Định luật Moore cho tất cả

Công việc của tôi tại OpenAI nhắc nhở tôi mỗi ngày về tầm quan trọng của sự thay đổi kinh tế xã hội diễn ra sớm hơn mọi người nghĩ. Phần mềm có thể suy nghĩ và học hỏi sẽ ngày càng làm được nhiều việc mà con người đang làm. Ngày càng nhiều quyền lực sẽ chuyển từ lao động sang tư bản. Nếu chính sách công không được điều chỉnh phù hợp, cuộc sống của hầu hết mọi người sẽ trở nên tồi tệ hơn hiện tại.

Chúng ta cần thiết kế một hệ thống để đón nhận tương lai công nghệ này và đánh thuế những thứ sẽ tạo nên phần lớn giá trị trong thế giới đó – cả các công ty và đất đai – để phân phối một cách công bằng một phần lượng của cải sắp được tạo ra. Như vậy có thể làm cho xã hội trong tương lai ít chia rẽ hơn nhiều và cho phép mọi người đều được hưởng lợi từ nó.

Trong năm năm tới, các chương trình máy tính có thể suy nghĩ sẽ đọc được các tài liệu pháp lý và đưa ra tư vấn về y tế. Trong thập kỷ tới, chúng sẽ đảm nhận các công việc trong dây chuyền lắp ráp, thậm chí có thể làm bạn với con người. Và trong những thập kỷ sau đó, chúng có thể làm hầu hết mọi thứ, kể cả những khám phá khoa học mới có thể mở rộng cách con người định nghĩa về “tất cả”.

Cuộc cách mạng công nghệ này là không thể ngăn cản. Và vì các cỗ máy này sẽ giúp chúng ta tạo ra các máy thông minh hơn, một vòng lặp đổi mới đệ quy sẽ đẩy nhanh tiến trình của cuộc cách mạng này, dẫn đến ba hệ quả quan trọng sau:

1. Cuộc cách mạng này sẽ tạo ra sự giàu có phi thường. Giá trị của nhiều loại lao động (kéo theo chi phí hàng hóa và dịch vụ) sẽ giảm về 0 một khi AI đủ mạnh để “tham gia vào lực lượng lao động”.

2. Thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ đến mức cần có một sự thay đổi mạnh mẽ không kém về chính sách để phân phối sự giàu có này và tạo điều kiện cho nhiều người theo đuổi cuộc sống mà họ muốn.

3. Nếu làm được cả hai điều này, chúng ta có thể cải thiện mức sống cho con người hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử.

Bởi vì chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự dịch chuyển kiến ​​tạo này, chúng ta đang có một cơ hội hiếm có để xoay trục về tương lai. Sự xoay trục đó không thể chỉ đơn thuần giải quyết các vấn đề xã hội và chính trị hiện tại; nó phải được thiết kế cho một xã hội hoàn toàn khác trong tương lai gần. Các kế hoạch chính sách không tính đến sự chuyển đổi sắp xảy ra này sẽ thất bại vì cùng một lý do tại sao các nguyên tắc tổ chức của các xã hội tiền nông nghiệp hoặc phong kiến sẽ thất bại nếu áp dụng vào hiện tại.

Tiếp theo là mô tả về những gì sắp xảy ra và kế hoạch về cách điều hướng bối cảnh mới này.

Phần 1 – Cuộc cách mạng AI

Trên thang thời gian thu nhỏ, tiến bộ công nghệ tuân theo một đường cong hàm mũ. So sánh thế giới trông như thế nào cách đây 15 năm (không có điện thoại thông minh), 150 năm trước (không có động cơ đốt, không có điện gia đình), 1.500 năm trước (không có máy công nghiệp) và 15.000 năm trước (không có nông nghiệp).

Sự thay đổi sắp tới sẽ xoay quanh những khả năng ấn tượng nhất của chúng ta: khả năng suy nghĩ, sáng tạo, hiểu và suy luận. Ngoài ba cuộc cách mạng công nghệ vĩ đại – nông nghiệp, công nghiệp và máy tính, chúng ta sẽ thêm cuộc cách mạng thứ tư: cuộc cách mạng AI. Cuộc cách mạng này sẽ tạo ra đủ của cải để con người có được những gì họ cần, nếu chúng ta, với tư cách là một xã hội, quản lý nó một cách có trách nhiệm.

Tiến bộ công nghệ trong 100 năm tới sẽ lớn hơn nhiều so với tất cả những gì đã đạt được kể từ lần đầu tiên chúng ta kiểm soát được lửa và phát minh ra bánh xe. Chúng ta đã xây dựng được các hệ thống AI có thể học và làm những điều hữu ích. Chúng vẫn còn sơ khai, nhưng các đường xu hướng thì rất rõ ràng.

Phần 2 – Định luật Moore cho tất cả

Nói chung, có hai con đường để có được một cuộc sống tốt đẹp: một cá nhân kiếm được nhiều tiền hơn (khiến người đó trở nên giàu có hơn), hoặc giá cả giảm xuống (khiến mọi người trở nên giàu có hơn). Sự giàu có thể hiện ở sức mua: chúng ta có thể nhận được bao nhiêu với các nguồn lực đang có.

Cách tốt nhất để tăng sự giàu có của xã hội là giảm chi phí hàng hóa, từ thực phẩm đến trò chơi điện tử. Công nghệ sẽ nhanh chóng thúc đẩy sự sụt giảm đó trong nhiều danh mục. Ví dụ như chất bán dẫn và Định luật Moore: đã nhiều thập kỷ, ở cùng một mức giá, cứ mỗi hai năm chip lại trở nên mạnh gấp đôi .

Trong vài thập kỷ vừa qua, chi phí cho TV, máy tính và giải trí ở Mỹ đã giảm xuống. Nhưng các chi phí khác đã tăng đáng kể, đáng kể nhất là chi phí cho nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục đại học. Chỉ riêng việc phân phối lại của cải không thể hiệu quả nếu những chi phí này tiếp tục tăng cao.

AI sẽ làm giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ, bởi vì lao động là chi phí chính tại nhiều cấp độ của chuỗi cung ứng. Trên một mảnh đất mà bạn đang sở hữu, nếu robot có thể xây dựng một ngôi nhà từ những nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác và tinh chế tại chỗ, sử dụng năng lượng mặt trời, thì chi phí xây dựng ngôi nhà đó gần bằng chi phí thuê robot. Và nếu những con robot đó được tạo ra bởi những con robot khác, chi phí thuê chúng sẽ ít hơn nhiều so với khi chúng được tạo ra bởi con người.

Tương tự, chúng ta có thể tưởng tượng các bác sĩ AI có thể chẩn đoán các vấn đề sức khỏe tốt hơn bất kỳ con người nào và giáo viên AI có thể chẩn đoán và giải thích chính xác những gì học sinh không hiểu.

“Định luật Moore cho tất cả” nên là tiếng kêu gọi tập hợp của một thế hệ không có năng lực kinh tế để mua những gì họ muốn. Nghe có vẻ không tưởng, nhưng công nghệ có thể thực hiện được điều đó (và trong một số trường hợp đã thực hiện được). Hãy tưởng tượng một thế giới mà trong nhiều thập kỷ, mọi thứ – nhà ở, giáo dục, thực phẩm, quần áo, v.v. – trở nên rẻ hơn một nửa sau mỗi hai năm.

Chúng ta sẽ khám phá ra những công việc mới – điều này luôn xảy ra sau mỗi cuộc cách mạng công nghệ – và nhờ sự thừa thãi, dư dật trong tương lai, chúng ta sẽ có quyền tự do đáng kinh ngạc để quyết định những công việc đó là gì.

Phần 3 – Chủ nghĩa tư bản cho mọi người

Một hệ thống kinh tế ổn định đòi hỏi phải có hai thành phần: tăng trưởng và bao trùm. Tăng trưởng kinh tế quan trọng bởi vì hầu hết mọi người muốn cuộc sống của họ được cải thiện hàng năm. Trong một thế giới có tổng bằng không, một thế giới không hoặc rất ít tăng trưởng, nền dân chủ có thể trở nên đối kháng khi mọi người dùng lá phiếu của mình để khiến tiền không thể đến tay đối phương. Điều này dẫn đến sự ngờ vực và phân cực. Trong một thế giới có tỉ lệ tăng trưởng cao, các cuộc tranh giành có thể ít hơn rất nhiều, vì khả năng ai cũng chiến thắng sẽ cao hơn.

Kinh tế toàn diện có nghĩa là ai cũng có cơ hội có được các nguồn lực cần thiết để sống một cuộc sống mà họ muốn. Kinh tế bao trùm rất quan trọng vì nó công bằng, tạo ra một xã hội ổn định và có thể tạo ra những miếng bánh lớn nhất cho hầu hết mọi người. Một một lợi ích phụ là nó tạo ra nhiều tăng trưởng hơn.

Chủ nghĩa tư bản là một động cơ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vì ở đó con người được hưởng lợi nhờ đầu tư vào các tài sản tạo ra giá trị theo thời gian, đây là một hệ thống khuyến khích hiệu quả để tạo ra và phân phối các thành quả công nghệ. Nhưng cái giá của sự tiến bộ trong chủ nghĩa tư bản là sự bất bình đẳng.

Một số bất bình đẳng là bình thường – thậm chí còn rất quan trọng, nếu ta nhìn vào tất cả những hệ thống đã cố gắng tạo ra sự bình đẳng hoàn toàn. Nhưng một xã hội không có sự bình đẳng nhất định về cơ hội cho tất cả mọi người không phải là một xã hội sẽ tồn tại lâu dài.

Cách truyền thống để giải quyết bất bình đẳng là đánh thuế thu nhập lũy tiến. Vì nhiều lý do, phương pháp đã vận hành không được hiệu quả, và sẽ càng tệ hơn nữa trong tương lai. Dù mọi người vẫn sẽ có việc làm, nhưng nhiều công việc trong số đó sẽ không tạo ra nhiều giá trị kinh tế theo cách chúng ta định nghĩa về giá trị ngày nay. Khi AI sản xuất hầu hết các hàng hóa và dịch vụ cơ bản của thế giới, mọi người sẽ được giải phóng để dành nhiều thời gian hơn cho những người họ quan tâm, chăm sóc cho người khác, thưởng thức nghệ thuật và thiên nhiên hoặc làm việc hướng tới lợi ích xã hội.

Do đó, chúng ta nên tập trung vào việc đánh thuế vốn hơn là đánh thuế lao động, và chúng ta nên sử dụng các loại thuế này như một cơ hội để trực tiếp phân phối quyền sở hữu và của cải cho công dân. Nói cách khác, cách tốt nhất để cải thiện chủ nghĩa tư bản là cho phép mọi người trực tiếp hưởng lợi từ nó với tư cách là chủ sở hữu cổ phần. Đây không phải là một ý tưởng mới, nhưng nó sẽ rất khả thi khi AI phát triển mạnh mẽ hơn, vì của cải sẽ nhiều hơn một cách đáng kể. Hai nguồn của cải chiếm ưu thế sẽ là 1) các công ty, đặc biệt là những công ty sử dụng AI và 2) đất đai, có nguồn cung cố định.

Có nhiều cách để thực hiện hai loại thuế này, và nhiều suy nghĩ về việc phải làm gì với chúng. Trong một thời gian dài, có lẽ hầu hết các loại thuế khác có thể được loại bỏ. Tiếp theo đây là một ý tưởng được đưa ra trong tinh thần gợi mở bàn luận.

Chúng ta có thể tạo ra cái được gọi là Quỹ Cổ phần Hoa Kỳ. Quỹ Cổ phần Hoa Kỳ sẽ được vốn hóa bằng cách đánh thuế các công ty trên mức định giá nhất định 2,5% giá trị thị trường của họ mỗi năm, thanh toán bằng cổ phiếu chuyển nhượng cho quỹ và bằng cách đánh thuế 2,5% giá trị của tất cả đất tư nhân, chi trả bằng đô la.

Tất cả công dân trên 18 tuổi sẽ nhận được phân phối hàng năm, bằng đô la và cổ phiếu của công ty, vào tài khoản của họ. Mọi người sẽ được ủy thác sử dụng tiền theo cách nào họ cần hoặc muốn — cho giáo dục tốt hơn, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, thành lập công ty, bất cứ điều gì. Chi phí gia tăng trong các ngành do chính phủ tài trợ sẽ phải đối mặt với áp lực thực sự khi nhiều người chọn dịch vụ của riêng họ trong một thị trường cạnh tranh.

Miễn là đất nước tiếp tục phát triển tốt hơn, mọi người dân sẽ nhận được nhiều tiền hơn từ Quỹ mỗi năm (đó là tính trung bình, vì vẫn sẽ có chu kỳ kinh tế). Do đó, mọi công dân sẽ ngày càng được hưởng các quyền tự do, quyền lực, quyền tự trị và cơ hội đi kèm với việc có quyền tự quyết về kinh tế. Nghèo đói sẽ giảm đi đáng kể và số người có được cuộc sống mà họ mong muốn sẽ tăng lên.

Thuế phải trả bằng cổ phần công ty sẽ điều chỉnh các ưu đãi giữa các công ty, nhà đầu tư và công dân, trong khi thuế đánh vào lợi nhuận thì không – ưu đãi là siêu quyền lực và đây là một sự khác biệt quan trọng. Lợi nhuận của công ty có thể được ngụy tạo hoặc hoãn lại hoặc chiết khấu, và thường không liên quan đến giá cổ phiếu. Nhưng tất cả những người sở hữu cổ phần ở Amazon đều muốn giá cổ phiếu tăng lên. Khi tài sản cá nhân của mọi người tăng lên song song với đất nước, họ có nghĩa là họ sẽ thấy đất nước của họ hoạt động tốt.

Henry George, một nhà kinh tế chính trị người Mỹ, đã đề xuất ý tưởng về thuế giá trị đất vào cuối những năm 1800. Khái niệm này được các nhà kinh tế ủng hộ rộng rãi. Giá trị của đất đai được đánh giá cao vì xã hội làm việc xung quanh nó: hiệu ứng mạng lưới của các công ty hoạt động xung quanh một mảnh đất, phương tiện giao thông công cộng giúp nó có thể tiếp cận và các nhà hàng, quán cà phê gần đó và khả năng tiếp cận thiên nhiên khiến nó trở nên đáng mơ ước . Vì chủ đất không làm tất cả công việc đó, nên việc chia sẻ giá trị đó cho xã hội lớn hơn là điều công bằng.

Nếu tất cả mọi người đều sở hữu một phần trong việc tạo ra giá trị của Mỹ, mọi người sẽ muốn nước Mỹ làm tốt hơn: công bằng tập thể trong đổi mới và thành công của đất nước sẽ gắn kết các động lực của chúng ta. Hợp đồng xã hội mới sẽ tạo mức sàn cho tất cả mọi người thay vì một mức trần không dành cho ai, và niềm tin chung rằng công nghệ có thể và phải mang lại một vòng tròn giàu có đạo đức cho xã hội. (Chúng tôi sẽ tiếp tục cần sự lãnh đạo mạnh mẽ từ chính phủ của chúng tôi để đảm bảo rằng mong muốn giá cổ phiếu đi lên vẫn cân bằng với việc bảo vệ môi trường, nhân quyền, v.v.)

Trong một thế giới mà mọi người đều được hưởng lợi từ chủ nghĩa tư bản với tư cách là chủ sở hữu, thì trọng tâm của tập thể sẽ là làm cho thế giới “tốt hơn” thay vì “ít xấu hơn”. Những cách tiếp cận này khác hơn so với những gì chúng tưởng tượng, và xã hội làm tốt hơn nhiều khi nó tập trung vào cách tiếp cận trước đây. Nói một cách đơn giản, tốt hơn có nghĩa là tối ưu hóa để làm cho chiếc bánh lớn nhất có thể, và ít xấu hơn có nghĩa là chia chiếc bánh ra một cách công bằng nhất có thể. Cả hai đều có thể nâng cao mức sống của mọi người một lần, nhưng tăng trưởng liên tục chỉ xảy ra khi miếng bánh lớn lên.

Phần 4 – Triển khai và Khắc phục sự cố

Số lượng của cải có sẵn để vốn hóa Quỹ Cổ phần Hoa Kỳ sẽ rất đáng kể. Có khoảng 50 nghìn tỷ đô la giá trị, tính theo vốn hóa thị trường, chỉ trong các công ty Hoa Kỳ. Giả sử rằng, như mức trung bình trong thế kỷ qua, con số này ít nhất sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.

Ngoài ra còn có khoảng 30 nghìn tỷ đô la do tư nhân sở hữu đất ở Hoa Kỳ (không tính những cải tạo trên đất). Giả sử rằng giá trị này cũng sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới – tốc độ này nhanh hơn một chút so với tốc độ lịch sử, nhưng khi thế giới thực sự bắt đầu hiểu những thay đổi mà AI sẽ gây ra, giá trị của đất đai, là một trong số ít thực sự hữu hạn tài sản, sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn.

Tất nhiên, nếu chúng ta tăng gánh nặng thuế đối với việc nắm giữ đất, giá trị của nó sẽ giảm đi so với các tài sản đầu tư khác, đó là điều tốt cho xã hội vì nó làm cho một nguồn lực cơ bản dễ tiếp cận hơn và khuyến khích đầu tư thay vì đầu cơ. Giá trị của các công ty cũng sẽ giảm đi trong ngắn hạn, mặc dù chúng sẽ tiếp tục hoạt động khá tốt theo thời gian.

Giả định hợp lý rằng mức thuế như vậy làm giảm giá trị đất đai và tài sản doanh nghiệp là 15% (chỉ mất một vài năm để phục hồi!)

Theo tập hợp các giả định trên (giá trị hiện tại, tăng trưởng trong tương lai và giảm giá trị từ thuế mới), một thập kỷ tới, mỗi người trong số 250 triệu người trưởng thành ở Mỹ sẽ nhận được khoảng 13.500 đô la mỗi năm. Cổ tức đó có thể cao hơn nhiều nếu AI tăng tốc tăng trưởng, nhưng ngay cả khi không, 13.500 đô la sẽ có sức mua lớn hơn nhiều so với hiện tại vì công nghệ sẽ giảm đáng kể chi phí hàng hóa và dịch vụ. Và sức mua hiệu quả đó sẽ tăng mạnh hàng năm.

Sẽ dễ dàng nhất cho các công ty nộp thuế hàng năm bằng cách phát hành cổ phiếu mới chiếm 2,5% giá trị của họ. Rõ ràng sẽ có động cơ khuyến khích các công ty trốn thuế Quỹ cổ phần Mỹ bằng cách tự giảm giá, nhưng một thử nghiệm đơn giản liên quan đến tỷ lệ phần trăm doanh thu từ Mỹ có thể giải quyết mối lo ngại này. Một vấn đề lớn hơn với ý tưởng này là động cơ thúc đẩy các công ty trả lại giá trị cho cổ đông thay vì tái đầu tư vào tăng trưởng.

Nếu chúng ta chỉ đánh thuế các công ty đại chúng, thì cũng sẽ có động cơ khuyến khích các công ty ở tư nhân. Đối với các công ty tư nhân có doanh thu hàng năm vượt quá 1 tỷ đô la, chúng tôi có thể để thuế trên vốn chủ sở hữu của họ tích lũy trong một số năm nhất định (có giới hạn) cho đến khi họ đại chúng hoá. Nếu họ giữ hình thức tư nhân trong một thời gian dài, chúng tôi có thể để họ quyết toán thuế bằng tiền mặt.

Chúng tôi cần thiết kế hệ thống để ngăn mọi người liên tục bỏ phiếu cho mình nhiều tiền hơn. Một sửa đổi hiến pháp xác định phạm vi cho phép của thuế sẽ là một biện pháp bảo vệ mạnh mẽ. Điều quan trọng là thuế không được lớn đến mức kìm hãm tăng trưởng – ví dụ, thuế đánh vào các công ty phải nhỏ hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của họ.

Chúng tôi cũng cần một hệ thống mạnh mẽ để định lượng giá trị thực tế của đất đai. Một cách sẽ là với một đoàn thẩm định viên liên bang hùng mạnh. Cách khác là để cho các chính quyền địa phương thực hiện việc đánh giá, như hiện nay họ đang làm để xác định thuế tài sản. Họ sẽ tiếp tục nhận thuế địa phương với cùng một giá trị được đánh giá. Tuy nhiên, nếu một tỷ lệ phần trăm doanh số nhất định trong một khu vực pháp lý trong bất kỳ năm nhất định nào vượt quá mức cao hơn hoặc thấp hơn ước tính của chính quyền địa phương về giá trị của bất động sản, thì tất cả các bất động sản khác trong khu vực pháp lý của họ sẽ được đánh giá lại.

Hệ thống tối ưu về mặt lý thuyết sẽ là chỉ đánh thuế giá trị của đất đai, chứ không phải những cải tiến được xây dựng trên nó. Trên thực tế, giá trị này có thể quá khó để đánh giá, vì vậy chúng ta có thể cần đánh thuế giá trị của đất và những cải tạo trên đó (với tỷ lệ thấp hơn, vì giá trị tổng hợp sẽ cao hơn)

Cuối cùng, chúng tôi không thể để mọi người vay ngược lại, bán hoặc cầm cố các khoản phân phối Quỹ trong tương lai của họ, nếu không chúng tôi sẽ không thực sự giải quyết được vấn đề phân phối tài sản một cách công bằng theo thời gian. Chính phủ có thể đơn giản là làm cho các giao dịch như vậy không thể thực hiện được.

Phần 5 – Chuyển sang hệ thống mới

Một tương lai tuyệt vời không phức tạp: chúng ta cần công nghệ để tạo ra nhiều của cải hơn và chính sách để phân phối nó một cách công bằng. Mọi thứ cần thiết sẽ rẻ, và mọi người sẽ có đủ tiền để có thể mua được. Vì hệ thống này sẽ trở nên cực kỳ phổ biến, các nhà hoạch định chính sách chấp nhận nó sớm sẽ được khen thưởng: bản thân họ sẽ trở nên cực kỳ phổ biến.

Trong cuộc Đại suy thoái, Franklin Roosevelt đã có thể thiết lập một mạng lưới an toàn xã hội khổng lồ mà không ai có thể nghĩ là có thể thực hiện được 5 năm trước đó. Chúng ta đang ở trong một thời điểm tương tự bây giờ. Vì vậy, một phong trào ủng hộ doanh nghiệp và ủng hộ người dân sẽ đoàn kết một thành phần cử tri rộng rãi đáng kể.

Một cách khả thi về mặt chính trị để khởi động Quỹ Cổ phần Hoa Kỳ, và một cách có thể làm giảm cú sốc chuyển đổi, sẽ là với luật chuyển đổi dần dần chúng ta sang tỷ lệ 2,5%. Tỷ lệ 2,5% đầy đủ sẽ chỉ được giữ khi GDP tăng 50% kể từ khi luật được thông qua. Bắt đầu với những bản phân phối nhỏ sẽ sớm tạo động lực và hữu ích trong việc giúp mọi người thoải mái với một tương lai mới. Để đạt được mức tăng trưởng GDP 50% có vẻ như sẽ mất một thời gian dài (mất 13 năm để nền kinh tế tăng trưởng 50% so với mức năm 2019). Nhưng một khi AI bắt đầu xuất hiện, tốc độ phát triển sẽ cực kỳ nhanh chóng. Tóm lại, chúng ta có thể sẽ giảm được nhiều loại thuế khác khi đánh thuế hai loại tài sản cơ bản này.

Những thay đổi sắp tới là không thể ngăn cản. Nếu chúng ta nắm lấy chúng và lập kế hoạch cho chúng, chúng ta có thể sử dụng chúng để tạo ra một xã hội công bằng hơn, hạnh phúc hơn và thịnh vượng hơn. Tương lai có thể là tuyệt vời không thể tưởng tượng được.

Bài dịch từ “Moore’s Law for Everything” của Sam Alman ( https://moores.samaltman.com/)


Đặng Việt Hùng (tác giả)

Founder & CEO của Five Fishes Holding

Là người yêu công nghệ và doanh nhân khởi nghiệp. Luôn tìm cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đã có nhiều sáng chế về y tế và công nghệ trong đó có 1 giải pháp hữu ích đã được cấp bằng. Anh Hùng cũng được biết đến là người sẵn sàng đầu tư đưa các ý tưởng mới vào cuộc sống và đang tiếp tục học hỏi để làm việc này hiệu quả hơn.




Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *