ethereum và mang theo trong tuần trăng mật mùa xuân năm đó. Anh ăn với nó, ngủ với nó, kể cả lúc trên lưng voi trên những cánh đồng cỏ của Botswana. A thấy Ethereum có rất nhiều điều tương tự như anh tưởng tượng. Cái còn thiếu là một hệ thống quản trị tham gia. Ethereum mềm dẻo hơn Bitcoin, và những sửa chữa, cập nhật được phát tán dưới sự điều tiết của nhóm nòng cốt do Buterin lãnh đạo. Cũng như ở Bitcoin, nếu bạn không thích những cập nhật mới đó, bạn chỉ có một lựa chọn: “xiên” lấy mã nguồn và tự đi đường khác. Anh quyết tâm tạo ra một cơ chế điều hành phi tập trung, thay thế kiểm soát và quyền lực bằng năng lực và trí tuệ. K hơi bi quan nhưng vẫn cổ vũ A: “chim dậy sớm sẽ bắt được sâu”, nhưng cô còn thêm vào: “chuột đi chậm có khi lại được phomat.”

Arthur Breitman

Mùa hè 2014, mấy tháng sau tuần trăng mật, A viết một bài báo (sách trắng) dưới bút danh LM Goodman, đăng lên diễn đàn bảo mật nơi Bitcoin đã âm thầm xuất hiện. (Bút danh này lấy theo tên phóng viên của tạp chí Newsweek, Leah McGrath Goodman, người đã nhận nhầm danh tính của Satoshi Nakamoto.) Bài báo vạch ra những điểm yếu của Bitcoin, dự đoán chính xác những vấn đề sẽ dự báo với tầm nhìn kinh ngạc những vấn đề hiểm họa của Ethereum, và với một tầm nhìn kinh ngạc, cảnh báo thế giới sẽ bị ngập lụt bởi các đồng tiền mới đêm đêm ra đời. Để tránh khỏi tất cả những cái bẫy đó, Goodman đề xuất một nền tảng có tên là Tezos, một đồng tiền mã hóa, có khả năng tự điều chỉnh, có thể đồng nhất tất cả những tư tưởng mới mẻ. Bài báo kết luận: “Có vẻ như trớ trêu là đẻ ra một đồng tiền mới để chống lại việc phân hóa đồng tiền cũ. Nhưng Tezos sẽ là đồng tiền mã hóa cuối cùng.”

Chẳng ai quan tâm. Mặc dù A, lúc đó đang là nhân viên của Morgan Stanley, đã ra sức giải thích ý tưởng của mình, cho các tập đoàn đang quan tâm đến blockchain. Nhưng như bản thân thừa nhận, A là người bán hàng tệ hại nhất cho chính sản phẩm của mình. Ngoài ra Tezos với ý tưởng tạo môi trường hợp tác cực lớn, không hợp với tư duy “tập đoàn” của các lãnh đạo cấp trung chỉ muốn tỏ ra sáng tạo với sếp của mình. Nhưng làm thế nào để xây được mạng người dùng đủ lớn? Thời âm thầm tiến của Bitcoin đã qua. Chiến trường giờ là sự cạnh tranh hỗn loạn của nhiều đối thủ.

Nhưng có một yếu tố mới. Đó là ICO – initial coin offering. Một cách khởi sự hệ thống phi tập trung qua mô hình huy động vốn từ đám đông – crowfunding. Kiểu như một ông chủ công viên giải trí, định làm một cái đu quay mới, bán trước chứng chỉ sử dụng- kiểu như xèng (có giảm giá), để lấy tiền xây dựng đu quay. Tất cả những người mua đều có quyền kiểm soát, theo dõi, sửa chữa và hưởng lợi nhuận từ cái đu quay này. ICO là đường tắt để đi từ một ông chủ trung tâm đầu tiên đến một cộng đồng phi tập trung không tưởng. Có chút rủi ro chẳng hạn như ông chủ thu tiền xong không chịu xây. Nhưng Ethereum đã kiếm được $18m bằng cách bán xèng này, và vào lúc đẹp trời, số xèng này có giá trị đến 135m đô.

Người thực hiện vụ này cho Ethereum là một công dân Nam Phi sống ở Thụy Sĩ, có tên là Johan Gevers. Được Gevers tư vấn, A K quyết định sẽ đi theo con đường này. Họ hy vọng là có thể kiếm được $20m và gây một chút tiếng vang gì đó. Họ đã không ngờ được. Tezos ICO trở thành vụ ICO lớn nhất cho đến tận hôm nay. Còn hơn nữa, dự án sau đó vướng vào vô khối những hận thù, tranh chấp, thậm chí âm mưu ám sát. Một tham vọng không tưởng đã nổ tung thành một vụ bê bối lớn nhất trong thế giới mã hóa.

Johann Gevers rất cao, rắn rỏi, hấp dẫn, tuổi ngoài 50, trán cao, tóc ngắn hoe vàng, có ánh bạc và mắt xanh xám. Ông xuất thân từ các nhà truyền giáo Đức, sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, nói được tiếng Zulu. Nghiên cứu tâm lý học, toán, triết học, sau đó là kế toán và kiểm toán, trước khi hành nghề tư vấn kinh doanh và đầu tư. Năm 1998, chán chường với chế độ “độc tài tài chính”, ông bỏ sang Canada xây dựng sự nghiệp. Tự xưng là “lãnh đạo có tầm nhìn”, ông thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng 2008 và sự vươn lên của Bitcoin. Đồng tiền mã hóa, tạo cơ hội để thế giới thoát khỏi những ông lớn “quá to để chết” và xây dựng môt hệ thống tài chính an toàn hơn.

Năm 2012, Gevers đồng sáng lập công ty thanh toán số Monetas, nhằm cung cấp dịch vụ tài chính cho hàng tỷ người chưa đến ngân hàng. Vì đây là miếng bánh được các ngân hàng cùng với chính phủ bảo vệ, ông phải mất 2 năm để đi tìm một môi trường pháp lý phù hợp. Đầu tiên ông qua Singapore (Thụy Sĩ của châu Á) rồi Chi lê (Thụy Sĩ của Nam Mỹ) và cuối cùng dừng lại ở Zug- Thụy sĩ của Thụy sĩ, một thị trấn nhỏ trên núi cách Zurich nửa giờ lái xe, để chuyển công ty của mình đến đó 

Johan Gevers

Zug là một địa phương nghèo chủ yếu nuôi bò sữa, cho đến trở thành “thiên đường thuế” những năm 1940. Đến 2010, thị trấn có 115000 dân và 29000 công ty, đa phần có trụ sở tại các hòm thư bưu điện. Dân cư sống ở những biệt thự trên đồi, phía dưới là những đường phố với các cửa hiệu cũ kỹ, các ngõ nhỏ dẫn ra bến cá được phục hồi từ thời trung cổ. Dấu hiệu xa hoa duy nhất là quá nhiều ô tô. Zug được coi là có chỉ số mã lực, hay số xe Porches trên đầu dân cao nhất nước. Đại lý Maserati nằm cạnh đại lý Ferrari, đối diện với showroom nữa cũng của Ferrari.

Tháng 6/2017, một hội phát triển kinh doanh địa phương, đã sắp xếp cho tôi gặp Gevers, người được hội này xưng danh như các ngôi sao mà khu vực cần phải thu hút. Văn phòng Moneta nằm trong một tòa nhà năm tầng, phía dưới cơ quan thuế và kiểm toán địa phương, cạnh phòng chữa răng. Hành lang sặc mùi thuốc diệt khuẩn. Tầng 4 của tòa nhà để không. Có vẻ như không có ai làm việc trong trụ sở của Moneta cả, cửa kính tối om. Gevers đến muộn một chút và giải thích là công ty ông đang chuyển trụ sở. Chúng tôi xuống quán café ở tầng trệt. 

Gevers có giọng nói lên xuống, ngắt đoạn, kiểu như diễn viên đeo tai nghe không dây trong nhà hát. Câu chuyện ông kể cho tôi bắt đầu từ thời ăn ở trong hang, tới cộng hòa Venice, rồi hệ thống đường sắt của Mỹ, kết với sự thành công của Ethereum. Lịch sử đã dạy ông ta các bỏ qua chính trị để đặt niềm tin vào công nghệ. Tuy nhiên ông thích bầu không khí chính trị ở Zug. “Anh cần gì, có thể nhấc máy, và sẽ có cuộc hẹn trong vòng 24h.”

Gevers không chỉ muốn khởi nghiệp ở Zug, ông muốn đặt nền móng để ngành công nghiệp dựa trên blockchain khởi sắc. Trước khi Gevers đến, một số nhân vật tiên phong ở Thụy sĩ đã thử nghiệm một cơ chế pháp lý chống lừa đảo để huy động vốn cho các doanh nghiệp mã hóa. Đi đầu là một công ty luật có tên là MME, chuyên sâu về công nghệ, chống rửa tiền và hòa giải. Mấu chốt là luật dân sự Thụy Sĩ khá mềm dẻo cho việc thành lập các Quỹ phi lợi nhuận. Ví dụ, có thể tạo một quỹ độc lập để hỗ trợ một nền tảng mã nguồn mở vì lợi ích của công chúng. Thay vì việc bán “xèng”, quỹ có thể kêu gọi đóng góp, và cám ơn những nhà hảo tâm bằng “xèng”. Cấu trúc của quỹ sẽ bảo đảm tiền được đầu tư xây dựng nền tảng chứ không biến mất vào tài khoản nào đó trên các đảo Caribe. Thêm nữa, chính quyền sẽ giám sát các quỹ này. Điểm sáng nhất của mô hình này, là xèng không được coi là công cụ đầu tư, do đó không bị điều tiết bởi thị trường chứng khoán Mỹ, EU. Kết quả của phép giả kim kinh tế này chính là ICO. (Sau đó Malta và Gibralta cũng bắt chước Thụy Sĩ.)

Thành công của Ethereum và các lần ICO Thụy Sĩ sau đó, làm cho những người cổ súy nhiệt tình như Gevers và MME tin rằng đây là chìa khóa để kích hoạt nền kinh tế “xèng” và tạo ra nhiều của cải cho địa phương. Mùa xuân năm ngoái, Hiệp Hội Thung Lũng Mã Hóa (Crypto Valley Association) được thành lập. Kinh tế blockchain được kỳ vọng sẽ bù đắp cho những thiệt hại kinh tế mà các Ngân hàng Thụy sĩ phải gánh chịu khi đầu hàng quyền riêng tư của khách hàng trước sức ép của cộng đồng quốc tế.

Zug trở thành thị trấn đầu tiên trên thế giới chấp nhận thuế bằng tiền mã hóa. Các con chiên của blockchain khắp thế giới đổ về đây. Một buổi chiều, tôi café với Dane. Anh vừa rít tẩu vừa chia sẻ với tôi về viễn cảnh blockchain được sử dụng để cải thiện cuộc sống của người nghèo. Anh giải thích, ví dụ như nông dân châu Phi, bất cứ một tay trưởng thôn nào cũng có thể tước quyền sử dụng đất của họ. Tưởng tượng là họ có 1 cái smartphone, đánh dấu tất cả địa giới của họ trên blockchain. Lão trưởng thôn mà đến, gí smartphone vào mắt lão. Lão ấy sẽ chỉ có thể gật đầu mà bỏ đi thôi.

Những lãnh đạo nhìn xa như Gevers, người cho rằng các quỹ đầu tư ở Silicon Valley còn nguy hiểm hơn trưởng thôn châu Phi, tỏ ra thực tế hơn.

Phong trào cải đạo sang blockchain cũng gặp một số trở ngại. Năm 2016, một tổ chức tự xưng là Tổ Chức Tự Trị Phi Tập Trung (DAO – Decentralized Autonomous Organization), thu được $150m qua ICO, qua việc phát hành một đồng tiền con của Ethereum (điểm mạnh của E là cho phép bạn có thể dễ dàng xây “xèng” của mình, kiểu như Trò chơi Núi Vũ Trụ trong Công viên Disney, có thể tự phát hành thêm thẻ thanh toán đeo tay của mình). Sau khi phát hành, hackers đã lợi dụng một lỗ hổng bảo mật, ăn cắp hơn $50m. Cộng đồng Ethereum cãi nhau loạn xạ. Nguy hiểm nhất là vụ việc có vẻ lôi kéo sự chú ý của Ủy ban chứng khoán Mỹ đến toàn bộ hệ thống ICO.

Nhưng như thế là chưa đủ để ngăn cơn sốt ICO. Năm ngoái, các doanh nghiệp đã thu về $6.5B. Một ICO thu được $153 m chỉ trong vòng 3 tiếng. Một số quan chức bi quan cảnh báo về hệ thống Ponzi và các trò lừa đảo trắng trợn tương tự. Mọi người ở Zug cũng biết. Nhưng họ tin rằng đó là vấn đề đạo đức chứ không phải lỗi của phần mềm. Và có một giải pháp kỹ thuật có thể chống lại được hết. Gevers hé lộ cho tôi buổi sáng tháng Sáu đó. Hai tuần nữa thế giới sẽ biết. Đó là Tezos.

Gevers và Arthurs gặp nhau năm 2011 qua hội của Patri Friedman. Ông này thuê Gevers trong dự án xây dựng một thành phố tự do ở Honduras. Arthur cũng thích thú với dự án này và Gevers rất ấn tượng về sự thông minh của anh. Họ hài lòng khi thấy triết lý của họ khá khớp nhau (và bây giờ là khớp với cả lịch sử). Hè muộn 2016, Arthur nhờ Gevers giới thiệu với cộng đồng ở Crypto Valley.

A đến Zug đúng thời điểm, giữa lúc DAO đang làm Ethereum lao dốc. DAO làm lộ một lỗi bảo mật trong mã nguồn. Trong quá trình sửa lỗi, cộng đồng phát hiện ra sự thiếu ổn định có tính hệ thống. Bọn hackers đã cuỗm đi $50m chẳng làm gì sai, chúng chỉ phát hiện ra lỗi và nhận quà. Một số chuyên gia cho rằng bọn trộm đã cố tình cảnh báo cộng đồng về sự thiếu an toàn của nền tảng, và đề nghị vặn ngược đồng hồ để đưa Ethereum về trạng thái trước đó. Một số thì tin rằng, sự an toàn của blockchain là tiên đề, và vì thế không gì có thể thay đổi được, kể cả trộm. Cha đẻ của Ethereum, Buterin, sau khi tham khảo cộng đồng, đã thông báo là tiền sẽ được khôi phục lại về vị trí khởi thủy trong sáng trong sổ cái. Thượng đế đã giáng chỉ thay đổi tính thiêng liêng của blockchain. Cộng đồng Ethereum chia rẽ. Một số tuân theo thánh chỉ. Số khác không chịu đảo ngược, chấp nhận đồng tiền đã bị con người làm ô uế.

Gevers nói về Tezos như một đấng cứu thế. Không như bọn kỹ sư phần mềm lộn xộn ở DAO, Arthur có “một sự tập trung điên rồ về an toàn bảo mật”. Gevers cũng ám ảnh an ninh, vì “đã từng lớn lên ở Nam Phi với đầy rẫy hiểm nguy.” Nhưng Arthur đi xa hơn, “Thậm chí tới mức cực đoan. Đủ mạnh để gánh vác thế giới tài chính. Ngàn tỷ đô la – ngàn ngàn tỷ!” Chưa hết, Tezos còn có cơ chế quản trị minh bạch. Trong khi đó cộng đồng Bitcoin và Ethereum “suốt ngày cãi nhau trên bảng tin – họ ghét nhau, và điều đó gây hại cho toàn hệ sinh thái.”

Gevers, Breitmans và các luật sư của MME thống nhất dùng cấu trúc Quỹ Thụy sĩ để hỗ trợ tác phẩm của Arthur. Sứ mệnh của Quỹ Tezos, được khắc bằng song ngữ là mang lại quyền lợi “cho các cấu trúc phần mềm mở và phi tập trung”, nhấn mạnh vào “cái gọi là Tezos protocol” và các công nghệ liên quan khác. Tất cả tiền thu thập được sẽ được sử dụng cho sứ mệnh đó. Arthur là nhà sáng chế, có trách nhiệm làm cho nền tảng phải hoạt động, nhưng lại có quan hệ kiểu hợp đồng với Quỹ. Nếu không thì Tezos ICO trông giống chỉ như giấy phép cho Breitmans in tiền. K chưa gặp trực tiếp Gevers và cũng không biết gì về luật Quỹ của Thụy sĩ, nhưng có đôi chút kinh nghiệm làm ăn ở quỹ đầu tư Bridgewater và hãng tư vấn Accenture. K chỉ quan tâm đến kế hoạch tiêu tiền một cách tỉnh táo. Cô không muốn những người giữ “xèng” cảm giác bị Tezos lạm dụng niềm tin.

Gevers đương nhiên là ứng cử viên cho chức chủ tịch quỹ. Ông có tất cả phẩm chất cần thiết: được đào tạo về kế toán, giao du với những nhân vật quan trọng cả ở địa phương và trên tầm quốc tế. Ông gây ấn tượng với nhà Breitmans như một trụ cột của cộng đồng và vì thế họ cũng cảm thấy không cần tìm hiểu gì thêm. Mặc dù có vẻ như rất bận rộn với Monetas (nghe đâu sắp gọi được vốn lớn), ông vẫn nhận lời với quỹ Tezos. Hội đồng quỹ có 3 người, ngoài Gevers còn có 1 nhân vật kỹ thuật có quan hệ với Arthur và một doanh nhân địa phương gốc Đức do MME giới thiệu (ông này ngồi trong khoảng chục hội đồng).

Tình cờ, khi tôi gặp Gevers hồi tháng sáu, Arthur cũng đang ở Zug. Gevers đặt bàn ăn nhìn ra hồ ở một quán được coi là nơi tụ tập không chính thức của cộng đồng blockchain địa phương. Chỉ còn 2 tuần nữa là Tezos ICO, nhưng Arthur có vẻ rất thờ ơ, với Crypto Valley và thậm chí là các loại ICO. (Cũng trong ngày hôm đó, một nhóm Israel kiếm được $150m nhờ bán xèng). Anh chỉ quan tâm đến các phương thức quản trị tiền mã hóa, còn lại thì không nói gì, cố gắng ăn.

Quên, A có nói chuyện đôi chút về gia đình. Anh vừa từ Paris về, sau khi rải tro ông bố Jean-Claude Deret mới qua đời năm trước ở tuổi 95. Thời niên thiếu Deret phải chạy trốn quân phát xít, còn bố ông thì bị lùađến trại tập trung Buchenwald. Những năm 60, Deret thành danh nhờ 1 show truyền hình cho trẻ em, kiểu Robin Hood, kín đáo tấn công bọn Pháp phản bội. Khi Arthur trưởng thành, gia đình anh chứng kiến sự tận hiến của các trí thức cánh tả Pháp, nhưng việc học máy tính và kinh tế đã biến anh thành một nhà lý luận trong chủ nghĩa lạc quan truyền thống Pháp. Và anh thấy hứng thú trong việc theo đuổi các chủ thuyết lập dị cứng đầu.

A chuyển đến Manhattan năm 2005 để học với Nassim Nicholas Taleb, tại Đại học New York. Quan điểm của Taleb về tính ngẫu nhiên của cuộc đời phù hợp với niềm tin cuộc đời là một bài toán tối ưu đa chiều của Arthur. (Taleb cho rằng đi nhậu bao giờ cũng tốt vì chi phí cơ hội thấp và kết quả thường cao. Cưới được K có thể là do A đã theo lời khuyên này của thầy, tuy nhiên, sau này anh thổ lộ là toàn đứng một mình trong góc trong các cuộc nhậu.) Mặc dù ưa thích chủ nghĩa tư bản vô chính phủ, A không coi các ngân hàng là quỷ sứ. A thích các ngân hàng, và cho rằng quy định dữ trữ tối thiểu, là một sáng kiến tuyệt vời. Nếu cần phải thay đổi gì thì là tăng số lượng ngân hàng lên để tăng tính cạnh tranh. Từ năm 7 tuổi, A đã được đi thăm Thị trường Chứng khoán NY và ước mơ được làm ở phố Wall.

A có vẻ thờ ơ. Nếu câu chuyện không hấp dẫn, anh lơ mơ như ngủ gật. Có gì liên quan, anh choàng dậy và mở máy. Nhưng nếu như anh tỏ vẻ coi thường mấy thứ ngớ ngẩn và lộn xộn trong vụ ICO sắp tới, thì là do anh đang có quá nhiều suy nghĩ trong đầu.

Nhà Breitmans bắt đầu có một số quan ngại về Gevers. Mặc dù K vẫn công khai miêu tả ông ta như một “Quý Ông”, nhưng, như sau này cô kể cho tôi, K thấy khó gần được người đàn ông này và không thể kiềm chế thỉnh thoảng lại “chơi” ông ta bằng tính soi mói của mình. Cô hỏi ông sắp gọi vốn thế nào mà văn phòng vẫn vắng ngắt. Cô đề nghị đưa bản giới thiệu, để giúp đi tìm nhà đầu tư, nhưng Gevers từ chối. A nhắc K không nên quá cứng với Gevers. Nhưng rồi bản thân anh cũng bắt đầu lăn tăn. Ngày 2/6, hội đồng quỹ chấp thuận cho Gevers được toàn quyền quản lý tài khoản ngân hàng và các khoản dự trữ của quỹ. Tom Gustinis, một kiểm soát viên của UBS (United Bank of Switzeland), người cũng đang đàm phán với Gevers để đầu tư vào Monetas, đã gọi riêng Arthur ra nhắc “liệu có nên đặt quá nhiều quyền lực vào tay Gevers như vậy?”

A thì không cho đó là dở, mục đích là quản lý quỹ một cách đơn giản và hiệu quả. Nhà Breitmans lo hơn là liệu Gevers có dành đủ thời gian cho Teroz nếu ông vẫn có trách nhiệm với Monetas. Nên họ không phản đối quyết định của Hội đồng quỹ. Họ quan tâm hơn nhiều liệu ICO của họ có bị bọn hackers lợi dụng không.

Ngày 1/7/2017, một đồng tiền mới có tên là tez được chính thức công bố. Cộng đồng tranh cãi liệu đây có phải là một Ethereum mới. Giá ban đầu là khoảng 5000 tez đổi lấy 1 bitcoin, tức là tương đương với $.5 một tez. Ngoài ra có giảm giá để khuyến khích những nhà đầu tư sớm. Sau 2 tuần, vào cuối ngày 13/7, đã có 607 triệu tez được đăng ký. Quỹ Tezos thu về $232 triệu cho một đồng tiên chưa tồn tại, và nếu đọc kỹ bản cáo bạch, thì cũng có thể sẽ không bao giờ tồn tại. Tại thời điểm này đó là ICO lớn nhất. Gevers phát cuồng, viết trên Tweeter: “Tezos kiếm được 200 triệu trong 3 ngày, hứa hẹn sẽ trở thành một trong 3 dự án blockchain lớn nhất.”

Vào những năm 80, có một người đàn ông tên là Frank Tortoriello muốn chuyển nhà hàng ăn nhẹ của mình tại Main Street, ở Great Barrington, Massachusetts, nhưng không thể vay được khoản tiền cần thiết từ ngân hàng. Anh ta bèn tự phát hành một đồng tiền là Deli Dollar (dd). Anh nhờ một người bạn thiết kế mẫu và tự mình ký tên vào đó. Cứ 8 đồng dd thì sẽ được ăn một món trị giá $10. Anh kiếm được $5000. Một giám mục nhà thờ địa phương hay ăn ở quán của Frank chấp nhận dd như tiền lễ. Cả nhân viên ngân hàng không cho anh vay tiền, cũng đứng xếp hanfgmua dd. Chủ các cửa hàng xung quanh cũng chấp nhận dd để thanh toán. Họ tin vào sự chăm chỉ và anh sẽ trả họ bằng bánh mì ngon.

Chúng ta đánh giá dd, hay euro, hay yên, hay francs, vì chúng ta tin rằng những người khác sẽ chấp nhận thanh toán nó; chúng ta cũng tin là chính quyền sẽ không in quá nhiều tiền để làm mất giá nó. Cải tiến của bitcoin là nghĩ ra cách mới để luân chuyển nó. Ghi nợ ở sổ tôi, và ghi có cho anh, mà không cần phải tin tưởng một bên thứ ba nào. Về lý thuyết, không thể làm sai lệch số liệu kế toán, không thể làm tiền giả và không sợ siêu lạm phát (tổng cộng chỉ có 21 triệu bitcoins). Các bên ủy thác ăn chặn thứ ba phải nhường chỗ cho một hệ thống không thể mua chuộc.

Breitmans có một điểm khác biệt với những tay chơi khác trong trò chơi-in tiền là họ không bao giờ tin là bitcoin thành công “vì toán học”. Tất nhiên A hiểu rằng, nếu chỉ dựa được vào toán thì là tuyệt vời, nhưng đó là bất khả. Chúng ta phải dựa vào con người, cái mà các tổ chức luôn làm được. Mà có vô khối những con người tin cậy, những tổ chức tin cậy, được hình thành từ sự hợp tác hàng ngàn năm của loài người. Tiền tệ là một công nghệ điều tiết sự hợp tác ấy.

Chỉ có thể hiểu được blockchain nếu hiểu nó như là sản phẩm của lịch sử hợp tác đó. Thương mại đã chứng kiến sự ra đời của nhiều loại tiền. Dễ giữ giá trị nhưng khó trao đổi như vàng; dễ trao đổi như kém giá trị như hạt cacao; dễ trao đổi, dễ giữ giá trị, nhưng khó làm đơn vị ghi chép như euros thời đầu – nhưng không có nhiều ví dụ về sự tái cấu trúc giữa chừng thành công của đồng tiền, theo yêu cầu của cộng đồng. Có cả một phong trào xã hội được phát động để phản đối tính cứng nhắc của tiền tệ. Mà sự chia rẽ của Bitcoin là một ví dụ. Một ví dụ khác, được ghi nhận trong cuốn tiểu thuyết “The Wizard of Oz”, là phong trào mở rộng tiền tệ, tạo tiền đề cho một số cuộc nổi dậy có tính dân túy ở Mỹ cuối thế kỷ 19. Tezos miêu tả các đồng xèng tương lai sẽ là những loại tiền tệ có thể lập trình mà người sở hữu nó có quyền can thiệp.

Ví dụ, có thể cho Deli Dollars vào Tezos. Mỗi người mua dd đếu có tiếng nói trong việc đồng tiền này sẽ diễn biến thế nào. Họ có thể quyết định, chẳng hạn, nếu bạn lau nhà cho Frank một giờ, bạn sẽ nhận được 5 dd, hoặc nếu bạn nghĩ ra một loại bánh mới mà Franks sẽ sản xuất và bán, bạn sẽ được trả 2% hoa hồng bằng dd. Tất cả các hạch toán đều được tiến hành tự động, không thể can thiệp được, bạn không cần quan tâm sổ sách đang nằm đâu. Nếu nhân dân lũ lượt kéo đến lau nhà cho Frank dẫn đến phải in thêm nhiều dd, người mang dd đến mua bánh xếp hàng đầy phố, thì Frank có thể sẽ bị buộc phải tăng giá bánh kẹp. Hệ thống sẽ tự động điều chỉnh lại “tiền công” và “giá bánh kẹp” để cân bằng lạm phát. Có thể hiểu thế này: giá bánh kẹp, so sánh với lượng tiền dd phát hành, sẽ không đổi. Rất giống một cộng đồng hippy với FR (federal reserve – ngân hàng trung ương Mỹ) siêu địa phương. Breitmans tin rằng blockchain không thay thế niềm tin vào Frank mà bảo lãnh và mở rộng niềm tin ấy

Tezos được thiết kế, một phần để giúp các doanh nghiệp kiểu Frank muốn mở rộng quy mô hoạt động, hoặc những tập đoàn lớn muốn lấy lại lòng tin của dân chúng bằng cách ủy quyền việc kế toán cho blockchain. Chẳng hạn một trò chơi video, có mô hình kinh tế tự thân dựa vào “vàng số hóa”; Tezos sẽ ngăn cản việc cố ý phát hành thêm tiền. Hay kiểm soát dặm thưởng, một loại tiền riêng của các hãng hàng không, mà hành khách rất nghi ngờ vào tính minh bạch của nó. Chẳng có ý nghĩa gì nếu năm nay hãng đặt limit là 35000 dặm, năm sau lại thành 70000. Nếu tất cả những quy tắc được cho vào “smart contract – hợp đồng thông minh” của một blockchain công khai, dặm thưởng sẽ có giá trị hơn. 

Tất cả những điều đó, tất nhiên là trên lý thuyết. Như John Kenneth Galbraith phát biểu: “điều duy nhất không đổi trong lịch sử tiền tệ, là cứ mỗi một phương thuốc lại là nguồn đẻ ra một sự lừa đảo mới”.

II

Có vẻ như việc ICO thành công, tất cả đã sẵn sàng để đưa Tezos từ ý tưởng trở thành hiện thực. Vợ chồng Breithmans giữ bản quyền trí tuệ của dự án – mã nguồn của Tezos thông qua một công ty ở Delaware có tên là Dynamic Ledger Solution; quỹ, theo hợp đồng với Breitmans và theo điều lệ, có trách nhiệm phải đưa hệ thống vào vận hành. Theo hợp đồng, quỹ sẽ có khoảng 9 tháng để làm việc đó. Khi hệ thống đã hoạt động một thời gian xác định, quỹ sẽ mua lại mã nguồn và thương hiệu Tezos của Breitmans với giá là 8.5% số tiền đã huy động được cộng với 10% số “xèng” được phát hành trong “genesis block – block nguyên thủy.” Quỹ có thừa nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ của mình. Mặc dù tài sản quỹ chủ yếu nằm ở tiền mã hóa, và quỹ đã bắt đầu bán lấy tiền mặt để chi trả lương và thuê văn phòng, với tốc độ có ngày bán tới 500 ngàn đô la.

Những dấu hiệu rạn nứt bắt đầu ngay lập tức. Vài ngày sau khi đóng sổ ICO, Gevers nhắn Arthur là cần tuyển 1 COO cho quỹ, và đề xuất dùng chung với Monetas. Ứng viên dự kiến là Tom Gustinis, người mới tháng trước đã cảnh báo Arthur về việc Gevers có quá nhiều quyền. A trả lời là quỹ hoàn toàn có thể trả lương 1 COO toàn thời gian, nhưng có lẽ K là người có thẩm quyền hơn trong việc này. Gevers không chịu thua, nói rằng hai công ty có công nghệ khác nhau nhưng “chung một mục tiêu, xây dựng nền tảng cho khách hàng.” Vả lại Gustinis sẵn sàng làm miễn phí (tức là chỉ lấy tiền ảo). Đề xuất này khá ngược đời, tại sao một quỹ có $232 triệu tài sản lại phải đi mướn một ông quản lý cấp C làm việc theo chế độ bán thời gian. Nhưng Gevers là chủ tịch, ông có quyền đề xuất bất cứ điều gì để hội đồng phê duyệt. Vấn đề bị treo lại.

Các va chạm nhỏ liên tiếp xảy ra. Arthur phát triển Tezos dựa trên một ngôn ngữ lập trình của giới hàn lâm Pháp, và thuê một công ty Pháp có tên là OcamlPro. Theo emails của quỹ, Arthur có mâu thuẫn với hãng này về việc thưởng liên quan đến ICO của Tezos. Công việc chậm lại và Gevers đề xuất có thể thuê một hãng khác, rẻ hơn. Arthur rất cáu. Đây không phải là vấn đề thuê mướn IT, đây là khoa học máy tính. Gevers cũng rất chi li, chẳng hạn hỏi tại sao A lại mua bánh kẹp trên máy bay. Đương nhiên là A nổi điên, đến lượt G lại biện hộ. Một cuộc tranh luận nhỏ cũng có cơ biến thành một cơn trút cảm xúc.

Mùa hè vẫn tiếp diễn, và càng ngày càng khó gặp Gevers, lúc nào cũng như đang đi đến một hội nghị blockchain nào đó.  A nghĩ rằng ông bận với Monetas, dự kiến vào tháng 8 sẽ chuyển đến 1 địa điểm được tính tiền cho Tezos. Nhưng Gutstinis lại khẳng định ông ta không bao giờ có mặt ở đấy. Không ai biết ông ta đang làm gì.

Cũng theo emails của quỹ, Gevers đã mời 2 thành viên còn lại của hội đồng họp ngày thứ Sáu, 8/9, để đề xuất thuê Tom Gustinis, lần này làm CFO bắt đầu từ thứ Hai tuần sau. Diego Olivier Fernandez Pons, thành viên có quan hệ lâu dài với Arthur, có đặt vấn đề sao phải gấp rút vậy. Gevers trả lời rất dài, nói về tính cầu toàn của ông ta và sự tin cậy lẫn nhau: “chúng ta cần phải nhớ là không có hệ thống nào có thể thay thế được sự tin cậy. Nếu chúng ta không tin tưởng lẫn nhau, có đưa vào bao nhiêu hệ thống thì cũng hỏng.” Sau đó lại thuyết phục rằng tuyển Gustinis không tốn kém lắm vì ông này chỉ làm bán thời gian. Gevers cũng quên không báo với hội đồng là ông đã tuyển Gustinis vào chức danh COO ở Monetas.

Bốn ngày sau, Gevers lại đề nghị điều chỉnh ngay lập tức hợp đồng với cá nhân, vì thực ra ông đang làm “công tác điều hành”, đính kèm là đề xuất mức lương cho bản thân lên đến hàng trăm ngàn francs Thụy sĩ. Ông còn nhắc rằng, Arthur đã đồng ý bằng miệng giảm giá 50% tezos cho ông trong thời gian ICO, ngoài ra hợp đồng còn có điều khoản thưởng bằng xèng hàng năm. Do mạng lưới Tezos chưa chính thức vận hành, khó đánh giá giá trị của những đồng xèng này. Nhưng trong những trao đổi riêng tư lúc đó, Gevers cho rằng giá trị hợp đồng phải là hàng triệu đô la.

Arthur không hài lòng ra mặt. Anh gọi Gevers là kẻ thiểu năng và đe dọa sẽ đưa ra công chúng, nếu ông làm cái gì đó quá đáng, như hủy bỏ hợp đồng với công ty Breitmans. Theo Pons, Arthur cũng gây khó dễ cho thành viên thứ ba của hội đồng. Để đáp trả, Gevers buộc tội A đã gây “ảnh hưởng không phù hợp” đến hoạt động của quỹ và dừng tất cả các hoạt động cho đến khi hợp đồng với cá nhân ông được giải quyết. Không ai được trả tiền, kể cả nhân viên và các lập trình viên. 

Pons mail cho các thành viên hội đồng và đánh giá tình hình là “nguy hiểm”. Quỹ chưa làm được gì từ khi ICO và có nguy cơ bị mất giấy phép, vì không tuân thủ hợp đồng với Breitmans. Bản báo cáo tài chính cho thấy khoản thu $65m từ việc bán tiền mã hóa, và các khoản chi hoạt động chưa đến $1m. Quỹ mới thuê được có 1 nhúm nhân viên hợp đồng, một trong số họ gửi ảnh chụp màn hình với tài khoản rỗng, để đòi tiền lương. Đã đến lúc phải thuê người điều hành bên ngoài.

Gevers cho rằng không phải lỗi của ông ta. “Tôi không thể thực hiện hết các việc hàng ngày. Và đó cũng không phải là thế mạnh của tôi, là tầm nhìn, truyền cảm hứng. Arthur đã từ chối các yêu cầu tuyển dụng của tôi, đề xuất tuyển người thân của cậu ấy.” Gevers ngụ ý “người thân” đây là Pons, ông còn nghi ngờ là Pons được vợ chồng Breitmans trả lương để làm tai mắt cho họ. Gevers cũng yêu cầu các nhân viên của quỹ ngừng giao tiếp với Breitmans.

Chỉ vài tuần sau ICO, Quỹ Tezos, có vẻn vẹn 3 thành viên hội đồng, không có nhân viên, hai khiếu nại về nhân sự, và sự mâu thuẫn công khai với những người thực sự đang nắm sở hữu trí tuệ. Trong lúc đó, nhờ sự tăng giá của tiền ảo, giá trị tài sản của quỹ tăng lên gấp đôi, hơn $400m.

Ngày 15/10, một luật sư của Breitmans gửi một bức thư 46 trang cho 2 thành viên của hội đồng buộc tội Gevers là “tự tung tự tác” trong việc cố gắng cấp cho mình “giấy phép in tiền”, cũng như “quản trị không trung thực” theo luật của Thụy sĩ, và đề nghị sa thải Gevers.

Tin này ngay lập tức đến tai các phóng viên của Reuters đang viết về Tezos. Ngày 18/10, Reuters công bố bài phóng sự 3300 chữ về Tezos, khẳng định: “đang sụp đổ vì cuộc đấu đá nội bộ giành quyền kiểm soát.” Gevers trả lời Reuters rằng việc công bố bài báo chẳng khác gì một vụ ám sát và liệt kê danh sách một loạt những nhận định sai lầm và nói thẳng ra là dối trá trong bài báo.

Trong phần lớn bài báo, các phóng viên miêu tả cuộc tranh chấp giữa Breitmans và Gevers là việc ăn chia không công bằng giữa hai kẻ ăn trộm. Sau khi nhận xét rằng thị trường tiền mã hóa đã trở thành “thỏi nam châm thu hút bọn lừa đảo”, các phóng viên trích lời của Kathleen trước ICO, miêu tả Thụy sĩ là nơi: “các quan chức giám sát hành động quá điên rồ.” Bài báo cũng vạch ra rằng hãng truyền thông của Breitmans đã thổi phồng sự ủng hộ của các tổ chức tài chính với Tezos. (K cho tôi xem một số email cho thấy cô không đồng tình với chương trình này của đối tác truyền thông.) Ngoài ra, các phóng viên phân tích hợp đồng cho thấy ngay cả khi Tezos không đi đến đâu, vợ chồng Breitmans vẫn có thể kiếm được cả chục triệu đô.

Nhưng phần đáng ngại nhất với Breitmans là bài báo cho rằng Tezos ICO chính là việc bán một chứng khoán không được đăng ký. Phóng viên trích dẫn một loạt người mua xèng Tezos, thừa nhận là họ mua chỉ với mục đích đầu cơ bán lại. Một người có tên là Kevin Zhou nói “với tôi, và tôi nghĩ với nhiều người khác nữa, đó là một khoản đầu tư, chúng tôi muốn kiếm lời. Chúng tôi không quan tâm đến việc sử dụng công nghệ Tezos”

Những lời buộc tội này là có cơ sở với những người đang định bán xèng, trong bối cảnh SEC (Ủy ban chứng khoán Mỹ) ra thông báo về vụ việc của DAO. SEC viết: xèng của DAO hiển nhiên phải được coi là chứng khoán. Khả năng là tất cả những giấy tờ từ Thụy sĩ đều phải bị điều tiết, “tùy thuộc vào từng vụ ICO cụ thể.” Một số nhà quan sát lạc quan cho rằng SEC có thể cho phép bán những “xèng tiện ích – utility token”, kiểu như Deli Dollar, tức là có làm thực sự một việc gì đó. Ví dụ như Ethereum đã phát triển từ một nhóm sáng lập ban đầu thành một cộng đồng đa dạng, tham gia hoạt động tích cực. Những xèng ether trở thành một công cụ thay đổi cách quản lý các hệ thống tiện ích, những công ty khởi nghiệp về nội dung hay dịch vụ âm nhạc. Tezos, nếu được thực hiện, cũng có thể chứng minh được điều đó. Bất cứ một việc mua xèng nào, cũng có ý nghĩa đầu cơ, nhưng theo nghĩa lý tưởng hơn một chút. Đó là những khoản trả trước để hình thành một thế giới mới, giải phóng các quan hệ cá nhân khỏi các ngân hàng và các đơn vị trung gian khác. 

Nhiều luật sư về chứng khoán Mỹ cho rằng mô hình Thụy sĩ có lỗi hệ thống. Việc sử dụng từ “Đóng góp” là chưa đủ để bảo vệ người phát hành “xèng” không bị buộc tội bán chứng khoán trái phép. Luật Mỹ cho phép các cá nhân có thể khởi kiện trong những vụ việc như vậy, và tài sản kếch xù của Tezos đương nhiên sẽ là miếng mồi ngon. Chỉ vài tuần sau bài báo của Reuters, một loạt các người mua xèng khởi kiện Gevers, Breitmans ở San Francisco về cáo buộc kinh doanh chứng khoán trái phép, lừa đảo, quảng cáo láo và cạnh tranh không lành mạnh.

Trog lúc đó, giá của bitcoins và tài sản của quỹ tiếp tục lên cao. Đến Giáng sinh, khi giá bitcoin là $20000, quỹ Tezos có tài sản gần $1.2 B. Những nhà đầu tư tiền mã hóa, sung sướng khi thấy tiền ảo biến thành Lamborghinis thật.

Nếu SEC hay Tòa phán quyết là Breimans bán chứng khoán trái phép, họ có thể bị phạt nặng nề. Điều tốt nhất mà họ có thể làm để bảo vệ là nhanh chóng đưa hệ thống vào vận hành. Nhưng quan hệ với Gevers bị đóng băng mà ông này lại giữ chữ ký truy cập tài khoản tại Zug và máy tính có chìa để giải mã bitcoin. Ông ta không thể lấy được tiền vì cần một chìa khóa nữa do một tổ chức gọi là Bitcoins Suisse giữ. Tuy nhiên nếu khóa của Quỹ bị mất hoặc hủy, số tiền đó sẽ bị biến mất.

Khi vụ việc bắt đầu vỡ lở, từ “tezos” trở thành đồng nghĩa với ICO dởm. Trên một diễn đàn của Ethereum, một độc giả cảnh báo Tezos “nhắc nhở tất cả chúng ta, rằng lòng tham của vài người có thể hủy hoại những ý tưởng tốt đẹp và sự nghiệp của tất cả.” Trên Reddit, Tezos được coi là “vụ lừa đảo tồi tệ nhất từ sau vụ Mt Gox.”. Gevers có thể là một tay xấu, nhưng chính Breitmans đã chọn và đưa ông ta lên. 

III

Arthur được coi là một thiên tài không có khả năng giao tiếp với những người dưới quyền. Lúc nào cũng lo lắng, anh thường tự diễn giải tình huống theo ý của mình. Anh nhắc tôi là về việc chạy trốn bọn phát xít đã ám ảnh thời niên thiếu của ông già anh thế nào. Anh thường tự phân tán mình bằng những bài tập trí tuệ, kiểu như nếu được gửi một thông điệp 8 bit cho quá khứ của chính mình, thì anh sẽ viết gì? K không có những phẩm chất đặc biệt như chồng. Cô thường được coi là một cổ vũ người nhiệt tình không có nền tảng kỹ thuật, kiểu Lady Macbeth cho các kỹ sư. Một mục trên Reddit viết: “Nếu đọc CV của K trên Linkedin, bạn sẽ thấy K không có phẩm chất gì đặc biệt. Tất nhiên là Gevers có thể dễ dàng qua mặt cô.”

Gevers chỉ còn nói chuyện với Tom Gustinis. Ông không liên lạc với Breitmans, và theo Gustinis, ông cũng chẳng nói chuyện với ai. Ông chia sẻ với Tom là điện thoại của ông bị nghe trộm và phải thường xuyên rà soát. Gustinis tự đứng ra đóng vai trò hòa giải, khuyên Breitmans cứ nên ngồi im, cho ông ta thời gian để dàn xếp. Tuy nhiên với quan hệ với Gevers và vị trí tại Monetas, khó có thể coi Gustinis là bên không có quyền lợi liên quan.

Breitmans, ngược lại. có hàng ngàn người người ủng hộ trong giới ICO. Một số tin tưởng vào miền đất hứa. Số khác thì chỉ muốn dàn xếp để tống được đống tezos của họ trước khi có việc khác bung bét ra. Họ gây sức ép để chính quyền Thụy sĩ phải hành động. Một nhóm trên mạng có tên là Tezos Community Organization, huy động nguồn lực từ Mỹ, Canada, Nam Phi, châu Âu để ra một bản báo cáo 17 trang về quá khứ mờ ám của Gevers. Ông này đã huy động tiền cho những tổ chức có tên rất kêu như Vũ trụ tự do hay Viện khoa học Tự do, mà không thấy làm gì cả. Các dự án do ông khởi xướng thường chết dở hoặc sập tiệm. Ông này cũng đã đăng ký phá sản tại Vancouver năm 2009, và công việc lúc đó được ghi là “nhân viên massage”.

Ngoài ra, một số đồng nghiệp cũ của Gevers cũng lên tiếng chỉ trích. James Hogan và Patri Friedman, người đã thuê Gevers trong dự án thành phố tự do, cũng lên Medium để miêu tả thái độ đáng ngờ và hành xử không chuyên nghiệp của Gevers. Họ viết, ông này đã mấy lần từ chối bàn giao mã truy cập tài khoản ngân hàng, làm họ “đã có lúc thực sự lo lắng rằng Gevers có thể có ý định chiếm đoạt tiền.” Họ đính chính là thực tế không có chuyện đó, chỉ là giao tiếp kém, nhưng hội đồng quản trị công ty vẫn quyết định sa thải Gevers. Họ cũng khuyên Gevers nên từ chức ở quỹ Tezos.

Monetas, hóa ra là một con tàu ma. Trong báo cáo cổ đông ngày 30/11, Gevers dự đoán là công ty sẽ có lãi vào quý 2/2018. Ông miêu tả: “đây là thời điểm quan trọng nhất kể từ khi thành lập cách đây 5 năm”. Nhưn công ty không có nhân viên, ngoài giám đốc không được trả lương Tom Gustinis. 12 ngày sau công ty đăng ký phá sản. Theo lời chứng của một nhân viên với chính quyền ở Bern, tình hình công ty đã rất tồi tệ từ mùa xuân năm ngoái, trước Tezos ICO. Văn phòng tối om khi tôi đến thăm là vì đã chuyển về nhà riêng của Gevers. Nhân viên này cũng miêu tả ông chủ của mình luôn đổ lỗi cho “các thế lực đen tối” ám hại mình.

Khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại của tôi, nhân viên này nói cô cực kỳ ấn tượng khi gặp Gevers lần đầu, nhưng ông ta không giữ được bộ mặt đó. “Anh có thể hình dung là đôi khi trên tàu, có những lúc anh chỉ muốn ngồi cách xa khỏi người đồng hành, dù chỉ một inch không? Tôi có những lúc đó với Gevers”. Cô thở dài, tỏ vẻ thương hại. Hai nhân viên khác cũng thế: “Những điều ông làm làm cho người ta hiểu xấu hơn. Ông ta không phải loại người, lấy tiền, phủi tay rồi đi du ngoạn Nam Thái bình dương.”

Nhưng nhân viên này cũng thừa nhận là ông ta rất sáng láng và mọi người đều muốn giúp ông. Ở Thụy sĩ cũng thế. Mặc dù ai cũng biết cách hành xử có vấn đề của ông. Một bức biếm họa trên Reddit miêu tả Govers được nâng đỡ bởi mạng lưới lỏng lẻo nhưng có quan hệ lợi ích chằng chịt. Tom Gustinis chẳng hạn, bỏ cả mùa hè để đi kiếm tiền cho Monetas, để hy vọng trở thành CEO của công ty này sau khi được bơm vốn.

Tình hình tại Zug tất nhiên là ít mùi thuyết âm mưu như bản cáo trạng. Nhưng vấn đề làm ăn mới quan trọng. Những cáo buộc này buộc cộng đồng sở hữu xèng tezos không thể làm ngơ. Và thực sự họ đã hành động can thiệp như những gì mà nền tảng Tezos miêu tả dù chưa có blockchain thực tế. Tháng 12, cộng đồng tezzie đã thu thập được 1700 chữ ký từ 95 nước đòi Gevers từ chức ngay lập tức.

Gevers và Pons bắt đầu bị các cơ quan chức năng thẩm vấn chính thức. Gevers đổ tội chậm trễ cho Breitmans và truyền thông, nhưng tuyên bố là quỹ sẵn sàng tiến lên phía trước. Pons thì có quan điểm khác. Mặc dù là bạn Arthur, anh không bênh bạn. Anh hiểu tại sao Gevers có cảm giác bị xúc phạm. “Tuy nhiên sự thiếu kiềm chế của ông Breitmans, không thể biện hộ cho những yếu kém về kỹ thuật và pháp lý của hội đồng quỹ.” Pons viết và liệt kê một loạt những sai lầm, vô trách nhiệm, mâu thuẫn quyền lợi, và kết luận “như một thành viên hội đồng, tôi đề nghị cơ quan chức năng hành động ngay để bảo vệ quyền lợi của quỹ.” 

Kathleen

Cuối tháng hai, Gevers vẫn là chủ tịch Quỹ. K mới đến San Francisco từ Paris. Tôi chở cô đi Los Angeles để dự một hội thảo về blockchain ở UCLA. Trên đường K kể cho tôi, một loạt những thư rác từ Nga nói rằng Gevers đang thuê người để ám sát cô, và nếu muốn an toàn, cô phải chuyển 10 bitcoin vào địa chỉ cho sẵn. K đùa “chúng tôi đã quá quan tâm đến an toàn vận hành hệ thống, mà đánh giá thấp an toàn của người chủ trì.” K tỏ ra thù địch với Crypto Valley. Có một doanh nhân nổi tiếng ở Zurich gọi điện cho cô rằng ông ta có thể dàn xếp để quỹ nằm trong vòng tay an toàn của người Thụy sĩ. “Những ông Thụy sĩ này toàn gọi để bảo tôi là ngu dốt và làm hỏng mọi việc. Nếu tôi bị hãm hiếp, thì thể nào họ cũng bảo là tại tôi mặc váy ngắn. Môi trường kinh doanh ở đó như cứt.”

Gevers có vẻ vẫn ok. K kể chuyện cô cả hai tình cờ đều đến St Moritz để phát biểu về blockchain. K được phân ném đá hội nghị. Còn Gevers phát biểu chính thức về kinh nghiệm ICO. Một người bạn của K làm bảo vệ cho Metalica, đã thuê 1 vệ sĩ Đức tháp tùng cô. Trong bữa ăn tối, một khách mời cao quý ngồi cạnh hỏi có tin đồn là cô định cho Gevers một trận phải không? K cảm thấy bị xúc phạm: “anh xem tôi có tí gì bạo lực không?”

Gevers phát biểu một cách đầy tự tin (trích dẫn Warren Buffet, Elon Musk và bản thân). Ngay sau đó ông đưa một loạt Tweet lạc quan về tương lai của Tezos “Sau vài tháng tê liệt vì bị can thiệp, và tấn công, giờ đây Quỹ Tezos đã có thể hành động”. Gevers tuyên bố “trong một môi trường lành mạnh, điều không tưởng sẽ thành hiện thực. trong một môi trường không thiếu tin cậy, hiện thực bị biến thành không tưởng – Johan Gevers”. Một số tweets sau đó bị xóa, nói về tương lai chung giữa Tezos và Monetas. Gevers đã tìm được người mua lại Monetas.

K cho rằng, với những tuyên bố như vậy, có vẻ như Gevers định tiến hành chiến tranh giằng co kéo dài. Breitmans đang phải trả 250,000 đô phí luật sư hàng tháng. “Có vẻ như không phải là vấn đề quản lý nữa, mà là một cuộc đàm phán giải cứu con tin”. Khi tôi hỏi, tại sao lại phải như thế. Gevers đơn giản chỉ cần ký séc chi tiền, cắt băng khánh thành mạng và trở nên giàu có. K chỉ biết giơ tay kêu trời: “Ông ta là con bọ cạp ngu nhất thế giới. Còn Arthur là con ếch khờ khạo nhất thế giới.”

K tin rằng họ có một lựa chọn khác – đánh bài liều. “Chúng tôi sẽ tự hoàn thành 60000 dòng lệnh và đưa hệ thống vào hoạt động, bất kể có hay không có mấy gã ở Zug”. Cô mơ màng nhìn ra những ngọn đồi của Santa Barbara, nghĩ về Zug và bọn Thụy sĩ: “bọn chúng động vào tôi là vào tổ kiến lửa rồi” 

Breitmans không cô đơn. Khi biết hội đồng quỹ ban đầu bị tê liệt, cộng đồng Tezos đã thành lập một cơ chế song song gọi là T2. Arthur có thể tự đầu tư hệ thống và phát hành qua T2. Anh có thể phải trả hàng triệu đô từ túi của mình, nhưng họ cũng kiếm được kha khá nhờ đầu tư sớm vào Bitcoin. Nếu mạng được đưa vào hoạt động, tình hình sẽ thay đổi. Suy cho cùng trách nhiệm lăng xê và vận hành hệ thống thuộc vê quỹ. Hơn ai hết, Breimans muốn Tezos sống. 

K nhìn ra biển, nói vẻ mệt mỏi: “Đây như là hiệp phụ ấy. Hơi mệt mỏi. Chúng tôi chưa quen làm việc này. Tôi theo vụ này vì yêu chồng tôi. Chồng tôi làm vì một thế giới tốt hơn. Chúng tôi sẽ sinh Tezos như một đứa con của tình yêu và sự hợp tác.”

Ngày hôm sau, trước đám đông ở UCLA, K lần đầu tiên công bố chiến lược mới: “như một thai kỳ đến ngày phải đẻ, trong vài tuần nữa, chúng tôi sẽ đưa tezos vào hoạt động.”

Vài ngày sau, K gửi cho tôi một tin nhắn qua Signal thông báo Gevers đã chấp nhận từ chức. Lãnh đạo của T2, một giáo dân Mormon tên là Ryan Jesperson – đã ngồi nói chuyện hòa nhã với Gevers hơn 10 tiếng. Gevers đồng ý từ chức với điều kiện thay hết cả hội đồng. Tiền bồi thường được cho là khoảng hơn $400,000. Pons muốn thoát và tuyên bố sẽ hoàn lại bất cứ khoản thù lao nào và đề nghị Gevers cũng làm như vậy. Jefferson đã chuyển vợ và 3 con từ Utah sang Zug để thay thế Gevers. Cộng đồng bắt đầu quan tâm: “Bao giờ thi có Lambo (Lamborghinis)?”

Tranh chấp ngã ngũ, nhưng tương lai của Tezos chưa hẳn đã tươi sáng. Mấy vụ kiện đang được xử lý. Nhưng hệ thống vẫn chưa vận hành. Và sự chậm trễ kéo theo cạnh tranh. Năm 2014, khi công bố Tezos, chưa ai quan tâm đến điều hành. Còn bây giờ ai cũng phát biểu.

Một ti xấu nữa là cuối tháng Hai, giám đốc SEC Jay Clayton tuyên bố, tất cả các ICO là bán chứng khoán không đăng ký, kể cả Ethereum. Ước mơ một tổ chức tập trung bán trước xèng với lời hứa phi tập trung sau này có thể sẽ không còn. Thị trường ICO vào cuối quý 1/2018 ước tính khoảng $6b, và theo đánh giá của một giáo sư MIT, khoảng 1/4 số đó vào túi bọn lừa đảo.

Arthur đang ở Paris từ mùa xuân với các lập trình viên. Nếu may mắn, hệ thống sẽ được hoàn thành vào cuối mùa hè. K thỉnh thoảng ghé qua thăm anh giữa các cuộc hội thảo và gặp gỡ làm ăn ở Singapore, Hong King, San Francisco, London, Berlin. Những lùm xùm vừa qua càng làm sâu sắc thêm quan hệ dịu dàng của họ. K trêu A gọi rượu gin với mứt, còn A thì chê tiếng Pháp cực tệ của K. Họ sống trong mộ căn hộ nhỏ bừa bộn kiểu Airbnb. Bằng chứng duy nhất của vị tranh cãi còn lại là mấy tờ giấy công bố Tezos mà A vẽ tay treo đầu giường.

Cuối tháng 3, K lại có cuộc nói chuyện ở Zurich. A không thích K phải đi một mình không ai bảo vệ. Mọi người có thể liên tưởng Thụy sĩ với Socolat, đồng hồ và sự trung lập, nhưng Thụy sĩ không có kỷ niệm đẹp với nhà Breitmans. Tôi cũng muốn đi một chuyến để gặp Gevers và các luật sư của MME. Gevers bảo ông ta “đang rất bận”, còn các luật sư thì không thấy trả lời.

Trên tàu tới Zurich, K cố gắng nói chuyện khác. Nhưng cô không thể không quay về tự vấn mình tại so một hệ thống mà cô và Arthur thiết kế để bảo lãnh cho sự tin cậy cá nhân ở quy mô lớn là có thể làm cho họ phụ thuộc chỉ vào một người. Khi ngẫm nghĩ lại, họ cho rằng không phải cách suy nghĩ của họ tù mù, mà ngược lại quá rõ ràng. Một trong những thứ liên kết cộng đồng blockchain là giả thiết con người sẽ hành xử vì quyền lợi cá nhân một cách hợp lý, và có gì đó sai lầm căn bản, khi mô hình của họ không tính đến được động cơ của Gevers.

Hội nghị được tiến hành ở Samsung Hall, một tòa nhà đen sì cách Zurich 2 ga. K chen vào hành lang đông nghịt những người đang buôn chuyện. “Nhìn kìa”, cô kêu khẽ. “Tom Gustinis, con khỉ bay của Gevers.”

Gustinis tiến tới K với một nụ cười ấm áp. Ông ta cao, vai rộng, tóc vàng điểm bạc, đầy năng lượng. K miễn cưỡng chào, giới thiệu tôi rồi xin phép bỏ đi. Gustinis hơi bị hẫng. 

Chúng tôi đứng bên một cái bàn cocktail cao, nói chuyện liên thiên về nguồn gốc chung ở New Jersey. Khi tôi hỏi về Tezos, ông ta lấy vẻ nghiêm trang của quan chức nhà nước. Trong thế giới ICO bây giờ, có “Trước Tezos và Sau Tezos, sau mọi sự rắc rối vừa qua với Stiff-dong.” Phải mất một lúc tôi mới hiểu là ông ta dùng chữ Stifftung, tiếng Đức có nghĩa là quỹ. Sau đó thì ông ta lấy lại sự thoải mái. “Dự án bị chậm lại một cách không cần thiết. Có thể thực hiện mà không phải làm ầm ĩ gì cả.” Ông ta cố gắng làm dịu tình hình. “Tôi luôn nói với K và A, là tất cả bắt đầu từ một sự hiểu lầm, sau đó thì là cái tôi quá lớn. Cô ấy lạnh nhạt với tôi, nhưng tôi chưa làm gì hại cho Breitmans.” Ông ta bị cuốn vào thế giới đầy ma lực của blockchain mà giới ngân hàng đã không có được nữa. “Nhìn này, tôi làm việc ở UBS bắt đầu từ chân kế toán. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu cộng đồng tư bản vô chính phủ tự giết lẫn nhau.” Ông ta ngừng một chút rồi kết luận: “Đó là hiểu lầm căn bản nhất dẫn đến việc này nên tôi không đồng ý với Johan. Và tôi rất có cảm tình với Breitmans. Mà thôi, chuyện này có lẽ buồn chán với anh.”

Hai nhân vật từ một công ty khởi nghiệp blockchain tiến đến làm quen và tôi xin lỗi tránh đi. Qua gian phòng tôi thấy K đang đứng dựa lưng vào tường sửa bài phát biểu của mình. Cũng có thể tất cả chỉ là một sự hiểu nhầm. Cũng chẳng có hậu quả gì đáng kể. Tuần trước, tờ Thời báo Tài chính đã trích dẫn Gevers như chuyên gia về phát hành tiền mã hóa. Arthur cũng phải trả giá cho việc cổ vũ Tezos khi đang làm việc cho Morgan Stanley: hồi tháng tư, cơ quan giám sát phố Wall – Finra đã cấm anh giao dịch với các thành viên của họ trong 2 năm.

Mấy phút sau, Gustinis xuất hiện một lần nữa. K chào mà không ngẩng mặt lên. Ông ta nói với ai đó – “Ai sẽ là Elon Musk của block chain?”. K phớt lờ ông và đi lên bàn hội thảo.

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *