Lược sử về xã hội hóa tư liệu sản xuất

Cách đây 154 năm, trong tác phẩm Das Kapital của mình, Karl Marx đã đề xuất học thuyết giá trị thặng dư với tâm điểm là công thức tính giá trị hàng hoá: W = C+V+M

Trong đó giá trị hàng hoá W là tổng của 3 thành tố:

  • C là tư bản bất biến: Bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thái tư liệu sản xuất như máy móc, nhà xưởng, nguyên nhiên vật liệu…;  
  • V là tư bản khả biến, bộ phận tư bản ứng trước để mua hàng hoá sức lao động ..;
  • M là giá trị thặng dư là phần giá trị mới dôi ra …(1)

Công thức này của Marx đã phản ánh đúng bản chất của chủ nghĩa tư bản ở thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, khi các quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo hộ một cách chặt chẽ và đa số tư liệu sản xuất mới chỉ được khai thác tạo ra giá trị thặng dư trong phạm vi một doanh nghiệp. Nhưng trong giai đoạn phát triển sau của chủ nghĩa tư bản, các nhà tư bản đã sáng tạo ra nhiều hình thức xã hội hoá tư liệu sản xuất mới, thì việc tính giá trị hàng hoá đã trở nên phức tạp hơn, tạo ra nhiều ngoại lệ cho công thức này khi xét ở phạm vi hẹp (toàn quốc gia, ngành, doanh nghiệp)

Xã hội hoá tư liệu sản xuất ở đây được hiểu là hoạt động của nhà tư bản nhằm đưa các tư liệu sản xuất do họ sở hữu toàn bộ hoặc một phần tham gia vào các quá trình sản xuất khác nhằm khai thác giá trị gia tăng sau xuất xưởng. Khác với sự tăng giá cả giản đơn là kết quả của sự mất cân bằng cung cầu cục bộ nhưng không phải là hệ quả của việc gia tăng giá trị, sự gia tăng giá trị sau xuất xưởng là kết quả của quá trình giá trị được bồi đắp thêm sau xuất xưởng nhờ có thêm tư bản đầu tư, thêm tư liệu sản xuất được sử dụng, thêm sức lao động được thực hiện để tạo thêm giá trị thặng dư mới.

Mặt khác, gia tăng giá trị sau xuất xưởng hàng hoá tư liệu sản xuất cũng khác việc một hàng hoá tư liệu sản xuất là đầu vào của các quá trình sản xuất riêng rẽ ở chỗ khi được sử dụng trong các quá trình sản xuất khác sau khi được xuất xưởng, hàng hoá tư liệu sản xuất đó vẫn đem lại giá trị thặng dư cho các nhà tư bản sở hữu nó ban đầu.

Quá trình xã hội hoá tư liệu sản xuất ngày càng phát triển phức tạp đã gây ra những khó khăn nhất định trong hạch toán kế toán, định giá dự án, doanh nghiệp và thu hút đầu tư cũng như việc định hướng phát triển kinh tế… Để đáp ứng nhu cầu khách quan của hoạt động sản xuất kinh doanh, bài viết này phân tích quá trình phát triển xã hội hoá tư liệu sản xuất và đề xuất ra một số công thức bổ sung cho công thức W=C+V+M trong phạm vi một quốc gia, một ngành hoặc một doanh nghiệp nhằm góp phần vào cơ sở lý luận cho các hoạt động kinh tế xã hội.

Xã hội hoá tư liệu sản xuất thông qua quyền sở hữu trí tuệ

Từ nửa sau của thế kỷ 19, khi các quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ chặt chẽ giúp các nhà sáng chế có thể bán lại công nghệ của mình cho các nhà tư bản khác cũng là lúc hoạt động xã hội hoá tư liệu sản xuất thông qua quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện một cách chuyên nghiệp. Khi Thomas Edison bán quyền liên quan đến chiếc máy điện tín Quadruplex telegraph cho Western Union với giá $10,000, ông rất biết ơn bên mua vì họ đã trả  giá cao hơn mức ông mong đợi(2). Trên thực tế, rất có thể Edison đã bán rẻ quyền liên quan đến chiếc máy của mình vì nó đã đem lại cho Western Union khoản lợi nhuận siêu ngạch còn lớn hơn rất nhiều chi phí họ bỏ ra. Về bản chất, số tiền ông nhận được khi bán quyền liên quan đến chiếc máy là phản ánh giá trị khi xuất xưởng và giá trị gia tăng sau xuất xưởng của nó. Trong đó, giá trị gia tăng sau xuất xưởng của quyền liên quan đến chiếc máy ông nhận được là khoản trả trước từ một phần giá trị thặng dư siêu ngạch Western Union thu được nhờ sử dụng cỗ máy của ông. Vì vậy, giá trị của quyền liên quan đến chiếc máy của Thomas Edison sẽ được tính bằng công thức:

W = Ce+Ve+Me+r(Cw+Vw+Mw).

Trong đó Ce+Ve+Me là giá trị tạo ra của quyền liên quan đến chiếc máy được tạo ra tại xưởng của Edison và r(Cw+Vw+Mw) là giá trị được tạo ra của chiếc máy sau khi xuất xưởng với r là hệ số phân bổ giá trị cho chiếc máy từ quá trình sản xuất của Western Union.

Nhờ khoản tiền ban đầu này, Thomas Edison đã lập ra phòng thí nghiệm công nghiệp đầu tiên trên thế giới tại Menlo Park, NewYork. Ông đã tuyển được nhiều nhân viên xuất sắc về cùng làm việc trong phòng thí nghiệm và cho ra 1093 bằng sáng chế công nghệ mới dưới tên cá nhân ông. Thomas Edison đã gặt hái được nhiều thành công và danh tiếng nhờ tạo ra các công nghệ, cho ra đời các tư liệu sản xuất mới giúp các nhà tư bản khai thác được giá trị thặng dư siêu ngạch trong nhiều lĩnh vực. Ông mất năm 1931 với tài sản 12 triệu đô la, tương đương khoảng 170 triệu đô la hiện giờ (2,3).

Có thể nói, Thomas Edison chính là nhà tư bản đầu tiên thực hiện xã hội hoá tư liệu sản xuất thông qua quyền sở hữu trí tuệ một cách chuyên nghiệp. Ở giai đoạn sau thời kỳ của ông, loài người còn chứng kiến nhiều hơn nữa các hình thức xã hội hoá tư liệu sản xuất trên phạm vi rộng lớn hơn, phức tạp hơn và hiệu quả hơn trong việc tạo giá trị thặng dư.

Cách mạng máy tính thúc đẩy xã hội hoá tư liệu sản xuất trên toàn cầu

Năm 1946, chiếc máy tính có khả năng lập trình đầu tiên ENIAC ra đời mở ra kỷ nguyên cách mạng máy tính tạo ra sự thay đổi lớn về trình độ tư liệu sản xuất trên phạm vi toàn cầu (4). Trải qua 5 thế hệ phát triển, máy vi tính đã trở thành tư liệu sản xuất không thể thiếu được trong mỗi doanh nghiệp và trong mỗi gia đình. Sự phổ biến của máy vi tính đem lại giá trị thặng dư khổng lồ cho các ông lớn sản xuất phần cứng như IBM, Apple, Dell… Nhưng phần mềm bên trong những cỗ máy này mới thực sự là nguồn lợi nhuận vô tận cho những doanh nhân biết nhìn xa trông rộng. Năm 1943, Thomas Watson, chủ tịch IBM đã dự đoán rằng toàn bộ nhu cầu trên thế giới sẽ có thể chỉ 5 chiếc máy tính(5). Và những người ghi nhớ ý kiến này nhất có lẽ là Bill Gates và Paul Allen, cặp đôi sáng lập ra công ty Microsoft. Giữa những năm 1970, khi máy đánh chữ và giấy than còn phổ biến, Gates và Allen đã mơ về viễn cảnh “máy tính có mặt trên mọi bàn làm việc và trong mọi nhà”(6). Kết qủa của tầm nhìn này là họ đã bán được phần mềm MS-DOS cho các máy tính của IBM nhưng vẫn giữ được bản quyền. Từ hợp đồng ban đầu với IBM, Microsoft đã nhanh chóng trở thành nhà cung cấp hệ điều hành hàng đầu thế giới với MS-DOS và các thế hệ WINDOW sau này(7). Hệ điều hành của Microsoft phổ biến bắt đầu với vai trò tư liệu sản xuất nhiều hơn là hàng hoá tiêu dùng. Nó tham gia vào hàng triệu quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, tạo nên khối giá trị khổng lồ sau xuất xưởng và Microsoft được hưởng một phần từ đó. Tham chiếu vào công thức ban đầu của Marx, công thức giá trị của các hệ điều hành của Microsoft sẽ được tính là:

Trong đó, Ri là hệ số phân bổ giá trị cho hệ điều hành của Microsoft từ các nhà tư bản khác, Ci là giá trị tư liệu sản xuất, Vi là giá trị sức lao động và Mi là giá trị thặng dư tạo ra trong quá trình sản xuất tư bản thứ i. Nếu như ở quá trình thứ 0 (i=0) được thực hiện tại Microsoft, các nhân viên của công ty này ngồi lập trình trên máy tính của họ tạo ra phần mềm để bán ra, và Microsoft hưởng toàn bộ giá trị thặng dư. Thì ở quá trình từ i=1 đến i=n, Microsoft chỉ được hưởng phần rất nhỏ giá trị ứng trước từ giá trị thặng dư mà các nhà tư bản khác khai thác được sau đó nhờ sử dụng phần mềm của họ. Dù mỗi phần chia rất nhỏ nhưng với số lượng bán ra hàng trăm triệu đơn vị cho mỗi phiên bản hệ điều hành, phần gía trị gia tăng sau xuất xưởng mà các cổ đông của Microsoft khai thác được, tính theo công thức dưới đây, trong đó Rmi là hệ số phân chia giá trị thặng dư thứ i, vẫn là một khoản tiền rất lớn.

Phần mềm với chi phí cận biên tính trên mỗi người dùng mới rất thấp đã thổi bùng làn sóng khai thác giá trị gia tăng sau xuất xưởng thông qua phần mềm của các nhà tư bản. Các nhà phát triển phần mềm, khi đã thu hút được người dùng cài đặt ứng dụng của họ, sẽ có cơ hội khai thác giá trị thặng dư từ tập người dùng đó theo nhiều cách. Từ thập niên 1990, khi mạng Internet ra đời khiến cho việc phân phối phần mềm ra khắp toàn cầu trở nên đơn giản hơn, thế giới đã bắt đầu một trào lưu các doanh nghiệp làm phần mềm với giá bán xuất xưởng bằng không để khai thác giá trị sau xuất xưởng.

CAPTCHA viết tắt từ Hệ thống Tự động Phân biệt Con người và Máy tính (Completely Automated Public Turing test to tell Computers and Humans Apart), và là đứa con tinh thần của Luis von Ahn từ Đại học Carnegie Mellon (8). CAPTCHA bắt người dùng phải nhập vào một chữ được hiển thị dưới dạng hình ảnh khó xem để giúp các trang web hay ứng dụng trực tuyến phòng tránh các cuộc tấn công từ chối dịch vụ hàng loạt hoặc đánh cắp dữ liệu. Công nghệ này được nhiều trang web, ứng dụng sử dụng vì sự hiệu quả cũng như mức phí “0 đồng” của nó. Tuy nhiên, nhà sáng lập Luis von Ahn nhanh chóng nhận ra rằng, tuy mỗi người chỉ tốn vài giây để hoàn tất một mẫu CAPTCHA, nếu tính tổng cộng số người dùng khổng lồ trên Internet, mỗi ngày có đến hàng trăm ngàn giờ lao động “lãng phí” đang được đổ vào CAPTCHA. Vì vậy ông đã tạo ra phần mềm reCAPTCHA năm 2007. Phần mềm reCAPTCHA lấy hình ảnh từ các văn bản vật lý (sách, báo, tờ rơi…) mà phần mềm nhận diện mặt chữ (Optical Character Recognition – OCR) không thể đọc được. Nếu có ít nhất 6 người dùng cùng sử dụng một chữ để thay thế cho hình ảnh mà OCR không nhận diện được, reCAPTCHA sẽ xem nó như là một từ đã được “điện tử hóa” thành công. Với khả năng đọc chữ chính xác “gấp 6 lần người thường”, reCAPTCHA nhanh chóng ký hợp đồng với tờ báo danh tiếng New York Times để điện tử hóa tất cả bài viết cũ. Chỉ trong vài tháng hợp tác, reCAPTCHA đã dễ dàng điện tử hóa tất cả bài viết của New York Times trong vòng 20 năm trước khi có máy tính. Và chỉ trong một năm hoạt động, hơn 440 triệu từ đã được điện tử hóa thành công, tương đương với gần 17.600 quyển sách! Vào năm 2009, tức là chỉ 2 năm kể từ lúc thành lập, reCAPTCHA đã được Google mua lại với một khoản tiền không được công bố (nhưng vài chuyên gia dự đoán giá trị ít nhất là 30 triệu USD). Vì giá trị kết tinh từ sức lao động của Luis von Ahn và đội ngũ tại doanh nghiệp của ông để tạo ra phần mềm ban đầu là rất nhỏ so với số tiền ông nhận được từ Google, nên sau khi xuất xưởng, Luis von Ahn đã cho không sản phẩm của mình cho các website, ứng dụng sử dụng để chống tấn công mạng. Nhưng giá trị tạo ra từ quá trình sản xuất sau xuất xưởng của reCAPTCHA mới là con số khổng lồ. Bằng cách cung cấp một dịch vụ an ninh miễn phí cho các trang web, ứng dụng, Luis von Ahn đã “bắt” người dùng của các trang web này sử dụng máy tính của họ để nhập liệu các từ khó của một lượng tài liệu khổng lồ với mức phí bằng 0, nhưng ông lại thu được tiền nhập liệu từ New York Times và các đơn vị có nhu cầu nhập liệu khác một cách dễ dàng. Như vậy, trong công thức

thì M0 của reCAPTCHA bằng 0. Nhưng M1 trở đi lại là số lớn hơn 0 và số n rất lớn.

Giáo sư Luis von Ahn là thiên tài về khả năng khai thác giá trị thặng dư sau xuất xưởng, nhưng hệ thống ông tạo ra mới chỉ có một loại giao dịch. Những nền tảng đa giao dịch của các công ty thuộc nhóm Big Tech như Google, Amazon, Facebook, Apple… mới thực sự là ông trùm trong lĩnh vực xã hội hoá tư liệu sản xuất để khai thác giá trị sau xuất xưởng. Các công ty thuộc nhóm này đã cung cấp hạ tầng để phục vụ các nhu cầu hàng ngày cho toàn thế giới bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Hầu hết các sáng tạo của họ nhằm vào việc thu hút số lượng lớn người dùng, khiến họ dành càng nhiều thời gian càng tốt trên nền tảng và khai thác thời gian của người dùng đó sao cho hiệu quả nhất. Để làm được như vậy, họ áp dụng công nghệ vào việc theo dõi đo lường từng hành vi người dùng và cung cấp những tiện ích, nội dung, hàng hoá… phù hợp nhất với họ. Người dùng ở trên các nền tảng này được chiều chuộng đủ tốt nên không muốn rời đi, hàng ngày đóng góp công sức miễn phí hoặc được trả phí thấp vào các quá trình sản xuất do các Big Tech sáng tạo và tạo ra lượng giá trị thặng dư khổng lồ cho họ.  Giá trị của các hệ sinh thái của Google, Amazon, Facebook, Apple …vẫn được tính theo công thức

nhưng mức độ đa dạng của các nền tảng này cao hơn với rất nhiều dòng doanh thu khác nhau. Theo Adam Sarhan, chuyên gia của 50 Park Investments, “Facebook không chỉ là Facebook. Đó là Instagram, WhatsApp và Facebook, là một hệ sinh thái rất mạnh mẽ trải dài trên toàn cầu. Nó hấp dẫn hầu hết tất cả mọi người và nó có một số dịch vụ thu hút các phân khúc khác nhau của dân số ngày càng tăng.”(9). Tại thời điểm tháng 12 năm 2020, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Facebook đạt mức 2.8 tỷ người với mức doanh thu trên mỗi người dùng hoạt động là 53.56 đô la trong quý 4, 2020(10). Dù lớn mạnh như vậy, nhưng những người điều hành các công ty BigTech vẫn phải liên tục đấu tranh để duy trì lợi thế, thậm chí là sự tồn vong của doanh nghiệp mình trước những mối đe doạ đến từ nhiều phía. Hẳn họ sẽ phải ghen tỵ với một người mà chỉ làm việc vài năm cho dự án rồi đi ở ẩn mà vẫn “bắt” cả thế giới vẫn phải cặm cụi tạo giá trị cho mình.

Năm 2007, một người có tên là Satoshi Nakamoto phát hành một sách trắng dài 9 trang về một “hệ thống tiền mặt trực tiếp giữa các cá nhân” (11). Vài tháng sau đó, ông tung ra một phần mềm có tên là Bitcoin và hợp tác với các nhà phát triển để cải thiện nó. Sự hợp tác này tiếp diễn tới năm 2011, sau đó Nakamoto đột ngột biến mất. Bitcoin được tạo ra bởi công nghệ blockchain được công khai mã nguồn, có số lượng hữu hạn, chi phí khai thác ngày càng cao, có khả năng chống mọi hình thức gian lận hiện thời, có thể sở hữu ẩn danh, có chi phí giao dịch siêu nhỏ… đã trở thành phương tiện lý tưởng để trao đổi, thanh toán và tích luỹ giá trị, như một loại vàng kỹ thuật số. Khi phổ biến mạng Bitcoin, Satoshi Nakamoto đã không chỉ xã hội hoá một loại tư liệu sản xuất đơn thuần mà còn đem đến cơ hội cho mọi người cùng tham gia vào khai thác giá trị thặng dư siêu ngạch bằng cách sản xuất ra phương tiện trao đổi, thanh toán và tích luỹ giá trị cho toàn cầu. Hoạt động này giống như ông chia sẻ cơ hội cho mọi người cùng khai thác mỏ vàng trực tuyến. Ngày càng có nhiều người tham gia vào mạng lưới Bitcoin bằng cách đầu tư, khai thác, mua bán các thiết bị máy đào, làm việc trong các trang trại đào, lập ra các ví lưu trữ, tạo ra các sàn trao đổi, viết các ứng dụng liên quan, mua bán, tích luỹ, phát triển các nội dung về Bitcoin… Với lượng tư bản khổng lồ đổ vào Bitcoin, giá trị trao đổi của nó đã tăng từ 0 lên đến hàng chục nghìn đô la chỉ trong 14 năm. Giá của toàn bộ 21 triệu bitcoin hiện đã lên tới 1.050 tỷ đô la và 1 triệu Bitcoin được cho là Satoshi Nakamoto đang nắm giữ đã tương đương với khoảng 50 tỷ đô la và chắc chắn con số sẽ không dừng ở đó (12). Nhờ thiết kế hợp lý, Bitcoin đã kích hoạt hầu hết các cơ chế tạo giá trị sau xuất xưởng từng xuất hiện trong quá khứ, đó là:

  • Sau khi xuất xưởng đem cho mọi người dùng ban đầu miễn phí
  • Tạo được lòng tin tuyệt đối với một số lượng lớn người dùng để họ chấp nhận lựa chọn để cất giữ giá trị và thực hiện những giao dịch ngầm.
  • Cơ chế quản trị thông minh với mô hình chia sẻ giá trị thặng dư hợp lý giúp thu hút nhiều người tham gia sớm và tích cực vào các quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa với mạng Bitcoin. Cơ chế quản trị này cũng là nguyên nhân chính gây nên tâm lý FOMO Bitcoin (FOMO viết tắt của chữ Fear of missing out là tâm lý sợ bị mất phần rất phổ biến trong thời đại mạng xã hội)…đẩy giá tăng vọt trong thời gian ngắn (13)
  • Việc sản xuất ra Bitcoin không quá phức tạp khiến mọi người dễ dàng góp thêm tư bản vào để cùng khai thác và hưởng lợi
  • Các hình thức khai thác hạ tầng Bitcoin khác cũng không quá khó để tham gia như làm node, tạo ví, tạo ứng dụng, sàn giao dịch….giúp mọi người có thể tham gia khai thác để tạo giá trị thặng dư…

Với chức năng trao đổi, thanh toán và tích luỹ lưu trữ giá trị, giá trị của Bitcoin vẫn được tính theo công thức dưới đây nhưng hàm chứa một dòng giá trị hoàn toàn mới.

Vì được coi như “vàng kỹ thuật số” phần lớn giá trị của Bitcoin đến từ khoản lợi nhuận phát hành (seignorage) khi giá trị trao đổi của nó tăng nhanh hơn so với chi phí khai thác. Nhưng mức chênh đó ngày càng nhỏ đi khi cơ hội tham gia phát hành Bitcoin giảm dần và sẽ chấm dứt khi tổng số lượng Bitcoin đạt mức 21 triệu.

Sự thành công của Bitcoin đã khởi đầu cho ngành công nghiệp tiền mật mã, nơi các đồng tiền ngày càng có nhiều ưu việt như chi phí tạo tiền thấp hơn, ẩn danh tốt hơn, khả năng xử lý giao dịch tốt hơn và đặc biệt là có khả năng gắn với các hành vi trực tuyến khác thông qua hợp đồng thông minh. Tiền mật mã mở ra một kỷ nguyên xã hội hoá tư liệu sản xuất mới, đó là xã hội hoá tư liệu sản xuất cho phát hành tiền tệ thông minh.

Vấn đề với chuẩn báo cáo tài chính và hạch toán kế toán

Với trào lưu xã hội hoá tư liệu sản xuất để khai thác giá trị sau xuất xưởng đang ngày càng phổ biến, các báo cáo kế toán hiện tại có lỗ hổng rất lớn khi chỉ tính giá thành sản phẩm dịch vụ đến thời điểm xuất xưởng và hoàn toàn bỏ qua tiềm năng tạo giá trị sau xuất xưởng. Điều này dẫn đến sự đánh giá sai lệch các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ có chiến lược xuất xưởng sản phẩm miễn phí ở giai đoạn đầu. Ví dụ như các mạng xã hội hay các trò chơi trực tuyến miễn phí cho người dùng ở giai đoạn mới ra mắt, nếu xét theo kế toán thông thường thì giá trị sẽ là số âm cho toàn bộ chi phí xây dựng nên nó. Tuy nhiên, giá trị của nó nằm ở tương lai lại rất lớn nếu như các mạng xã hội hay trò chơi đó có thể thu hút được nhiều người dùng tham gia.

Để không bị sót một phần giá trị quan trọng của sản phẩm dịch vụ hay để đánh giá đúng giá trị của công nghệ mới độc quyền, sản phẩm dịch vụ công nghệ độc đáo và doanh nghiệp công nghệ ở giai đoạn còn non trẻ, các kế toán cần đo lường không chỉ các chỉ số liên quan đến C0, V0, M0, R0 và Rm0 trong công thức

mà còn phải tìm cách đo được cả các giá trị của quá trình sản xuất tư bản sau xuất xưởng với i = 1 đến n. Các phương pháp đo có thể sẽ phải bao gồm:

  • Phân tích các dòng doanh thu và lợi nhuận tiềm năng;
  • Phân tích xác suất hiện thực hoá mỗi dòng doanh thu dựa trên các mô hình kinh doanh tương tự được thu thập với cỡ mẫu đủ lớn;
  • Phân tích các kết quả đã đạt được liên quan để ngoại suy ra khả năng thực hiện được cái dòng doanh thu nói trên;
  • Hoặc trong một số trường hợp, có thể áp dụng phương pháp thú vị khác để huy động ý kiến chuyên gia vào định giá từng dòng giá trị thặng dư tương lai của một loại hàng hoá.

Trong các báo cáo tài chính, doanh nghiệp sẽ cần thêm bảng báo cáo dự kiến lãi lỗ tương lai, dự kiến nguồn vốn và tài sản trong tương lai kèm theo các cơ sở cho dự kiến và xác suất thực hiện được. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần có cơ chế giúp xác định tính khả thi của các con số tương lai. Tất cả nhằm giúp các doanh nghiệp có được báo cáo toàn diện và sát thực hơn so với báo cáo hiện hành.

Trên đây là một số gợi ý về cách thức cải tiến hệ thống báo cáo tài chính kế toán doanh nghiệp. Chủ đề này cần được đầu tư nghiên cứu sâu hơn, bởi các chuyên gia để tìm ra được hướng cải tiến khả thi cho chính sách kế toán thuế trong thời gian tới.

Phương thức sản xuất trong tương lai

Quá trình xã hội hoá tư liệu sản xuất trên toàn cầu cùng với sự phát triển của công nghệ sẽ đưa loài người đến những thay đổi căn bản về phương thức sản xuất. Trong đó, các hướng khả thi có thể xảy ra là:

  • Các quốc gia, tổ chức, cá nhân hướng sự tập trung vào những lĩnh vực có khả năng tạo ra nhiều tư liệu sản xuất vượt trội và giảm thiểu chi phí sản xuất như Internet vệ tinh, thiết bị phần cứng phổ thông, blockchain, AI, robotic, data mining…để vươn lên trong cuộc chiến dành thị phần cung ứng tư liệu sản xuất cho toàn cầu.
  • Máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo thay thế con người, biến rất nhiều công việc từ người bóc lột người sang người bóc lột máy và con người sẽ được phép chọn làm những công việc mình ưa thích;
  • Tư liệu sản xuất đa dạng cùng với dòng tư bản đầu tư cho những ý tưởng mới sẵn sàng ở khắp nơi khiến cho mỗi người được phép lựa chọn lĩnh vực phù hợp để phát triển doanh nghiệp riêng của mình;
  • Cuộc đấu tranh giai cấp của loài người sẽ là cuộc đấu tranh giữa cổ đông thiểu số và cổ đông lớn.
  • Các tổ chức kinh doanh đa phần sẽ ở dạng tổ chức phẳng, rất nhiều hoạt động được cung ứng dưới dạng dịch vụ bên thứ ba.
  • Các sắc thuế sẽ tập trung đánh vào quyền sở hữu công ty, sở hữu trí tuệ và đất đai, tài nguyên thiên nhiên(14). Song song với thuế, các chính sách pháp luật khác cũng được sửa đổi cho phù hợp với phương thức sản xuất mới;
  • Xã hội hoá phát hành tiền tệ.
  • Các quốc gia hướng đến xây dựng thể chế tư bản cho mọi người (Inclusive capitalism) nhằm áp dụng các chính sách thuế phù hợp để giảm dần bất bình đẳng trong chia sẻ lợi ích, tiếp cận nguồn tư liệu xã hội tốt, tham gia góp vốn và đóng góp sức lao động theo cách phù hợp để được hưởng lợi ích tương xứng…

Kết luận

Việc phân tích lịch sử quá trình xã hội hoá tư liệu sản xuất từ thế kỷ 18 đến nay giúp chúng ta nhìn rõ hơn sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, cách thức các nhà tư bản thích nghi với công nghệ, giảm bớt những mặt tiêu cực và tăng khả năng tạo giá trị thặng dư. Bài viết này đề xuất công thức bổ sung để tính giá trị hàng hoá, giá trị thặng dư làm căn cứ để xây dựng phương pháp định giá sở hữu trí tuệ, hàng hoá và các doanh nghiệp công nghệ ở giai đoạn đầu. Xuất phát từ các phân tích tổng quan, bài viết cũng nêu ra một số vấn đề nhằm gợi ý cho những nghiên cứu sâu hơn sau này về các phương pháp thúc đẩy xã hội hoá sản xuất tư bản, xây dựng chuẩn mực kế toán mới, phát triển cách mới đánh giá doanh nghiệp công nghệ, các phương thức giúp hạn chế nhược điểm của quá trình xã hội hoá tư liệu sản xuất…nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn con đường xây dựng một xã hội tốt đẹp cho toàn nhân loại.

Tài liệu tham khảo

  1. Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lênin. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
  2. “Happy Birthday, Thomas Edison!” By Vernon, February 11, 2013, Energy Efficiency, Events & Fun, News. www.bounceenergy.com/
  3. “Thomas Edison Net Worth”. www.celebritynetworth.com.
  4. http://concetti.vn/news/legal_news/150/nhung-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-trong-lich-su-nhan-loai.
  5. https://www.pcworld.com/article/155984/worst_tech_predictions.html
  6. https://cafeland.vn/doanh-nhan/doanh-nhan/bill-gates-ty-phu-tre-nhat-the-gioi-nam-31-tuoi-tu-bo-quyen-luc-khi-o-dinh-cao-21111.html
  7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Microsoft
  8. https://genk.vn/mo-hinh-than-thanh-recaptcha-bien-nguoi-dung-internet-thanh-nhan-cong-mien-phi-dien-tu-hoa-17600-quyen-sach-moi-nam-khien-google-chi-30-trieu-usd-thau-tom-20181205220150142.chn
  9. “Why Facebook generates much more money per user than its rivals”. Salvador Rodriguez, cnbc.com
  10. https://market.us/statistics/social-media/facebook/
  11. https://vi.wikipedia.org/wiki/Bitcoin
  12. Bitcoin Rises Above $50,000. Where Does It Go From Here? Taylor Tepper, Forbes Advisor Staff. https://www.forbes.com/advisor/investing/bitcoin-price-near-highs/
  13. Fear of missing out impacts people of all ages Date: sciencedaily.com/releases/2020/08/200826101624.htm
  14. Moore’s Law for Everything by Sam Altman. https://moores.samaltman.com/


Đặng Việt Hùng (tác giả)

Founder & CEO của Five Fishes Holding

Là người yêu công nghệ và doanh nhân khởi nghiệp. Luôn tìm cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đã có nhiều sáng chế về y tế và công nghệ trong đó có 1 giải pháp hữu ích đã được cấp bằng. Anh Hùng cũng được biết đến là người sẵn sàng đầu tư đưa các ý tưởng mới vào cuộc sống và đang tiếp tục học hỏi để làm việc này hiệu quả hơn.

Nếu bạn thấy hay, vui lòng chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *